iFan của ai, do ai điều hành, chắc phải hỏi Diệp Khắc Cường'

Ông Hồ Xuân Văn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Modern Tech, khẳng định sẵn sàng hợp tác và cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để làm rõ ai là người điều hành, tổ chức mạng lưới iFan ở Việt Nam -
iFan của ai, do ai điều hành, chắc phải hỏi Diệp Khắc Cường'

Dự tính xây dựng app cho iFan

Liên quan đến tiền ảo iFan, Công ty Modern Tech bị nhà đầu tư (NĐT) tố dính dáng đến việc lừa đảo hơn 15.000 tỉ đồng, nhiều người đã kiếm ông? Vì sao bây giờ ông mới xuất hiện?

Ông Hồ Xuân Văn: Modern Tech chỉ là công ty chuyên về công nghệ với mong muốn sẽ kết nối được với nhiều người trong nước về gia công ứng dụng. Công ty bị quy về trách nhiệm huy động vốn, lừa đảo 15.000 tỉ đồng là thông tin một chiều. Thứ nhất, giấy phép kinh doanh của công ty thành lập ngày 31.10.2017, còn những dữ liệu về iFan đã có trước đó. Thứ hai, bản thân Modern Tech không huy động vốn vì suốt từ ngày thành lập đến nay tài khoản công ty không có một dòng tiền nào vào… Hiện tại công ty chỉ đăng ký một tài khoản duy nhất ở Vietcombank và số dư chỉ còn 1,6 triệu đồng. Mấy ngày qua sau khi có thông tin như vậy, tôi không biết xử lý thế nào. Tôi không phải người lừa đảo, tại sao bị quy như vậy. Tôi sẵn sàng gặp cơ quan chức năng để làm rõ vấn đề liên quan.

Modern Tech có quan hệ gì với iFan? Hàng chục NĐT nêu tên Modern Tech, còn ông bảo không liên quan?

Tôi xin khẳng định Modern Tech được thành lập sau iFan. Nếu cần thì cơ quan chức năng rất dễ điều tra, làm rõ. Modern Tech được chúng tôi thành lập khi thấy được tiềm năng của thị trường Blockchain (công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau; mở rộng theo thời gian) điển hình là đồng Ethereum. Modern Tech muốn tạo ra ứng dụng để tích hợp công nghệ, tạo doanh thu. Khi mở Modern Tech, tham vọng của chúng tôi không chỉ tạo “app” (ứng dụng - PV) cho iFan mà còn tạo nhiều “app” khác. Tôi được chọn làm Tổng giám đốc Modern Tech vì trong nhóm sáng lập, tôi rành về công nghệ nhất. Chúng tôi đã từng được mời qua Singapore, tới văn phòng của iFan và thấy đây là công ty thật, có những dự án thật. Do đó chúng tôi tự tin sẽ hợp tác được với iFan nhưng trong quá trình xúc tiến, chúng tôi thấy iFan không làm như họ nói nên ngưng hợp tác. Mặt khác, theo quy định của Việt Nam, từ ngày 1.1.2018 cấm doanh nghiệp phát hành tiền ảo nên chúng tôi ngưng hợp tác.

"Ngày 11.4, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường quản lý hoạt động liên quan tới Bitcoin, tiền ảo. Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua, các cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều cảnh báo về rủi ro liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo, cũng như nguy cơ sử dụng tiền ảo cho hoạt động tội phạm. Hoạt động đầu tư, mua bán tiền ảo, huy động vốn qua phát hành tiền ảo (ICO), đặc biệt là hoạt động sử dụng tiền ảo để huy động vốn theo phương thức đa cấp ngày càng diễn biến phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tài chính, trật tự an toàn xã hội và có thể gây rủi ro rất lớn đối với tổ chức, cá nhân tham gia.

Trao đổi với PV Thanh Niên, đại úy Nguyễn Nam Hào, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) - Bộ Công an, khẳng định theo pháp luật Việt Nam, các đồng tiền điện tử (tiền ảo) không phải đồng tiền pháp định, không phải phương tiện thanh toán hợp pháp. Các hình thức ICO (kêu gọi, huy động vốn đầu tư) tiền điện tử đều chưa được pháp luật chấp nhận.

Ông nói giữa Modern Tech và iFan không liên quan đến nhau, mọi việc mới chỉ dừng lại ở ý định nhưng tại sao có nhiều hình ảnh thành viên của công ty, kể cả hình ảnh của ông tham gia với vai trò diễn giả ở một số hội nghị giới thiệu, kêu gọi, thu hút NĐT liên quan đến iFan?

Modern Tech được thành lập ngày 31.10.2017 nhưng trước đó tháng 9.2017, nhiều người trong đó có tôi, được mời tới nhà của ông Diệp Khắc Cường. Ông Cường nói iFan của Singapore muốn hợp tác với ông. Ông Cường mời một số anh em tham gia nói về dự án của ông. Tôi hiểu về công nghệ, về Blockchain, ICO (kêu gọi vốn) nên được ông Cường mời lên sân khấu nói về ICO. Tôi giảng về mảng này trong 2 buổi...

Ông giảng ICO trong hội nghị NĐT về iFan?

Khi đó tôi mới biết về iFan, được ông Cường mời nên giảng về ICO. Ông Cường làm việc như thế nào về iFan ở Singapore thì tôi không rõ.

Trong giấy phép của Modern Tech có ông Vũ Hữu Lợi. Ông Lợi là người góp vốn của công ty và bị tố là lôi kéo nhiều nhà đầu tư tham gia iFan? Ông Lợi là ai? Giữ vai trò như thế nào trong Modern Tech?

Tôi quen ông Lợi tại buổi gặp mặt ở nhà ông Diệp Khắc Cường. Trước đó thì biết qua mạng, qua diễn đàn. Sau một thời gian, khi đã thân quen, tôi với ông Lợi và một số người mở Modern Tech. Ông Lợi cũng là cổ đông lớn nhất của công ty khi chiếm 15% cổ phần nhưng chưa đóng đồng nào.

Quan hệ giữa Modern Tech và ông Diệp Khắc Cường thế nào?

Không liên quan đến nhau. Sau khi chúng tôi đến nhà ông Cường, biết iFan, mua iFan và cùng nhau lập công ty vì thấy tiềm năng. Chỉ liên quan khi ông Cường mời chúng tôi tới gặp mặt giới thiệu về dự án iFan của Singapore.

Hợp tác với cơ quan chức năng

Ông khẳng định không có vai trò gì trong iFan?

Tôi khẳng định chắc 100% bởi iFan đã hoạt động trước đó rất lâu rồi còn công ty Modern Tech mới thành lập từ tháng 10.2017. Cá nhân tôi biết đến iFan ngày 25.9.2017.

Ông từng đầu tư, từng có ý định hợp tác với iFan, nhưng không biết người điều hành iFan ở Việt Nam là ai?

Tôi không biết iFan của ai nhưng một điều chắc chắn ngày 25.9.2017, tôi đến nhà ông Cường thì ông Cường bảo iFan của Singapore. Ở Việt Nam, iFan của ai, do ai điều hành chắc phải hỏi ông Cường.

Trước thông tin sự việc nghiêm trọng như thời gian qua, vì sao ông lánh mặt?

Sau khi xảy ra sự việc, rất nhiều số điện thoại lạ liên hệ với tôi, làm phiền cuộc sống của tôi. Điều đó buộc tôi phải tắt điện thoại và đi chỗ khác. Ngoài ra khi thấy NĐT khiếu kiện, khiếu nại, tôi cũng không biết họ tố cáo gì, cấu thành tội gì. Giờ trấn tĩnh, tôi biết mình không có tội, mình không làm gì sai nên sẵn sàng hợp tác với cơ quan chức năng làm rõ, điều tra, xác minh vụ việc.

Trước sự việc đã xảy ra, ông có liên hệ với ông Diệp Khắc Cường để làm rõ sự việc không?

Xét về góc độ cá nhân, bây giờ ông Cường nói gì cứ để ông nói. Tôi không thể đôi co với ông Cường, càng không thể tổ chức “họp báo”, lên Facebook phân bua như anh Cường đã làm. Việc của tôi là trình báo những gì cho cơ quan chức năng và cơ quan chức năng sẽ làm việc với ông Cường. Tôi biết mình không sai nên không cần phân bua nhiều. Tôi sẽ đem giấy tờ, hình ảnh cho cơ quan chức năng để xác minh làm rõ vụ việc.

Nhà đầu tư nói gì về “phân bua” của ông Diệp Khắc Cường?

Ngày 12.4, bà L.C, đại diện một nhóm NĐT đã cung cấp cho báo chí một số thông tin sau khi ông Diệp Khắc Cường (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư và phát triển mạng lưới Hữu Nghị, viết tắt là Công ty FNC, trụ sở tại Q.10, TP.HCM), “phân bua” về việc bị tố liên quan đến vụ lừa tiền ảo iFan và khẳng định mình là nạn nhân của các các đối tượng trong nhóm cổ đông tự xưng là Công ty iFan.

Bà C. tố ông Diệp Khắc Cường có liên quan đến đường dây này. Theo đó, tháng 10.2017, bà C. rủ bạn bè, gia đình, người quen để tham gia mua tiền ảo thông qua giới thiệu của ông T.N.S. Sau đó, bà C. và hơn 10 người quen của mình gặp ông S. đưa tiền để mua 200.000 iFan, tổng cộng hơn 7 tỉ đồng. Một người bạn thân của bà C. mua 340.000 iFan, tương đương hơn 10 tỉ đồng. Ngày bà C. đi tham gia hội thảo, có rất nhiều đại diện của Công ty ở Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan… và có sự tham dự của ông Diệp Khắc Cường.

Về lý do bà C. và người thân đầu tư số tiền lớn vào iFan, bà C. nói: “Do thấy nhiều người nổi tiếng tham gia các hội thảo. Hôm đó, tôi ngồi bàn đầu nghe Diệp Khắc Cường nói vai trò của Cường là Chủ tịch HĐQT, là người giữ tiền của nhà đầu tư, hứa hẹn nhiều điều tốt đẹp, lợi nhuận lớn”.

Khi biết mình bị lừa, bà C. đòi tiền ông S. thì ông này nói khi nào Diệp Khắc Cường trả lại tiền thì ông S. mới có tiền trả lại cho bà C.

Bà C. nói đã đại diện cho nhóm khoảng 10 người làm đơn đơn kiện ông S. và những người liên quan đến cơ quan công an.

Theo Thanh Niên 

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…