Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hoà yêu cầu Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan rà soát các lĩnh vực dễ phát sinh hoạt động lừa đảo, chủ động có các giải pháp ngăn chặn triệt để; kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập trong công tác quản lý nhà nước và cơ sở pháp lý để kiến nghị sửa đổi bổ sung, hoàn thiện.
Đồng thời, chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác nắm tình hình, có biện pháp phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo theo quy định của pháp luật; nghiên cứu, biên soạn tài liệu về phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến cán bộ, nhân dân.
Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông phải có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao cảnh giác với những phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng lừa đảo.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa, Bưu điện tỉnh cũng phải nghiên cứu, chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng, bưu cục trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyên truyền, cảnh báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao cho khách hàng đến giao dịch, giúp người dân nâng cao cảnh giác, không mắc mưu đối với các loại tội phạm này...
Được biết, thời gian gần đây, trên cả nước xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh, trật tự như lừa đảo kinh doanh đa cấp, lừa đảo trong chuyển nhượng đất đai, đặc biệt là tình trạng lừa đảo qua mạng Internet, mạng viễn thông gia tăng, chẳng hạn như lừa đảo qua điện thoại, tin nhắn trúng thưởng tới các số điện thoại; giả danh người nước ngoài nhắn tin làm quen và gửi quà tặng về Việt Nam…
Riêng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, năm 2019, lực lượng Công an đã tiếp nhận, đang xác minh 47 vụ việc có dấu hiệu sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, số tiền thiệt hại do các nạn nhân khai gần 4,9 tỷ đồng.