Khi những chữ "QUÊN" bị đổ lỗi...

Tôi không định té nước theo mưa, chỉ muốn kể câu chuyện thực tế của hai bạn nhỏ nhà tôi - cũng học ở hai trường tư có yếu tố “quốc tế”; để thấy là việc các trường tư đua nhau mở mà QUÊN nhiều thứ quá.
Khi những chữ "QUÊN" bị đổ lỗi...

Tôi không định té nước theo mưa, chỉ muốn kể câu chuyện thực tế của hai bạn nhỏ nhà tôi - cũng học ở hai trường tư có yếu tố “quốc tế”; để thấy là việc các trường tư đua nhau mở mà QUÊN nhiều thứ quá, phát triển nóng mà thiếu cơ chế quản lý, tuyển dụng ồ ạt mà thiếu đào tạo bài bản, làm giáo dục mà thiếu cái tâm với con trẻ... thì những sự cố đáng tiếc, những tình huống đau lòng sẽ còn có thể xảy ra...

Bạn lớn nhà tôi cũng từng bị xe đưa đón của nhà trường QUÊN, may không phải là bỏ quên trên xe mà là bỏ quên ở trường không đưa về.

Hôm đó con có chương trình ngoại khoá ngoài trường. Buổi chiều, xe ngoại khoá quay về trường chỉ chậm vài phút và xe bus đưa đón con hàng ngày đã rời khỏi trường. Theo lời con kể thì lúc xe ngoại khoá về đến trường, con chạy đến khu vực tập trung các bạn đi xe bus thì không thấy cô giám sát xe và các anh chị đi cùng xe đâu. Con chạy ra chỗ xe đậu mọi khi cũng không thấy xe. Con quay lại nhà chờ và cứ ngồi đó chờ gần một tiếng xong mới quyết định đi ra chỗ bảo vệ mượn điện thoại gọi cho mẹ (nhà trường có quy định học sinh không được mang điện thoại đến trường, mà lúc đó con còn nhỏ và đồng hồ định vị/gọi điện vẫn chưa phổ biến).

Nghe giọng con mếu máo: “Mẹ ơi! Xe bus đi về trước mất tiêu rồi ạ! Không có ai đón con cả!” Tôi gọi cho cô giám sát xe bus, cô mới hốt hoảng xin lỗi vì QUÊN không kiểm tra danh sách học sinh và bảo đang còn đưa nốt vài bạn nữa về nhà (xe bus mà con tôi đi là xe đưa đón tận nhà), xong sẽ quay lại trường đón con ngay. Lúc đó là giờ tan tầm, tuyến xe của con tôi cũng là một trong những tuyến xa và dài nhất; bình thường xe bus đưa mười mấy bạn trên xe về đến nhà xong xuôi hết cũng mất gần tiếng rưỡi. Điều đó có nghĩa là nếu chờ cô quay lại trường, con tôi sẽ phải chờ thêm cả tiếng nữa.

Tưởng tượng một đứa trẻ 7 tuổi bị bỏ lại trường một mình lúc trời nhá nhem, và trời ngày càng tối... thật sự nghĩ lại tôi vẫn thấy xót con vô hạn.

Hôm đó cả hai vợ chồng tôi đều đang đi công tác và cũng không nhờ được ai đến đón con (không có thẻ đón trả học sinh thì không dẫn con ra khỏi trường được, bảo vệ nhà trường quản rất chặt việc này). Chỉ có thể nhờ chính cô giám sát xe bus quay lại đón con thôi.

Có hai vấn đề ở đây: 
- Xe ngoại khoá về trường muộn giờ xe bus nhưng nhà trường không thông báo cho phụ huynh để phụ huynh đến trường đón con, cũng không thông báo cho giám sát xe bus để xe chờ các con thêm vài phút.
- Giám sát xe có phát hiện ra con không có ở trên xe hay không mà hoàn toàn không thông báo gì với phụ huynh, để đến lúc phụ huynh gọi mới xin lỗi (nhà trường có quy định rất rõ con nghỉ học hay không dùng xe, dù chỉ một chiều đi hoặc về cũng đều phải thông báo cho giáo viên chủ nhiệm và cô giám sát xe. Gia đình tôi luôn tuân thủ điều này; ví dụ những hôm tôi có việc ghé trường, tiện đón con về thì sẽ luôn báo trước để các cô không phải chờ và dễ kiểm soát học sinh).

Chuyện xe đưa đón của trường này thì trong group phụ huynh của trường đã có rất nhiều bài viết bức xúc: 
- Giám sát xe thay liên tục, đơn giản vì thuê ngoài/tuyển mới mà không đạt yêu cầu thì lại thay. Kết quả là phụ huynh cứ vài ngày lại thấy một cô mới đến đón con. Mà thay nhiều quá đến nỗi nhà trường QUÊN không kịp thông báo đến phụ huynh.
- Cá biệt như tuyến xe của con tôi năm học trước, nguyên hai tuần đầu tiên ngày nào cũng đến trường muộn gần nửa tiếng (nhà trường giải thích do tuyến đường đó đang sửa mà bên vận hành xe QUÊN chưa điều chỉnh lịch, còn cô chủ nhiệm thì cứ thế phê bình con và nhắn tin đề nghị phụ huynh lưu ý cho con đi học sớm)...

Bạn nhỏ nhà tôi lại là câu chuyện khác.

Con được “ưu ái” hơn, được Ba “phụ trách” đưa đón hàng ngày, một phần vì con học trường gần nhà hơn và một phần cũng vì nhà tôi thấy có nhiều vấn đề với xe đưa đón - từ kinh nghiệm thực tế của bạn lớn.

Lúc đó con mới nhập học được hơn 1 tuần, “tân sinh viên đại học chữ to” đầy ngơ ngác. Hôm đó, chồng tôi có việc đột xuất nên đến đón con muộn khoảng 15 phút. Lúc đến lớp học ngoại khoá để đón con như mọi khi thì lớp vắng hoe, không còn ai ở đó. Gọi điện cho Cô giáo ngoại khoá thì Cô bảo hết giờ học ngoại khoá, các con ra khỏi lớp thì Cô cũng... đi về rồi. Gặp Cô chủ nhiệm ở phòng giáo viên thì Cô trả lời tỉnh bơ: “Em không biết. Hết giờ học chính khoá thì em bàn giao con cho cô giáo ngoại khoá rồi, em... hết trách nhiệm rồi”. (Cô giáo này sau đó 1 tuần đã nghỉ việc ở trường, lớp của con tôibị tách ra, chia về các lớp khác nên chuyện này không liên quan đến Cô chủ nhiệm sau này của con). Và tất nhiên, Cô giáo lúc đó đã được chồng tôi “sửa lưng” ngay lập tức, rồi tất bật phụ tìm con.

Chồng tôi gọi cho tôi (lúc đó vẫn đang ở văn phòng) để hỏi xem em có “tình cờ ghé qua trường đón con rồi hay không”. Mọi người có thể hình dung lúc đó tôi lo lắng và sợ hãi thế nào... Vì trường này lúc đó chưa có cơ chế quản lý học sinh ra vào trường cũng như chưa hề có bất cứ biện pháp nào kiểm soát người đón con ra khỏi trường. Mà ở trường này, sau giờ học, người ngoài ra vào cổng tự do (tham gia CLB, sử dụng các sân thể thao trong trường...).

Thật may là chồng tôi nhanh chóng tìm thấy con ở phòng bảo vệ sau 15 phút chạy khắp trường tìm kiếm. Thực ra khi không thấy con ở lớp, chồng tôi đã chạy ngay ra phòng bảo vệ để tìm và hỏi thăm trước khi vào gặp giáo viên chủ nhiệm. Còn con tôi, sau khi tan lớp ngoại khoá, đứng chờ Ba vài phút không thấy đâu thì tự đi xuống phòng bảo vệ, chờ thêm vài phút không thấy đâu thì đi ra sân trường “con đi lòng vòng tìm xem Ba có đi lạc không”..., sau đó con lại quay về phòng bảo vệ. Vậy đó, hai ba con chạy qua chạy lại tìm nhau trong cái khuôn viên trường cũng khá rộng.

 

Sau vụ việc đó, tôi đề nghị gặp thẳng Cô hiệu trưởng, rồi hai vợ chồng cùng có một buổi đối thoại gần hai tiếng với Cô, đề nghị cô và nhà trường xem xét hàng loạt vấn đề, trong đó có 2 vấn đề từ câu chuyện bé nhà tôi:
- Thẻ đưa đón học sinh để kiểm soát học sinh ra vào trường (như cách mà trường bạn lớn đã làm rất tốt - tôi không ngại so sánh trực tiếp và nói thẳng với Cô hiệu trưởng vấn đề này).
- Phòng đón muộn hoặc cơ chế quản lý học sinh sau giờ học trong trường hợp phụ huynh không đến kịp giờ đón con (lúc đó nhà trường chưa hề có chỗ nào để các con “tá túc” nếu bị đón muộn, cũng chưa hề có bất cứ thông báo nào về việc phụ huynh đón muộn thì sẽ đón con ờ đâu... Khoản này, một lần nữa, trường mà bạn lớn học đã làm rất tốt).

Cô hiệu trưởng lúc đó cũng có dùng từ QUÊN để giải thích với vợ chồng em: nhả trường QUÊN chưa thông báo đến phụ huynh là SẼ triển khai những thứ mà tôi đề cập.

3. Vẫn là chuyện bạn nhỏ nhà tôi, nhưng không ở trường học mà ở trung tâm ngoại ngữ rất nổi tiếng, cơ sở mọc khắp mọi nơi... Trung tâm này có hệ thống nhắn tin cho phụ huynh để nhận xét về tình hình học tập của con sau mỗi buổi học.

Bé nhà tôi có vài buổi nghỉ học, gia đình đều nhắn tin hoặc gọi điện thông báo trước rồi. Nhưng cứ đến giờ là tin nhắn lại dội về: Hôm nay con học ngoan, hăng hái phát biểu trong giờ học, phát âm của con rất chuẩn, con về luyện tập thêm từ a, b, c...

Một lần, hai lần, cho đến lần thứ ba, tôi gọi điện đến phản ảnh. Bạn lễ tân xin lỗi rối rít và nói là do giáo viên sơ suất QUÊN không sửa mẫu tin nhắn. Xong sau đó vẫn có lần thứ tư, lần thứ năm... cho đến khi tôi cho con nghỉ luôn ở trung tâm đó.

Thử hình dung sẽ có những sự cố ngoài ý muốn gì xảy ra nếu như có bé nào đó, vì bất cứ lý do nào đó, không vào lớp học được, trong khi phụ huynh vẫn cứ đinh ninh con đi học bình thường chỉ vì những tin nhắn “công thức” như trên...
.........

Kỳ thực, để chọn được một trường học cho con, tôi phải chạy tới chạy lui ngắm nghía cả chục trường, lục tung hết các trang mạng, diễn đàn, xem đủ các đánh giá, hỏi thăm đủ những người có kinh nghiệm...; rồi cho con đi tham quan thực tế, học thử để xem cảm nhận, cảm xúc của con thế nào... Vì vậy, tôi không dễ từ bỏ nếu chưa thẳng thắn trao đổi các vấn đề với nhà trường.

Tôi là một khách hàng khó tính, nếu không muốn nói là cực kỳ khó tính. Nhưng em chưa từng quay lưng với sản phẩm/dịch vụ ngay lần đầu tiên họ mắc sai lầm. Ai mà chẳng từng mắc sai lầm, và ai cũng nên được cho cơ hội để sửa sai... Nhưng nếu sai vẫn hoàn sai, đến lần thứ ba thì chắc không ai có thể chấp nhận được! Như trường hợp bạn lớn nhà tôi, dù nhà trường có rất nhiều điều làm rất tốt, nhưng để tôi phải lên tiếng phản ảnh đến lần thứ ba thì chắc chắn tôi không thể yên tâm để con mình tiếp tục học tại đó.

Câu chuyện thương tâm hai hôm nay làm tôi trăn trở mãi, đau lòng thay cho cha mẹ của bé, và vì không ngủ được nên mới viết ra những dòng này...

Trường học đó hay bất cứ trường học nào - như trường học của hai bạn nhỏ nhà tôi - không thể đổ lỗi cho cá nhân, không thể lấy lý do giáo viên/nhân viên mới chưa có kinh nghiêm, không thể biện minh rằng dịch vụ đó thuê ngoài nên khó kiểm soát hết được... Và lấy từ QUÊN ra để giải thích thì lại càng khiến cho phụ huynh mất niềm tin hơn.

Dù kinh doanh trong bất cứ lĩnh vực gì, nếu chỉ vì để đáp ứng tăng trưởng nhanh hay để đạt mục tiêu lợi nhuận mà xuề xoà, sẵn sàng đưa ra cho khách hàng trải nghiệm những dịch vụ/sản phẩm QUÊN chưa kiểm nghiệm... đều không thể chấp nhận được. Huống chi đây là một lĩnh vực kinh doanh rất đặc biệt, với sản phẩm rất đặc thù. Chỉ cần sai một li là sẽ đi rất nhiều dặm... QUÊN một thứ là sẽ mất rất nhiều...

Khi nào những người lấy giáo dục làm kinh doanh mà còn QUÊN nhiều thứ, phát triển nóng mà thiếu cơ chế quản lý, tuyển dụng ồ ạt mà thiếu đào tạo bài bản, làm giáo dục mà thiếu cái tâm với con trẻ... thì những sự cố đáng tiếc, những tình huống đau lòng sẽ còn có thể xảy ra...

Thanh Hải

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...