Văn bản nêu rõ, hiện nay “xã hội hóa đầu tư” là chủ trương lớn trong nhiều năm qua để huy động các nguồn lực trong xã hội và nguồn lực đầu tư từ nước ngoài (FDI) nhằm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, nông thôn, thông qua nhiều phương thức, điển hình là Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ các dự án nâng cấp đô thị, các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) hoặc hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).
Hiệp hội nhận thấy, điểm d khoản 5 Điều 100 Luật PPP quy định “Dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng BT” (Luật PPP có hiệu lực từ ngày 1/1/2021) là rất cần thiết.
Do các quy định pháp luật trước đây chưa chặt chẽ, có lỗ hổng dẫn đến tiêu cực, tham nhũng làm thất thu ngân sách nhà nước, thất thoát tài sản công là nguồn lực đất đai do chưa chặt chẽ trong công tác quản lý và phương thức thanh toán hợp đồng BT.
Theo HoREA, những lỗ hổng ấy do hai nguyên nhân chính. Một là, không thực hiện phổ biến phương thức đấu thầu rộng rãi mà chủ yếu là thực hiện chỉ định thầu để lựa chọn nhà đầu tư dự án BT, nên nhà đầu tư dự án BT được lựa chọn thì nghiễm nhiên trở thành chủ đầu tư “dự án khác” là các dự án bất động sản, nhà ở thương mại mà không phải thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư.
Hai là, không thực hiện phương thức thanh toán hợp đồng BT bằng tiền ngân sách nhà nước, mà thanh toán chủ yếu bằng “tài sản công” là mặt bằng, trụ sở làm việc của cơ quan, doanh nghiệp nhà nước dôi dư sau khi sắp xếp lại, hoặc quỹ đất sạch do Nhà nước quản lý để nhà đầu tư dự án BT thực hiện “dự án khác” và được hưởng lợi rất lớn.
Cùng với đó, Hiệp hội còn cho biết, chỉ nên dừng thực hiện dự án BT trong một thời gian nhất định để tập trung xây dựng hoàn thiện đồng bộ cơ chế chính sách, pháp luật nhằm bịt kín các lỗ hổng để đảm bảo đủ điều kiện khởi động lại các dự án BT.
Sau hơn 2 năm dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng BT, HoREA chỉ ra, hiện nay rất cần thiết xây dựng hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để điều chỉnh phương thức đầu tư dự án theo hình thức “hợp đồng xây dựng - chuyển giao mà nhà đầu tư thực hiện hợp đồng BT thanh toán bằng tiền ngân sách nhà nước.
Đồng thời, Hiệp hội cũng cho rằng, hoàn toàn có cơ sở để tạo nguồn thu ngân sách nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT. Bởi lẽ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017, Luật Đất đai 2013 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đều quy định đấu giá tài sản công, trong đó có các mặt bằng thuộc sở hữu nhà nước, quỹ “đất công” thuộc quyền quản lý của Nhà nước.
Do vậy, Hiệp hội rất tán thành Tờ trình số 1764/TTr-BKHĐT ngày 14/03/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư kèm theo Dự thảo “Đề cương Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh”, trong đó có đề xuất cho phép “thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao”.
Nhưng Hiệp hội đề nghị bổ sung thêm quy định “hợp đồng xây dựng - chuyển giao được thanh toán bằng tiền ngân sách nhà nước” và đề nghị xây dựng hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để điều chỉnh phương thức đầu tư dự án theo hình thức “hợp đồng xây dựng - chuyển giao" mà nhà đầu tư thực hiện hợp đồng BT được thanh toán bằng tiền ngân sách nhà nước, để áp dụng chung trên phạm vi cả nước.
Theo đó, Hiệp hội đề nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 5 Điều 101 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, hoặc đề nghị cho phép thí điểm “thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao được thanh toán bằng tiền ngân sách nhà nước của địa phương”.