Còn nhớ, một trong những phát ngôn ấn tượng của ứng cử viên Tổng thống Donald Trump khi tranh cử là “Sự lôi cuốn của tôi nằm ở việc tôi rất giàu”. Đó là trước khi ông trở thành người quyền lực nhất nước Mỹ. Đó là tài sản không phải nhờ quyền lực trong chính quyền mà có, nên niềm tự hào “giỏi kiếm tiền” của ông là có cơ sở.
Xã hội Việt Nam cần thay đổi định kiến về “nhà to”, và có sự khuyến khích những cá nhân làm giàu hợp pháp. Nhưng với quan chức, công chức, thì họ không chỉ là công dân thuần túy. Vậy nên, với đồng lương công chức, nếu không chứng minh được thu nhập thêm chính đáng, thì những người đóng thuế để trả lương cho họ có quyền đặt câu hỏi, liệu những khối tài sản hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng thuộc sở hữu của họ là giàu có chính đáng hay bất minh?
Theo quy định tại Mỹ, hiện có khoảng 50.000 người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập. Tuy nhiên, chỉ có 25.000 bản kê khai được tuyên bố công khai cho toàn bộ dân chúng biết, số còn lại được giữ bí mật và chỉ được công khai khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, hay khi có bằng chứng rõ ràng cho thấy tài sản, thu nhập của họ tăng lên bất thường.
Các quốc gia quy định mức độ công khai khác nhau. Có nước quy định phải công khai toàn bộ nội dung bản kê khai, nhưng cũng có nước quy định chỉ công khai một phần. Hình thức công khai một phần là vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất tại các quốc gia, vì việc công khai sẽ ảnh hưởng đến quyền bí mật cá nhân của công chức.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nếu quy định phạm vi đối tượng phải kê khai (và sau đó là công khai) tài sản, thu nhập quá rộng sẽ dẫn đến tình trạng kê bừa, khai ẩu, “hòa cả làng”. Được hỏi về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cũng nhận định, việc xác định diện cán bộ thực hiện kê khai và công khai là rất quan trọng.
“Vừa qua, việc Bộ Chính trị quyết định sẽ kiểm tra giám sát khoảng 1.000 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý là rất xác đáng. Chức vụ càng cao thì càng phải làm gương”, ông Nguyễn Thái Học nhận định. “Đây là việc khó khăn, thậm chí nhạy cảm, nhưng chính là phong vũ biểu thể hiện Đảng chúng ta có trong sạch vững mạnh hay không, Chính phủ có liêm chính, vì dân hay không”.
“Nếu không nâng cao trách nhiệm giải trình, nâng cao sự minh bạch trong đó có vấn đề tham nhũng thì vấn nạn này sẽ còn tiếp tục làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của DN, làm xấu đi môi trường kinh doanh. Công chức nhà nước, cán bộ cấp cao cần phải có “áp lực” để thấy minh bạch là chuyện đương nhiên, và không thể làm cho xong!
Sau khi xác định diện kê khai, việc công khai tài sản như thế nào cũng là vấn đề cần cân nhắc. ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, vừa qua các bản kê khai còn “kín” nên không xác định được những trường hợp người kê khai không trung thực. Việc “phân tán” tài sản cho vợ, con, người thân thích đứng tên cũng đã xảy ra. Tuy nhiên, là một TS Luật, ông Lưu Bình Nhưỡng thừa nhận, công khai những bản kê này theo cách nào và đến mức nào cũng là vấn đề cần thận trọng.
Quan trọng hơn, phát hiện ra và xử lý những trường hợp không trung thực mới là khâu khó nhất và đòi hỏi những giải pháp đồng bộ. Để thẩm tra các bản kê khai, cần có các biện pháp hữu hiệu để tiếp cận các nguồn dữ liệu như: hồ sơ đất đai, xe cộ, nhà cửa; thông tin ngân hàng, thuế, bảo hiểm… nhằm đối chiếu với những tài sản kê khai. Điều này lại không chỉ liên quan đến các đối tượng thuộc diện kê khai mà liên quan đến tính minh bạch của toàn xã hội.
Một khi việc thanh toán bằng tiền mặt vẫn còn phổ biến, những tài sản có giá trị vẫn có thể “hồn nhiên” không đăng ký và nộp thuế thì thực sự đây là việc bất khả thi. Vì lẽ đó, thúc đẩy giải pháp “không dùng tiền mặt” và áp dụng những nguyên tắc hợp lý về cung cấp thông tin khách hàng đối với các ngân hàng, tổ chức bảo hiểm; đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế (bởi những đối tượng có chức quyền không có gì khó khăn để mở tài khoản “mật” ở các ngân hàng ngoài lãnh thổ) là những giải pháp cần thiết.
Sau cùng là những chế định trừng phạt. Rất nhiều nước phát triển trên thế giới đã hình sự hóa tội làm giàu bất chính khi quy định về các tội phạm về chức vụ. Cho rằng đây là vấn đề cần nghiên cứu thấu đáo hơn, song ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) bày tỏ quan điểm bước đầu: “Kê khai tài sản là điều kiện để được xem xét bổ nhiệm nên nếu phát hiện kê khai sai, người đó phải bị mất chức".
Ông Nhưỡng lưu ý thêm, đây cũng chỉ là một trong nhiều giải pháp đồng bộ. Bởi lẽ, biện pháp này chỉ đủ tính răn đe khi xã hội phải ngày càng minh bạch, thu nhập của công chức, viên chức được nâng cao đến mức đủ để khiến họ cảm thấy mất mát to lớn cả về vật chất lẫn tinh thần khi mất chức.
Tại Bỉ, việc không nộp tờ khai sẽ bị phạt tiền từ 100 Euros đến 1.000 Euros, danh sách những người chưa nộp tờ kê khai tài sản được công bố trong tờ Công báo Moniteur. Tại Pháp, khi những người phải kê khai tài sản, thu nhập cố ý không khai báo một phần đáng kể tài sản hoặc cung cấp một định giá sai về các tài sản của họ, thì sẽ bị phạt đến 30.000 Euros và có thể kèm theo việc cấm các quyền dân sự hoặc cấm nắm giữ chức vụ. Việc gây cản trở cho quá trình công khai còn bị xử lý nặng hơn.
Chẳng hạn, tại Hy Lạp, sau mỗi cuộc bầu cử Quốc hội, Ủy ban Tài chính kiểm toán của các đảng phái chính trị và các thành viên của Quốc hội có trách nhiệm kiểm tra việc kê khai tài sản của các thành viên của Chính phủ, đại biểu Quốc hội và gia đình họ. Các kiểm toán viên độc lập có quyền truy cập vào tất cả các tài liệu và dữ liệu họ cần (ngân hàng, dịch vụ thuế, kinh doanh), ai gây cản trở cho quá trình kiểm soát có thể bị trừng phạt ít nhất sáu tháng tù giam…
Tùy theo truyền thống pháp luật và đặc thù xã hội, Việt Nam có thể xây dựng các quy định riêng, cân đối giữa hai yếu tố: minh bạch tài sản để phòng, chống tham nhũng và quyền bí mật đời tư. Nếu không nâng cao trách nhiệm giải trình, nâng cao sự minh bạch trong đó có vấn đề tham nhũng thì vấn nạn này sẽ còn tiếp tục làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của DN, làm xấu đi môi trường kinh doanh. Công chức nhà nước, cán bộ cấp cao cần phải có “áp lực” để thấy minh bạch là chuyện đương nhiên, và không thể làm cho xong!