Hơn 1,2 tỷ cổ phiếu SeABank chào sàn HoSE, vốn hóa vượt 1 tỷ USD sau phiên ATO

Sáng nay (24/3), hơn 1,2 tỷ cổ phiếu SSB của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) chính thức giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE). Cổ phiếu SSB tăng kịch trần lên 20.150 đồng/cp, vốn hoá ngân hàng đạt hơn 1,05 tỷ USD.
Hơn 1,2 tỷ cổ phiếu SeABank chào sàn HoSE, vốn hóa vượt 1 tỷ USD sau phiên ATO

Việc niêm yết 1.208.744.208 cổ phiếu SSB trên HOSE là sự kiện quan trọng nằm trong lộ trình phát triển của SeABank, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của ngân hàng trên thị trường. Đây là ngân hàng thứ 3 niêm yết trên sàn chứng khoán trong năm 2021.

Trong phiên giao dịch đầu tiên, SSB có giá tham chiếu 16.800 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị vốn hóa hơn 20.306 tỷ đồng.

Nhưng ngay phiên ATO, cổ phiếu SSB đã tăng trần gần 20% lên mức 20.150 đồng/cổ phiếu, giá trị vốn hóa của SeABank đạt hơn 24.356 tỷ đồng, tương đương hơn 1,05 tỷ USD. Khối lượng khớp lệnh đạt 826.000 đơn vị, khối lượng lệnh dư mua trần trong phiên ATO là hơn 10 triệu đơn vị.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT SeABank cho biết:“Việc cổ phiếu SeABank niêm yết và giao dịch trên HoSE là sự kiện quan trọng nằm trong lộ trình phát triển ngân hàng, ghi nhận dấu ấn mới trong hoạt động của SeABank, khẳng định nội lực và củng cố vị thế thương hiệu trên thị trường, thể hiện tính minh bạch, thanh khoản của cổ phiếu và mang lại lợi ích tối đa cho cổ đông. Khi SeABank chính thức trở thành doanh nghiệp niêm yết và giao dịch trên sàn HOSE, với sự tham gia của hơn 1,2 tỷ cổ phiếu tiềm năng như SSB sẽ góp phần đa dạng hóa thị trường và giúp các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thêm một mã cổ phiếu đầu tư hấp dẫn”.

Về kết quả kinh doanh, SeABank ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng trong khoảng 3 năm trở lại đây với mức tăng trưởng 100% mỗi năm. Năm 2020, ngân hàng lợi nhuận sau thuế hợp nhất kỷ lục 1.728 tỷ đồng, gấp 4,5 lần so với mức lãi 381 tỷ đồng của năm 2017.

Đến cuối năm 2020, tổng tài sản của SeAbank đạt 180.207 tỷ đồng, tăng 14,5% so với hồi đầu năm. Vốn chủ sở hữu cũng tăng tới 25% khi đạt 13.670 tỷ đồng. Huy động vốn trên thị trường 1 đạt 113.276 tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2019. Dư nợ cho vay khách hàng năm qua tăng 10,4%, lên mức 107.760 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giảm khá mạnh từ mức 2,31% cuối năm 2019 xuống mức 1,86%...

Nhờ tín dụng tăng trưởng khả quan, tổng thu nhập của SeAbank năm qua đạt 4.583 tỷ đồng. Trong cơ cấu lợi nhuận, ngân hàng đã điều chỉnh để giảm tỷ trọng ở từ tín dụng, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, nhất là bancassurance. Tháng 12/2019, ngân hàng đã ký kết Hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền với Prudential Việt Nam trong 20 năm, là nguồn thu nhập đáng kể cho giai đoạn tới.

Năm 2021, SeABank dự kiến tăng trưởng tài sản 10%, thu nhập lãi thuần tăng trưởng 15%, thu nhập ngoài lãi sẽ đạt mức tăng trưởng 50% và lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 39,6% so với năm 2020. Lợi nhuận của Ngân hàng sẽ tiếp tục đến từ hoạt động kinh doanh, cho vay, hoạt động thu phí dịch vụ và các khoản thu ngoài lãi từ các hoạt động chủ yếu như hoạt động bảo hiểm, thu phí từ dịch vụ gia tăng từ tài khoản khách hàng, từ kênh giao dịch điện tử, dịch vụ thẻ; thu hút dòng tiền huy động không kỳ hạn để giảm chi phí vốn và tối ưu hóa/tiết kiệm chi phí hoạt động của hệ thống.

Tháng 12/2019, ngân hàng đã ký kết Hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền với Prudential Việt Nam hồi tháng 12/2019, thời gian hợp tác 20 năm và là động lực tăng trưởng nguồn thu nhập cho ngân hàng thời gian tới.

Bên cạnh đó, ngân hàng tiếp tục triển khai chiến lược hội tụ số, đầu tư mạnh mẽ cho cộng nghệ để mang lại hiệu quả hoạt động và giao dịch, gia tăng trải nghiệm khách hàng.

Trên thị trường, SeABank là 1 trong 5 ngân hàng đầu tiên đã hoàn thành sớm cả 3 trụ cột của Basel II, đã tất toán xong toàn bộ trái phiếu VAMC, đồng thời vừa được Moody’s xếp hạng tín nhiệm mức B1 năm thứ 3 liên tiếp.

Có thể bạn quan tâm