HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP 2024 của Việt Nam lên 7%

Với diễn biến bất ngờ tích cực trong quý 3, HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 7% từ mức dự báo trước đó là 6,5%. Đây là mức dự báo tăng trưởng cao nhất một tổ chức tài chính quốc tế đưa ra với nền kinh tế Việt Nam năm nay...

HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP 2024 của Việt Nam lên 7%

Ngân hàng HSBC vừa có báo cáo đánh giá kinh tế Việt Nam với dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 đạt 7%, tăng so với dự báo trước đó ở 6,5%.

Theo đó, HSBC đánh giá Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ hơn kỳ vọng trong quý 3 với GDP tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đã có những lo ngại về tác động của siêu bão Yagi, cơn bão mạnh nhất từng đổ bộ vào Việt Nam trong vòng 70 năm, có thể kéo tụt tăng trưởng khi các tỉnh miền Bắc bị ảnh hưởng nặng nề trong đầu tháng 9 với thiệt hại được ước tính hơn 3 tỷ USD.

Tuy nhiên, tác động chủ yếu tập trung trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Sản xuất và thương mại duy trì ổn định đã tiếp tục dẫn dắt công cuộc phục hồi trong khi lĩnh vực trong nước tương đối yên ắng dù cũng có những cải thiện nhất định.

a-532.jpg
Nguồn: HSBC

Nhờ hiệu ứng cơ sở và diễn biến giá thuận lợi liên quan đến giá hàng hóa và biến động tỷ giá, lạm phát đã có dấu hiệu giảm đáng chú ý trong những tháng gần đây.

Với diễn biến bất ngờ tích cực trong quý 3, HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 7% từ mức dự báo trước đó là 6,5%. Đây là mức dự báo tăng trưởng cao nhất một tổ chức tài chính quốc tế đưa ra với nền kinh tế Việt Nam năm nay. Dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2025 vẫn giữ nguyên ở mức 6,5%.

Tổ chức tài chính này đánh giá dù những rủi ro như gián đoạn nguồn cung do bão Yagi và xung đột địa chính trị vẫn còn tiếp diễn, lạm phát dưới mức trần mục tiêu 4,5% của Ngân hàng Nhà nước sẽ cho phép cơ quan này duy trì chính sách nới lỏng và tập trung hỗ trợ tăng trưởng vốn đang diễn ra chưa đồng đều trong các lĩnh vực.

“Với sự phục hồi vẫn diễn ra không đồng đều, chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách nới lỏng và giữ lãi suất chính sách ở mức 4,5%/năm cho đến hết năm 2025”, chuyên gia tại HSBC nhận định thêm.

Nguồn: HSBC

Nguồn: HSBC

Trong tương lai, HSBC đánh giá các dòng vốn đổ vào sản xuất có khả năng duy trì ổn định khi chuyến công du của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sang thăm Mỹ đã gặt hái được sự quan tâm từ một số công ty công nghệ lớn như Meta.

Những nỗ lực không ngừng thắt chặt quan hệ với các đối tác quốc tế cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi thu hút thêm đầu tư, chẳng hạn như Việt Nam mới đây đã nâng cấp quan hệ với Pháp lên đối tác chiến lược toàn diện.

Trước đó, Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu UOB đã đưa ra nhận định, bất chấp tác động của cơn bão Yagi, tăng trưởng GDP tới thời điểm hiện tại của năm 2024 đã đạt 6,8%. Theo đó, UOB điều chỉnh dự báo tăng trưởng cả năm của Việt Nam lên 6,4% (so với mức dự báo giảm trước đó là 5,9%) để phản ánh cả kết quả tính đến hiện tại và tính đến sự gián đoạn trong các hoạt động ở đầu quý 4/2024.

Trong năm 2025, UOB dự báo tăng trưởng vẫn được duy trì ở mức 6,6%, phản ánh mức tăng sản lượng dự kiến vào đầu năm sau để bù đắp cho những tổn thất trước đó do cơn bão Yagi gây ra, cũng như tác động lan tỏa từ chính sách nới lỏng của Fed và các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc.

Liên quan đến chính sách tiền tệ, các chuyên gia UOB cho rằng, với lạm phát có dấu hiệu giảm bớt, sức mạnh của đồng USD dự kiến sẽ suy yếu hơn nữa sau chính sách nới lỏng của Fed và với những tác động tiêu cực lan rộng sau cơn bão Yagi, khả năng Ngân hàng Nhà nước chuyển sang nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ được cân nhắc nhiều hơn so với trước đây.

Tuy nhiên, điều này sẽ được cân đối với các yếu tố như hiệu suất kinh tế mạnh mẽ, đặc biệt là trong quý 3/2024 và khả năng lạm phát bùng phát trong quý 4/2024 sau cơn bão Yagi, do thực phẩm (chiếm 33,6%) và nhà ở (18,8%) chiếm ưu thế trong rổ CPI.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước có khả năng sẽ áp dụng cách tiếp cận có trọng tâm hơn để hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong khu vực của họ, thay vì triển khai một cách rộng rãi trên toàn quốc như cắt giảm lãi suất.

UOB dự đoán Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,5% trong khi tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và các biện pháp hỗ trợ khác.

Trong khi đó, dự báo mới nhất của WB cho rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 sẽ đạt 6,1% trong năm 2024 và tăng lên 6,5% sang năm 2025, mức này cao hơn lần lượt 5,5% và 6,0% tại dự báo của WB vào tháng 4/2024.

Với dự báo này, tăng trưởng GDP của Việt Nam cao hơn 8 quốc gia trong khu vực ASEAN và Trung Quốc. Trong đó, Trung Quốc được WB dự báo tăng trưởng GDP đạt 4,8% trong năm 2024 và giảm còn 4,3% trong năm 2025.

WB cho rằng, nguyên nhân giảm là do thị trường bất động sản yếu kéo dài, niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng thấp, bên cạnh những thách thức mang tính cơ cấu như già hóa dân số và những căng thẳng toàn cầu. Còn tại khu vực ASEAN, con số này tại Thái Lan là 2,4% và 3,0%, tại Malaysia là 4,9% và 4,5%, tại Indonesia là 5,0% và 5,1%, Philippines là 6,0% và 6,1%...

Báo cáo của WB cho rằng, tăng trưởng chung của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương dự báo đạt 4,8% trong năm 2024 nhưng sẽ chững lại còn 4,4% vào năm 2025. Tăng trưởng chung của khu vực ngoại trừ Trung Quốc dự báo đạt 4,7% trong năm 2024 và 4,9% trong năm 2025, nhờ tiêu dùng trong nước tăng lên, xuất khẩu hàng hóa phục hồi và du lịch tăng trở lại.

Theo WB, trong các nền kinh tế lớn, chỉ có Indonesia dự kiến tăng trưởng trong năm 2024 và 2025 bằng hoặc cao hơn mức trước đại dịch, trong khi tăng trưởng ở Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam dự kiến sẽ thấp hơn mức trước đại dịch.

b-8468.jpg
Nguồn: HSBC

WB đánh giá Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội tăng cường vai trò của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách "kết nối" các đối tác thương mại lớn. Các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ chứng kiến doanh thu tăng gần 25% nhanh hơn so với các thị trường khác trong giai đoạn 2018-2021.

Tuy nhiên, báo cáo cho rằng, các nền kinh tế có thể ngày càng bị hạn chế trong việc đóng vai trò "kết nối một chiều" khi các quy tắc xuất xứ và hạn chế xuất nhập khẩu mới, nghiêm ngặt được áp dụng.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm