Bốn vấn đề lớn của du lịch Việt Nam hiện nay đặt ra là là cơ chế chính sách, nguồn lực, sản phẩm du lịch và xúc tiến hiệu quả. Trong đó, sản phẩm du lịch là một trong những vấn đề cốt lõi của sự phát triển.
Sản phẩm du lịch Việt Nam chúng ta hiện đang vừa thừa và vừa thiếu. Thừa những sản phẩm du lịch giống nhau và thiếu sản phẩm độc đáo. Thiếu cả định vị điểm đến du lịch quốc gia trong suy nghĩ của khách quốc tế đến Việt Nam.
Du lịch Việt Nam thiếu nhiều các sản phẩm du lịch có thể đáp ứng nhu cầu của du khách, đó là các sản phẩm đem lại cho du khách những trải nghiệm du lịch mới, chân thực, thú vị, gắn bó sâu sắc với đời sống, văn hoá, di sản và lịch sử của điểm đến. Nhu cầu của du khách tại điểm đến không chỉ dừng lại ở những hoạt động tham quan nghỉ dưỡng đơn thuần mà còn là những trải nghiệm văn hóa, lối sống.
Trong bối cảnh đó, du lịch nông nghiệp là một thị trường ngách mà Việt Nam có rất nhiều tài nguyên để có thể cung cấp những sản phẩm tốt cho cả người Việt Nam và du khách nước ngoài.
Sức hút của du lịch nông nghiệp
Thực tế, khách du lịch thuần tuý từ Châu Âu, Châu Mỹ của chúng tôi rất thích các tour nông nghiệp và dựa vào nông nghiệp. Các tour phổ biến phục vụ đối tượng khách này như: Tour một ngày làm nông dân, trải nghiệm hoạt động trồng lúa, bắt cá, ở nhà dân, hái cà phê, đi cày, đi bừa, cưỡi xe bò, xe trâu, xem trồng nho và thử rượu vang Đà Lạt.
Ở phía Bắc các tour hấp dẫn khách gồm thưởng ngoạn trải nghiệm phong cảnh mùa lúa chín tại Mù Cang Chải, Sapa, Pù Luông, Mai Châu, Ninh Bình; tour tới Giao Thủy (Nam Định) xem chim, thăm nhà cổ cố nông, bần nông, trung nông và địa chủ tại bảo tàng nông nghiệp ở Nam Định.
Đối với những du khách đến từ những nền văn hóa khác biệt, việc được tìm hiểu, trải nghiệm, khám phá những đồ vật được sử dụng trong đời sống hàng ngày của bà con nông dân là những điều rất thú vị, hấp dẫn và nghệ thuật. Việc hấp dẫn du khách nước ngoài không phải là những điều xa lạ mà chỉ đơn giản như việc mặc cho khách mặc quần áo của nông dân đồng bằng Bắc Bộ, áo tứ thân, áo dài; học cách ăn bằng đũa, vào bếp nấu cơm từ gạo, bằng rơm rạ...
Đôi khi chỉ là những vật dụng của người nông dân dùng để bắt gà, bắt lợn nhưng cũng khiến nhiều khách Tây có những trải nghiệm vô cùng thích thú. Phong cách sống, đời sống hàng ngày của bà con nông dân cũng là sản phẩm mà khách du lịch quốc tế muốn thử, xem và cảm nhận.
Ngoài ra, chúng tôi cũng có những đoàn khách Á Châu như sinh viên, giáo sư, doanh nghiệp chuyên tìm hiểu các mô hình sản xuất kinh doanh nông nghiệp, trồng lúa, giống, cây trồng và nuôi trồng thuỷ hải sản tại Việt.
Du lịch nông nghiệp không phải là du lịch sinh thái. Du lịch nông nghiệp (tiếng Anh Agri hoặc Agro Tourism) liên quan đến nông nghiệp, nông thôn. Du lịch nông nghiệp là dựa vào nông nghiệp. Sản phẩm du lịch nông nghiệp bao gồm các yếu tố sau:
- 4P: Product (Sản phẩm); Promotion (Chiêu thức xúc tiến); Price (Giá); Place (Phân phối)
- 4E: Experience (Trải nghiệm); Evangelism (Mê hoặc); Exchange (Trao đổi); Every place (mọi nơi)
"Bốn vấn đề lớn của du lịch Việt Nam hiện nay đặt ra là là cơ chế chính sách, nguồn lực, sản phẩm du lịch và xúc tiến hiệu quả. Trong đó, sản phẩm du lịch là một trong những vấn đề cốt lõi của sự phát triển.
Giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp
Để phát triển du lịch nông nghiệp cần chính sách thông thoáng cho du lịch và vì du lịch khi phát triển hạ tầng. Cùng chiến lược sản phẩm của Tổng cục Du lịch như: Văn hoá, biển, thiên nhiên và sinh thái, du lịch thể thao và giải trí thì du lịch nông nghiệp có thể nằm trong nhóm thứ 3.
Xúc tiến trong và ngoài nước, các thị trường mục tiêu. Mô hình mà Tổng cục Du lịch Thái Lan đang xúc tiến rất thành công, hiệu quả như Thai lifestyles - phần lớn là phong cách sống của nông dân.
Khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch và môi trường sinh thái và phát triển bền vững. Mỗi địa phương chọn một sản phẩm nông nghiệp đặc trưng (có thể làm ngay và luôn). Một số sản phẩm nông nghiệp thêm và sản phẩm nông nghiệp khách có thể mua và tặng như gạo Điện Biên, hạt tiêu, điều Phú Quốc, trà Thái Nguyên, Mộc Châu, cà phê Buôn Mê Thuột ...sao để khách kết nối các điểm đến thấy đa dạng, khi đi từ Bắc vào Nam.
Với đối tượng khách nghỉ dài ngày như ở Hội An thì du lịch nông nghiệp chính là sản phẩm có khả năng hấp dẫn du khách, làm tăng khả năng thu hút khác lưu trú dài ngày. Du khách sẽ được trải nghiệm nhiều hơn với những sản phẩm du lịch nông nghiệp tại Hội An.
Chú trọng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc tại các vùng nông thôn như giữ hồn chợ quê, sản vật đặc trưng, xây dựng các bảo tàng liên quan tới nông nghiệp, nông thôn, bảo tồn các làng nghề thủ công truyền thống: gốm, lụa, mộc, bồi dưỡng đào tạo các lớp nghệ nhân tại các làng nghề...
Việt Nam cần quy hoạch một số khu nghỉ mát nông nghiệp cho cả khách Việt Nam và thị trường khách châu Âu, Mỹ. Các khu nghỉ dưỡng này phải thân thiện môi trường, gần làng, ven sông, kiến trúc giàu bản sắc địa phương, trong đó lấy cuộc sống ruộng vườn nông nghiệp và phong cách người nông dân làm trung tâm.
Người dân hàng ngày vẫn nhổ mạ, cấy lúa trên mảnh đất của mình và khách du lịch sẽ được trải nghiệm cuộc sống của một người nông dân, tham gia cùng nếu muốn trải nghiệm một phần cuộc sống của người bản địa.
Du khách có thể thưởng thức sản vật của địa phương, hoặc tự mình lựa chọn tại khu nghỉ ăn những gì mình thích, hoặc đánh bắt được. Người nông dân sẽ kể câu chuyện cuộc sống của họ bằng vẫn làm việc hàng ngày của mình, biết thêm làm dịch vụ, giúp xoá đói giảm nghèo, tăng thu nhập.
Cần xây dựng nơi người dân sống thành nơi đẹp hơn, đáng sống hơn và đáng để du khách đến thăm và có trải nghiệm độc đáo và đáng nhớ vì du lịch giờ đây tất cả là điểm đến, trải nghiệm và ký ức.
Bài viết của Phạm Hà, CEO Luxury Travel/The Leader