Huỷ đấu giá để bảo vệ nhà đầu tư
CTCP Đầu tư Apax Holdings (mã: IBC) vừa có đơn đăng ký bán đấu giá chứng khoán ra công chúng với khối lượng 7,5 triệu đơn vị. Mức giá khởi điểm 20.000 đồng/CP với mệnh giá là 10.000 đồng/CP. Dự kiến, phiên đấu giá dự kiến diễn ra vào 8h30 ngày 26/5/2017 tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).
Nhưng HNX đã bất ngờ thông báo huỷ phiên đấu giá ngày 26/5 của IBC với lý do “tạm dừng cuộc bán đấu giá cổ phần của Apax Holding để xác minh làm rõ thông tin nhằm bảo vệ lợi ích nhà đầu tư”. Phía IBC hiện vẫn chưa lên tiếng về quyết định cảnh báo đáng ngại này của HNX.
Giới đầu tư đang dồn chú ý vào IBC và đặt nghi vấn về điều gì bất thường liên quan tới Apax Holding khiến cho HNX phải có quyết định tạm hoãn đấu giá cổ phiếu này ngay lập tức như vậy?
Trong khi nguyên nhân việc huỷ đấu giá chưa sáng tổ thì giới đầu tư cũng bị “sốc” trước diễn biến tăng giá bất thường tới hơn 416% của cổ phiếu IBC trên sàn chứng khoán.
Ngày 25/10/2016, Apax Holdings (vốn điều lệ 313 tỷ đồng) chính thức giao dịch trên UpCOM với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 10.000 đồng/CP. Giá cổ phiếu IBC sau đó chỉ giao dịch quanh mức 6.000 đồng/CP và khối lượng giao dịch mỗi phiên không đáng kể.
Nhưng từ đầu tháng 12/2016, cổ phiếu IBC đột ngột tăng mạnh với nhiều phiên tăng trần liên tiếp, từ 6.200 đồng/CP lên tới 32.000 đồng/CP, tức tăng tới 416% (tăng gấp 5,1 lần) chỉ trong vòng 4 tháng giao dịch.
Đến ngày 5/4/2017, cổ phiếu IBC bắt đầu chuỗi ngày đỏ lửa giảm liên tục 15 phiên, xuống mức 25.700 đồng/CP, “bốc hơi” tới 19,7% thị giá. Những phiên gần đây, IBC ghi nhận biến động giá với biên độ lớn lên tới 17,7% chỉ trong một phiên giao dịch ngày 4/5/2017.
Trước sự biến động lớn của IBC trên sàn HNX lập tức đưa ra cảnh báo tạm dừng phiên bán đấu giá cổ phiếu này để xác minh thông tin nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Bởi khi cổ phiếu tăng giá bất thường mà không có những yếu tố tích cực hỗ trợ, thì sẽ tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư.
Tại ĐHCĐ thường niên năm 2017, Apax Holdings đã thông qua 2 phương án tăng vốn điều lệ, trong đó phát hành 30,7 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/CP và đấu giá 7,5 triệu cổ phiếu với giá khởi điểm 20.000 đồng/CP.
Với thị giá IBC hiện tại là 28.600 đồng/CP (phiên 12/5), cao hơn 43% so với giá chào bán sắp tới nên IBC dường như đang rất “lấp lánh” trong mắt giới đầu cơ lướt sóng chứng khoán.
Tuy vậy, trước mỗi sự tăng giá bất thường của cổ phiếu mà Sở GDCK Hà Nội đang còn xác minh thông tin thì nhà đầu tư cần hết sức thận trọng trước khi ra quyết định giao dịch cổ phiếu đó.
Diễn biến giá cổ phiếu IBC tăng gấp 5 lần
Điều chuyển vốn?
Không chỉ gây chú ý về giá cổ phiếu tăng “phi mã” gấp 5 lần, Apax Holdings đang khiến nhà đầu tư tò mò về biến động dòng tiền của doanh nghiệp.
Apax Holdings (tên cũ là Công ty cổ phần đầu tư VN Benchmark) được thành lập từ 19/3/2012. Sau đợt phát hành thêm 25 triệu cổ phiếu gần đây, công ty này đã tăng vốn lên 313 tỷ đồng. Đầu tháng 1/2017, Apax Holdings đã miễn nhiệm các thành viên HĐQT cũ, và bầu bổ sung 5 thành viên mới gồm: ông Nguyễn Ngọc Thuỷ, Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Mạnh Phú, bà Nguyễn Thị Dung, bà Vũ Cẩm La Hương, ông Nguyễn Trọng Quỳnh, ông Nguyễn Ngọc Khánh.
Đợt tăng vốn vừa qua, Apax Holdings thu được 250 tỷ đồng từ bán 25 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược Tập đoàn Giáo dục Egroup. Tập đoàn Egroup thành lập năm 2008, có chủ sở hữu là ông Nguyễn Ngọc Thuỷ và hiện là Chủ tịch HĐQT của Apax Holdings.
Apax Holdings đã sử dụng 250 tỷ đồng này và 34 tỷ đồng vốn có để mua 34% cổ phần của Công ty cổ phần Anh ngữ Apax (thành lập năm 2012) với giá 71.000 đồng/CP. Giá trị khoản vốn góp vào Anh ngữ Apax được công ty xác định có giá trị là 323,5 tỷ đồng. Đáng nói, số tiền góp vốn vào công ty liên kết này còn lớn hơn vốn điều lệ của chính Apax Holdings hiện tại và công ty liên kết thuộc sở hữu của ông Nguyễn Ngọc Khánh, Thành viên HĐQT của Apax Holdings.
Có thể thấy, Apax Holdings đã huy động vốn từ các lãnh đạo chủ chốt sau đó lại đem gần 96% tổng tài sản của Apax Holdings (gồm tiền bán cổ phiếu) “điều chuyển” sang công ty Anh ngữ Apax của một lãnh đạo khác.
Đáng chú ý, tại thời điểm 31/3/2017, Apax Holdings chỉ có lượng tiền mặt trên sổ sách hơn 6,3 tỷ đồng và khoản phải thu 7,3 tỷ đồng. Còn lại tài sản dài hạn hơn 324 tỷ đồng là vốn góp vào công ty liên kết. Nợ phải trả là hơn 5 tỷ đồng.
Trong quý 1, doanh thu thuần của công ty đạt hơn 12 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế là 8,8 tỷ đồng. Lợi nhuận chưa phân phối trên báo cáo ghi nhận còn gần 20,4 tỷ đồng.
Câu chuyện luân chuyển vốn ở Apax Holdings khiến nhà đầu tư liên tưởng tới vụ việc “cổ phiếu ma” MTM niêm yết trên sàn HNX đã gây chấn động toàn thị trường hồi năm 2016.
Khi đó, giá cổ phiếu MTM cũng tăng phi mã lên tới 14.700 đồng/CP ngày 15/4/2016 khi lên sàn. Chỉ 3 ngày sau, cổ phiếu rơi thẳng đứng giảm tới 54% Đến khi HNX phát hiện và cơ quan điều tra vào cuộc thì xác định, trước thời điểm lên UpCOM, ban lãnh đạo cũ của MTM đã rút ruột toàn bộ tiền mặt của công ty. Tổng số tiền mặt bị rút ra trước ngày 15/4/2016 là 309,4 tỷ đồng, tương đương vốn điều lệ 310 tỷ đồng để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư, cổ đông mua cổ phiếu MTM. Như vậy giá trị cổ phiếu MTM là 0 đồng/CP.
Các nhà đầu tư bị sốc khi báo cáo tài chính công bố sau đó cho thấy tài sản công ty MTM đã “bốc hơi” không còn một đồng nào từ lâu. Giá trị cổ phiếu MTM lao dốc không phanh, mất tới 80% thị giá.
Liệu một “kịch bản MTM” có xảy ra nữa hay không, thì giới đầu tư vẫn đang chờ câu trả lời chính thức từ phía Sở HNX và doanh nghiệp?
>> Vụ cổ phiếu “ma” MTM xuất hiện tình tiết mới