Theo đánh giá của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), trong gần ba thập kỷ qua, đầu tư nước ngoài (FDI) luôn đóng vai trò quan trọng, là động lực cho phát triển kinh tế tại Việt Nam; các chính sách thu hút FDI đã giúp mở rộng hội nhập, thúc đẩy thương mại, tạo thêm nhiều công ăn việc làm.
Mặc dù vậy, ông Kyle Kelhofer, Giám đốc quốc gia cấp cao Việt Nam - Lào - Campuchia của IFC cho rằng, Việt Nam cần có những cải cải mang tính đột phá và các chính sách mang tính chiến lược để thu hút FDI có giá trị cao hơn.
Trong báo cáo Các khuyến nghị về chiến lược và định hướng thu hút FDI thế hệ mới 2020 - 2030 của Việt Nam được IFC và Bộ Kế hoạch và đầu tư giới thiệu chiều 9/7/2018, các chuyên gia quốc tế nhận định, FDI đổ vào Việt Nam chủ yếu bắt nguồn từ các yếu tố như chi phí lao động thấp và cơ chế ưu đãi lớn.
Trên thực tế, các nhà đầu tư đã xác định rằng việc thiếu lao động có kỹ năng là một rào cản đối với tăng trưởng; trong khi việc thiếu các chuỗi cung ứng tích hợp tại địa phương, khan hiếm các nhà cung ứng trong nước có chất lượng và các chính sách hiệu quả nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương càng làm giảm năng lực cạnh tranh của các công ty.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Vũ Đại Thắng, thách thức Việt Nam phải đối mặt rất đặc thù, khi mà dòng vốn FDI đạt mức cao kỷ lục song hiệu ứng lan tỏa và các giá trị gia tăng mà dòng vốn này mang lại còn khá hạn chế.
Theo đó, sự thống trị của các dự án chế tạo - chế biến trong nhóm tìm kiếm thị trường, thâm dụng lao động có giá trị gia tăng tương đối thấp đã kéo dòng vốn FDI cao nhưng giá trị gia tăng trong nước lại tương đối thấp; việc làm có mức lương thấp, hiệu ứng lan toả kém và "một nền kinh tế kép", lạm dụng ưu đãi; chênh lệch kỹ năng ngày càng lớn và rủi ro rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Tám khuyến nghị đột phá thu hút FDI
Theo khuyến nghị của IFC, chiến lược thu hút FDI của Việt Nam cần trả lời được các câu hỏi bao gồm: nên tập trung các nguồn lực dành cho việc xúc tiến đầu tư và cải cách chính sách đầu tư vào đâu để thu hút được loại hình FDI phù hợp nhằm tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong giai đoan 2020 - 2030; làm thế nào để nâng tỷ trọng FDI có giá trị gia tăng cao, bền vững, có hiệu ứng lan toả FDI tích cực mạnh mẽ hơn đối với khối kinh tế tư nhân trong nước.
Theo IFC, sản xuất kim loại bậc cao khoáng chất, hoá chất, nhựa và linh kiện điện tử, công nghệ cao; sản xuất máy và thiết bị công nghiệp; dịch vụ du lịch giá trị cao; dịch vụ hậu cần và MRO; nông nghiệp sáng tạo, giá trị cao là các lĩnh vực ưu tiên trước mắt, đóng vai trò quan trọng đối với gia tăng giá trị và năng lực cạnh tranh trong nước.
Trong thời gian ngắn hạn, sản xuất thiết bị gốc và nhà cung cấp thiết bị vận tải ô tô; công nghệ môi trường cần được xem là cơ hội hẹp để cạnh tranh thắng lợi. Bên cạnh đó, các ưu tiên trong thời gian trung hạn, đi đôi với mở cửa và phát triển kỹ năng là sản xuất và chế tạo dược phẩm, thiết bị y tế; các dịch vụ bao gồm: giáo dục và y tế; tài chính, công nghệ tài chính; công nghệ thông tin và dịch vụ tri thức.
Để thực hiện được các mục tiêu đề ra trong việc thu hút FDI chất lượng cao hơn, trong thời gian ưu tiên trước mắt (2018 - 2020), IFC cho rằng Việt Nam cần thành lập một cơ quan quản lý đầu tư nước ngoài thế hệ mới có đầy đủ chức năng để chỉ đạo việc thực hiện chiến lược thu hút FDI thế hệ mới; hiện đại hoá công tác xúc tiến đầu tư, chuyển từ thụ động sang chủ động.
Ngoài ra, cần thực hiện các chính sách để tăng cường liên kết thượng nguồn từ đầu tư FDI với việc thực hiện kết nối doanh nghiệp FDI đồng bộ để giải quyết và hạn chế các điểm yếu của thị trường và kết nối doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp FDI.
Trong thời gian ngắn hạn và trung hạn (2020 - 2030), IFC cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh nguồn cung kỹ năng; xây dựng môi trường 4.0 phù hợp với nhu cầu kinh doanh trong kỷ nguyên số.
Đặc biệt, cần cải tổ toàn diện khung chính sách ưu đãi hiện hành và cân đối bằng cách chuyển hướng sang ưu đãi dựa trên hiệu quả; mở cửa thị trường ở những lĩnh vực hỗ trợ đầu tư; đồng thời áp dụng chính sách về xúc tiến chiến lược đầu tư FDI ra nước ngoài.
Theo The Leader