Để hiện thực hóa thỏa thuận hợp tác này, Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội sẽ vận động và khuyến khích hơn 300 doanh nghiệp hội viên quan tâm hơn nữa và tiến tới thực hiện các hoạt động bảo vệ thiên nhiên hoang dã, đặc biệt là việc truyền tải các thông điệp bảo vệ động vật hoang dã tới khách du lịch và cộng đồng.
Theo ông Trương Quốc Hùng - Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội: “Việc thực hiện các hoạt động bảo vệ thiên nhiên hoang dã thể hiện vai trò quan trọng và sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp du lịch trong việc giải quyết vấn nạn này. Dù bắt đầu bằng những hành động đơn giản như khuyến khích lãnh đạo, nhân viên và khách du lịch ký cam kết không tiêu thụ trái phép động vật hoang dã nhưng doanh nghiệp lại góp phần tạo nên những tác động lớn hơn làm thay đổi niềm tin và thói quen sử dụng động vật hoang dã trong toàn xã hội. Không chỉ có vậy, những hoạt động này còn giúp doanh nghiệp du lịch nâng cao hình ảnh thương hiệu, tăng tính cạnh trạnh và tăng lợi nhuận".
Một trong những nội dung chính của chương trình sự kiện hướng tới việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa cộng đồng du lịch Việt Nam và các quốc gia khác như Trung Quốc trong việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm các cách làm hay góp phần xây dựng một ngành du lịch xanh và phát triển bền vững. Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 150 doanh nghiệp lữ hành hội viên của Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội và đại diện của nhiều đơn vị, tổ chức về du lịch tại Việt Nam và Trung Quốc.
Bà Sarah Ferguson - Giám đốc Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam cho rằng đây là thời điểm chiến lược để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và khu vực thể hiện vai trò tiên phong trong việc thực hiện các hoạt động bảo vệ thiên nhiên hoang dã.
"Với tầm ảnh hưởng của mình, sự tham gia và tiếng nói của Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội sẽ góp phần tạo nên những động lực tích cực giúp chấm dứt tình trạng buôn bán và tiêu thụ trái phép động vật hoang dã tại Việt Nam” - Bà Sarah Ferguson nói.
Kết quả của các cuộc khảo sát thị trường do Tổ chức TRAFFIC thực hiện trong thời gian qua đã đưa ra những bằng chứng cho thấy Việt Nam là một trong những thị trường cung của nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã cho khách du lịch trong nước và quốc tế. Các chương trình, sáng kiến nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và đặc biệt là các hoạt động phối hợp xuyên quốc gia là cơ sở để giải quyết vấn nạn này.
Sự kiện thuộc Dự án nhằm giảm thiểu nhu cầu sử dụng trái phép sừng tê giác và các loài động vật hoang dã khác do Tổ chức Save the Rhino International tài trợ hướng tới việc huy động sự tham gia và khuyến khích doanh nghiệp du lịch thực hiện các hoạt động bảo vệ động vật hoang dã như một phần trong chính sách trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.