Tôi phải nói ngay, tôi là một fan hâm mộ của họa sỹ Trần Thị Thu. Đầu tiên là tôi mê những bức tranh trìu tượng của Thu vẽ trên vải. Trong thời đại kỹ thuật số này chúng ta rất dễ thành bầy đàn. Từ ăn đến mặc đến cùng ném đá một ai đó hoặc một hiện tượng nào đó. Vì thế nếu trở thành fan của Thu bạn sẽ được khoác lên mình những bộ quần áo, khăn không bị đụng hàng với ai. Đơn giản vì đó là những bức tranh của Thu vẽ trên vải bằng các màu tự nhiên như củ nâu, lá móc…
Rồi tôi thành vị khách “tự nhiên như ruồi”. Tôi luôn bất thình lình đến gõ cửa xưởng vẽ của Thu. Tôi đến không phải để mua vải may khăn may khố, khăn váy khố đã xếp kín cái tủ ba buồng trong khi cuộc đời lại vô cùng giản dị, cơm ba bát áo ba manh thuốc ba thang. Tôi đến vì nhu cầu ngắm những bức tranh của Thu và cái xưởng lúc nào cũng ngồn ngộn việc. Tôi đến để ngắm cái cách người đàn bà làm việc, màu vấy từ tóc cho đến chân, các móng tay cụt lủn mỗi kẽ móng một màu. Dường như Thu đã tìm ra con đường riêng của mình và bây giờ chị đang mải mốt sải chân để gặt hái thành quả. Sở trường của Thu là tranh trừu tượng với bố cục chặt chẽ, màu sắc rất đẹp và mênh mang như miền rừng ấy. Để tìm ra con đường riêng đó là cả một đoạn trường của cô bé sinh ra và lớn lên ở một vùng núi heo hút xa xôi.
Ai cho mày ước mơ?
Lớp 4, giờ Mỹ thuật cô giáo người Thái Tây Bắc viết lên bảng: Vẽ theo mẫu: Vẽ chiếc ghế đẩu, rồi cô đi ra khỏi lớp. Trong lớp chỉ có chiếc bảng đen và chiếc ghế tựa của cô giáo cùng bàn ghế của học sinh. Cả lớp loay hoay vẽ chiếc ghế đẩu theo trí tưởng tượng của mỗi đứa. Bài của Thu cô chấm điểm 10. Thu sướng như điên chạy vù về nhà để khoe với chị gái:
- Chị ơi em ước mơ được làm họa sỹ.
Mặt chị gái lạnh te:
- Ai cho mày ước mơ.
Cô chị gái hơn Thu vài ba tuổi đã hiểu thế nào là ước mơ? Mà lại ước mơ thành họa sỹ. Cô bé ấy cứ nghĩ, mơ ước thành họa sỹ của em gái mình cũng như ước mơ được chén thịt gà vào những ngày không phải là Tết. Một ước mơ tưởng như rất giản dị của ngày hôm nay thì với ngày xưa thân ái đó lại thành thứ xa xỉ để các bé gái không dám cả ước mơ.
Thu chờ cha đi làm về để khoe với cha:
- Cha ơi con có được ước mơ không? Con ước mơ được làm họa sỹ?
Người cha nói:
- Được chứ, ai cũng có quyền ước mơ con à!
- Khoảng hai năm sau cô bé lại hỏi con ước mơ làm họa sĩ nhé cha? Người cha vẫn nhất trí với câu nói đó, cô bé yên tâm xây đắp mơ ước.
“Một mình, luôn một mình người sáng tạo nghệ thuật là thế, càng tài bao nhiêu càng cô độc bấy nhiêu.
Cho Pi thành người tử tế
Nhà nghèo ở cái thị trấn Hát Lót heo hút có gì cho lũ trẻ chơi đâu. Thì chúng phải tự nghĩ ra các trò chơi để chơi với nhau. Cô bé Thu ham đọc sách, ham vẽ. Cô bé có một cuốn sổ để ghi các câu vần vần, gọi là thơ. Cô bé luôn vui vẻ vẽ đôi chim bồ câu, cành hoa ban vào cuốn sổ lưu niệm khi các bạn nhờ.
Về nhà cô bé thường kể cho các chị gái và em trai những câu chuyện mình đã đọc. Rồi cô nói ra ước mơ của mình: cô lẩm bẩm với em trai, tôi đang đi tìm tôi nhưng không biết mình đang ở đâu!
-Cậu em trai cười trêu trọc Pi (Pikachu) đang đi tìm con đường chính nghĩa haaaaaa..... Pi muốn biết Pi là ai? Pi là nhà văn hay họa sỹ? Pi muốn chơi với những sắc màu. Pi mơ ước có một thúng màu để Pi vẽ lên những bức tranh rất đẹp. Trong đầu của Pi những màu sắc cứ bay lởn vởn. Pi đi tìm Pi mà vẫn chưa biết Pi à ai?
Những đứa trẻ nghe cô bé Thu nói xong thì cùng phá lên cười nhạo báng. Có vẻ như nó đang nói lời nhảm nhí. Cậu em trai nhìn vẻ mặt chị đang nghệt ra sau tiếng cười của lũ trẻ bèn nghiêm trang tuyên bố:
- Cho Pi thành người tử tế.
Tự mình cũng nghĩ là mình ngu
Học hết lớp 12 Thu thi đỗ Trường Cao đẳng Sư phạm nhạc họa TW. Thu khăn gói xuống Thủ đô học tập. Ba năm học tập trong môi trường đào tạo sư phạm là chính, Thu học vẽ những bông hoa những đồ vật một cách bài bản và cân chỉnh. Thu học cách trổ đôi chim bồ câu, chữ hạnh phúc… còn những gam màu dường như vẫn ngủ im trong trí não. Tốt nghiệp Cao đẳng Thu quay về Sơn La làm giảng viên của trường Trung cấp sư phạm 12 +2. Ngoài giờ lên lớp Thu đi trang trí hộ cho các đám cưới. Bằng các nét trổ tài tình Thu trổ bông hoa hồng, đôi chim, tên cô dâu chú rể để dán lên một tấm vải to, gọi là trang trí phông cho đám cưới. Đó là mốt của thập kỷ 80, 90. Thu rất xa lạ với hai từ gọi là sáng tác.
Trong trường Thu làm trọn vẹn tất cả các công việc được giao nhưng các đồng nghiệp vẫn xì xèo: Cô này chuyên môn rất yếu. Khi nghe được lời đánh giá đó Thu cũng nghĩ rằng mình ngu thật.
Dốt thì phải học thôi
Những màu sắc luôn cựa quậy trong đầu để đòi thoát xác. Thu vẫn chưa tìm ra con người thật của mình. Ta là ai, ta là ai, ta là ai? Một người đàn bà bằng lòng với cuộc sống hiện tại? Mong muốn của người cha, chỉ cần con gái trở thành cô giáo dạy vẽ để khỏi phải lao động chân tay thì mong muốn đó đã vượt xa. Thu đã là cô giáo của những cô giáo. Nhưng ước mơ thành họa sỹ của Thu vẫn còn dang dở. Thu đã từ bỏ con đường bằng phẳng để tiếp tục dấn thân cho hội họa. Thu xin chuyển về trường Cao đẳng nghệ thuật Tây Bắc tại Hoà Bình, rồi xin đi học chuyên tu rồi cao học ở Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Lần thứ hai lai kinh ứng thí với đồng lương giáo viên ba cọc ba đồng còn phải một thân một mình nuôi thêm con nhỏ. Ước mơ sắc màu khiến đôi chân của Thu đi không biết mỏi.
Trong khu rừng rậm rịt của Thu, cỏ cây hoa lá với những sắc màu tự nhiên vốn trời sinh ra đã là thế để làm sao đây dưới cây cọ của người họa sỹ phải trở nên sống động hơn? Thu vẽ như điên. Chính điều đó khiến các thầy cũng muốn dạy hết mình để giúp cho cô học trò đầy cá tính tìm ra con đường đi của mình, rồi để khẳng định mình là ai? Thời gian này để nuôi ước mơ lớn của mình Thu đã nghĩ ra cách vẽ tranh trên vải, tạo nên những bộ áo váy độc đáo cá tính và không đụng hàng.
Bán trừu tượng hay trừu tượng?
Trong quá trình học tập Thu cũng biết mình không phải là ngu như đã có lúc từng nghĩ. Triển lãm toàn quốc luôn là đích đến của các họa sỹ trẻ. Gửi lần đầu, không được lọt vào nhóm được treo tranh. Gửi lần thứ hai, được vào nhóm hơn 100/hơn 1000. Lần thứ ba, Triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 2014 bức tranh trừu tượng có tên là "Tôi" đã đoạt giải A khu vực 14 tỉnh phía Bắc, rồi tiếp đến Thu đã đạt Giải nhất toàn quốc về Hội hoạ năm đó tại Hà Nội.
Nhưng điều quan trọng hơn Thu đã tìm ra con đường của mình và đã nhận ra, ta là ai? Chính là họa sỹ vẽ tranh trừu tượng. Cùng lúc đó cô con gái nhỏ xinh đẹp cũng bộc lộ năng khiếu hội họa. Từ cuộc sống của bản thân Thu không muốn con gái phải đi đường vòng. Thu quyết định đưa con về Hà Nội. Để hai mẹ con tồn tại được ở đất thần kinh này Thu phải chân trong chân ngoài. Hàng tuần vẫn đi xe máy gần trăm cây số về Hòa Bình dạy học. Dạy học xong lại xuống Hà Nội, vừa vẽ tranh vừa vẽ vải để kiếm sống.
Bây giờ đang ở độ tuổi chín của nghề Thu phải chạy đua với thời gian.Như một cuộc dượt đuổi, hết dự án trình diễn thời trang vẽ trên vải đã đến triển lãm nhóm trong Sài Gòn. Dự án vẽ trên thuyền thúng chưa xong thì lại đến dự án triển lãm cá nhân vào cuối năm. Một mình, luôn một mình người sáng tạo nghệ thuật là thế, càng tài bao nhiêu càng cô độc bấy nhiêu.
Nhà văn Y Ban