Trong không gian xanh tươi, những cây cọ nhiệt đới vươn mình lên các cột trụ khổng lồ, tạo nên một bức tranh hòa quyện giữa kiến trúc hiện đại và thiên nhiên. Khách lưu trú có thể thư giãn bên hồ bơi và được bảo vệ khỏi ánh nắng gay gắt giữa trưa. Tòa nhà còn sở hữu những sân thượng cao chót vót như những hang động được chạm khắc trong một sườn núi.
Đó chính là Pan Pacific Orchard ở Singapore, tòa nhà vừa được Hội đồng Các tòa nhà cao tầng và Đô thị (CTBUH) vinh danh là tòa nhà chọc trời mới tốt nhất thế giới. Trong thông cáo báo chí, tổ chức này mô tả tòa nhà như một "khách sạn giữa thiên nhiên", thể hiện một cách tiếp cận đột phá đối với đô thị hóa mật độ cao.
Mặc dù nhận được nhiều lời khen ngợi, nhưng những không gian mở xanh tươi của cấu trúc cao 140m lại mang đến cảm giác gần gũi, thân mật. Kiến trúc sư Hong Wei Phua từ WOHA, công ty thiết kế Singapore chia sẻ, khách sạn này không chỉ là một tòa nhà lớn mà còn là sự hòa quyện giữa thiên nhiên và con người.
Thiết kế độc đáo của tòa nhà bao gồm một loạt các khối hình chữ L, phân chia tòa nhà thành bốn khối riêng biệt, mở ra không gian cho các khu vườn và cây xanh. Mỗi sân thượng đều dựa trên một họa tiết khác nhau, liên quan đến môi trường nhiệt đới của Singapore gồm rừng, bãi biển, vườn và mây, từ dưới lên trên.
“Sân thượng Rừng” ở tầng trệt là nơi duy nhất mở cửa cho mọi người qua lại, với thác nước chảy và hàng chục loài thực vật, nhiều trong số đó là bản địa của quốc đảo này. Kiến trúc sư Hong Wei Phua cho biết đây là một cử chỉ công cộng, làm cho thiết kế nổi bật hơn so với những khách sạn chọc trời thông thường với hình thức “bệ đỡ và tháp”.
Khi di chuyển lên trên tòa nhà, “sân thượng bãi biển” có hồ bơi bao quanh bởi những cây cọ, “sân thượng vườn” cung cấp các lối đi xung quanh một khuôn viên hình chữ nhật và “sân thượng mây”, ở những tầng cao nhất, phục vụ như một không gian tổ chức sự kiện xanh mướt nhìn ra thành phố.
Mỗi tầng đều được thiết kế kín nhưng vẫn thoáng đãng, điều này rất quan trọng trong khí hậu nóng ẩm và thường xuyên bão tố của Singapore. Các tầng này hoạt động như một tấm chắn nắng khổng lồ, hoặc lá chắn mưa cho các tầng bên dưới.
Khách sạn với 347 phòng đều có ban công nhìn ra các khu vực được thiết kế cảnh quan. Khách sạn còn có một phòng khiêu vũ 400 chỗ ngồi, hai nhà hàng và một “mái nhà” với các tấm pin mặt trời.
Trong những năm gần đây, Singapore đã phát triển danh tiếng về kiến trúc lấy cảm hứng từ thiên nhiên (hay còn gọi là “biophilic”) và được mệnh danh là “thành phố vườn” bởi người sáng lập đất nước, cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu, vào những năm 1960.
Cây xanh thường được thấy tràn ra từ các tòa nhà chọc trời, leo lên các bức tường đô thị hoặc tích hợp vào cơ sở hạ tầng công cộng, và quốc gia có 6 triệu dân này hiện có tòa nhà gỗ lớn nhất châu Á.
Ở một số khu vực, các quy định xây dựng nghiêm ngặt của Singapore thậm chí yêu cầu các nhà phát triển bất động sản phải bao gồm một lượng lớn cây xanh khi xây dựng các tòa tháp mới. Tại những khu dân cư đông đúc như Orchard, các không gian này thường là sự kết hợp của các sân thượng trên cao, hộp trồng cây, vườn và tường phủ cây phải tương đương với diện tích tổng thể của toàn bộ khu đất.
Đối với WOHA, công ty đã thiết kế nhiều tòa nhà “biophilic” khác ở Singapore, việc cung cấp không gian xanh không chỉ là để đáp ứng quy định quy hoạch. Trong một thông cáo báo chí công nhận giải thưởng CTBUH, giám đốc sáng lập Mun Summ Wong cho biết ông tin rằng các tòa nhà chọc trời có thể phục vụ như phổi xanh trong môi trường đô thị dày đặc.
Được thành lập vào năm 2002, giải thưởng CTBUH ghi nhận những tòa nhà cao tầng tốt nhất và các kiến trúc sư của họ. Một số người chiến thắng gần đây của giải thưởng Tòa nhà Cao nhất Thế giới bao gồm One Vanderbilt Avenue ở New York và Quay Quarter Tower của Úc, tòa nhà được mệnh danh là “tòa nhà chọc trời tái chế” đầu tiên trên thế giới.