Việc hướng dẫn của Tổng cục Hải quan về chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) từ Chile là hành động rất khẩn trương của đơn vị này sau khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực với nước này.
Tổng cục Hải quan cho biết, do Nghị định về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện CPTPP đối với hàng hóa nhập khẩu từ Chile chưa được ban hành, do đó cục Hải quan các tỉnh, thành phố tiếp nhận, thực hiện kiểm tra chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định tại Thông tư số 62/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính và Thông tư số 03/2019/TT-BCT của Bộ Công Thương.
Về hình thức chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, theo thông báo của Đại sứ quán Chile về thực thi các quy định về quy tắc xuất xứ tại Chương 3 của Hiệp định, Chile không áp dụng hình thức C/O được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 5 của Phụ lục 3A.
Chile áp dụng hình thức chứng từ tự chứng nhận xuất xứ được phát hành bởi người xuất khẩu theo quy định tại Chương 3 của Hiệp định, nội luật hóa tại Thông tư số 03/2019/TT-BCT và Thông tư số 62/2019/TT-BTC.
Hướng dẫn của Tổng cục Hải quan trên cơ sở Công hàm số 19/23 ngày 8/2/2023 của Đại sứ quán Chile tại Việt Nam và thông báo của Bộ Công Thương về cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP của Chile.
Cách đây không lâu (tức ngày 22/2/2023), tại cuộc họp trực tuyến cấp Bộ trưởng với Vương quốc Anh (UK) để thảo luận về tiến trình đàm phán gia nhập CPTPP của nước này, các nước thành viên của CPTPP đã chào mừng Chile đã chính thức gia nhập CPTPP.
Trước đó 1 ngày, ngày 21/2/2023 Chile chính thức trở thành thành viên thứ 10 của CPTPP. Ngay sau khi CPTPP được ký kết tháng 3/2018 tại Chile, nhiều nền kinh tế đã bày tỏ nguyện vọng được gia nhập Hiệp định. Thậm chí, một số nền kinh tế đã mong muốn tham gia khi CPTPP còn là Hiệp định TPP thời điểm Mỹ còn là một thành viên. Sức hút của CPTPP không chỉ đến từ một khối liên minh kinh tế lớn thứ 3 thế giới mà còn đến từ các yếu tố khác.