Theo đó, HoREA đã đưa ra những đề nghị, bổ sung nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo luật và phù hợp với thực tiễn.
Cụ thể, về giải thích khái niệm, HoREA đề nghị giải thích đầy đủ hơn về khái niệm “nhà đầu tư”, đề nghị hoàn thiện khái niệm “xúc tiến đầu tư”. Việc này là rất cần thiết, bởi lẽ, Luật Đầu tư sử dụng khái niệm “nhà đầu tư”, còn các luật chuyên ngành khác như: Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai chỉ sử dụng khái niệm “Chủ đầu tư”…
HoREA đề nghị bổ sung trường hợp “dịch bệnh” vào Khoản 2, Điều 10 “Dự thảo Luật Đầu tư”. Theo HoREA, mới đây, Chính phủ đã công bố “đại dịch Covid-19”, nhưng không công bố “tình trạng khẩn cấp” và đã ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP, các Nghị quyết 41/NQ-CP, Nghị quyết 42/NQ-CP với nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua “đại dịch Covid-19”. Do vậy, Hiệp hội đề nghị bổ sung trường hợp “dịch bệnh” và bổ sung hình thức “hỗ trợ” vào Khoản 2, Điều 10 “Dự thảo Luật Đầu tư” để có thể bao quát chung.
Đề nghị vẫn giữ “dự án khởi nghiệp sáng tạo” trong danh mục về ngành, nghề ưu đãi đầu tư và bổ sung thêm “dự án thử nghiệm”, “dự án nhà ở xã hội”, “dự án nhà ở thương mại giá thấp” tại Điều 17 “Dự thảo Luật Đầu tư”. Theo nghiên cứu, pháp luật về nhà ở đã quy định chính sách ưu đãi nhà ở xã hội, nhưng cũng chưa quy định chính sách ưu đãi đối với dự án nhà ở thương mại giá thấp, vì theo quy định pháp luật hiện hành, thì dự án nhà ở thương mại, kể cả dự án nhà ở thương mại giá thấp đều không được hưởng chính sách ưu đãi. Do vậy, HoREA cho rằng rất cần bổ sung một số chính sách ưu đãi đối với nhà ở thương mại giá thấp trong Luật Đầu tư và cả Luật Nhà ở.
Bổ sung chính sách ưu đãi về thuế. Pháp luật về nhà ở đã quy định các chính sách ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, trong đó, có chính sách ưu đãi về thuế. Do vậy, HoREA đề nghị bổ sung chính sách ưu đãi về thuế vào Khoản (1.c) Điều 19 “Dự thảo Luật Đầu tư”.
Theo HoREA, đề nghị bổ sung “dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê” vào danh mục dự án được ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt, Điểm c (mới), Khoản 2, Điều 21 “Dự thảo Luật Đầu tư”, như sau: “c) Dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê”.
Đồng thời, HoREA cho rằng, Điều 30 “Dự thảo Luật Đầu tư”, nếu được thông qua, sẽ tạo cơ sở pháp lý để giải quyết các vướng mắc đã và đang làm ách tắc nhiều dự án đầu tư có sử dụng đất, trong đó có nhiều dự án nhà ở. Tuy nhiên, phương thức lựa chọn nhà đầu tư (chủ đầu tư) thực hiện dự án đầu tư của “Dự thảo Luật Đầu tư” cần được làm rõ hơn, để công tác thực thi pháp luật được thống nhất, đồng bộ với các luật chuyên ngành.
Ngoài ra, HoREA đề nghị hoàn thiện Khoản 4, Điều 50, tránh chồng chéo, xung đột với Luật Đất đai. Cụ thể, hoàn thiện Khoản 4, Điều 50 “Dự thảo Luật Đầu tư”, như sau: “4. Việc xử lý quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất khi chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan khác. Tài sản hợp pháp của chủ đầu tư gắn liền với quyền sử dụng đất được giải quyết theo quy định của pháp luật”;…
Theo Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu, Dự thảo Luật Đầu tư nếu được Quốc hội thông qua sẽ tháo gỡ được nhiều vướng mắc, ách tắc về thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất, nhất là các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp (gồm: Đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp), do nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, phải chuyển mục đích sử dụng đất, sẽ góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng, tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển kinh tế đất nước, phát triển thị trường BĐS ngay sau đại dịch Covid-19 và những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, HoREA cũng đề nghị làm rõ một số khái niệm, như Dự thảo Luật Đầu tư, Nhà đầu tư, xúc tiến đầu tư. Và đề nghị bổ sung loại hình “dự án thử nghiệm” vào khoản 7 Điều 3; trường hợp “dịch bệnh” vào khoản 2 Điều 10 của Dự thảo Luật Đầu tư.