Năm 2023 là một năm khó khăn với ngành thủy sản Việt Nam khi nhu cầu nhập khẩu giảm mạnh khiến cho hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, sang đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản đã có tín hiệu phục hồi vô cùng tích cực. Theo mục tiêu đặt ra, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm nay sẽ đạt khoảng 9,5 tỷ USD.
KHỞI ĐẦU NĂM 2024 VÔ CÙNG BỨT PHÁ
Tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai kế hoạch năm 2024 của Cục Thủy sản, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, so với chỉ tiêu kế hoạch cả năm 2023, tổng sản lượng thủy sản đạt 102,4% (9,05 triệu tấn). Kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 9,2 tỷ USD, đạt 92% so với kế hoạch 10 tỷ USD đã đề ra trước đó.
Sang tháng 1/2024, xuất khẩu thủy sản tiếp tục bứt phá. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm 2024 ước tính đạt 730 triệu USD, tăng 60,8% so với cùng kỳ năm 2023 do tháng 1/2023 trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán.
Nhìn chung, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã có tín hiệu phục hồi. Trong đó, xuất khẩu 2 mặt hàng thủy sản chủ lực là tôm và cá tra được kỳ vọng sẽ phục hồi trong năm nay.
Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2024, xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ tăng 10 – 15% so với năm 2023. Đặc biệt là trong 6 tháng cuối năm, khi áp lực lạm phát hạ nhiệt, lượng hàng tồn kho tại các nhà nhập khẩu giảm, giá tôm tăng trở lại.
Trong khi đó, ngành cá tra đặt mục tiêu phấn đấu có diện tích thả nuôi đạt 5.700 ha, sản lượng cá tra thương phẩm đạt khoảng 1,7 triệu tấn.
Bên cạnh những dấu hiệu tích cực, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng vẫn còn nhiều khó khăn kìm hãm sự phát triển của ngành này. Cụ thể, những căng thẳng trên Biển Đỏ đang khiến cước vận chuyển tăng cao.
Tại cuộc họp thảo luận giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu do tình hình tại Biển Đỏ, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP cho biết, căng thẳng Biển Đỏ đang là vấn đề quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, bởi bên cạnh việc tác động làm tăng chi phí còn là những hệ lụy đi kèm.
Đáng chú ý, chúng ta cũng chưa biết được tình trạng căng thẳng Biển Đỏ sẽ còn kéo dài bao lâu. Việc này tác động đến những đơn hàng của tương lai hoặc những chi phí mà doanh nghiệp cần phải tính toán vào trong giá thành sản phẩm.
Tính tổng chi phí trả cho 1 container hàng trong tháng 1/2024, cước phí vận chuyển đi Bờ Tây đang tăng 70%, nhưng hàng đông lạnh đi châu Âu đang tăng gần 4 lần. Cũng như các ngành hàng khác, cùng với khó khăn về suy giảm đơn hàng xuất khẩu, căng thẳng Biển Đỏ tạo thêm khó khăn cho các ngành hàng thủy sản.
“Các hãng tàu phần lớn chuyển tuyến đường đi vòng qua mũi Hảo Vọng, trong bối cảnh năm 2023 cả hàng nhập và hàng xuất giảm 30 - 40%, điều này đồng nghĩa với các hãng tàu đều sẽ cắt giảm tàu mẹ. Cộng với căng thẳng Biển Đỏ thì việc kéo dài thời gian vận chuyển từ châu Á đến châu Âu kéo dài 14 ngày, như vậy, độ trễ tăng thêm gấp đôi”, ông Nguyễn Hoài Nam nói.
Bên cạnh căng thẳng Biển Đỏ, mới đây, Hiệp hội Chế biến tôm Hoa Kỳ (ASPA) đã nộp đơn đề nghị áp thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam. Chưa rõ kết quả ra sao nhưng xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ sẽ bị ảnh hưởng trong năm 2024.
Ngay sau thông tin trên, VASEP đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị hỗ trợ tích cực trong vụ điều tra chống trợ cấp của Hoa Kỳ đối với ngành tôm Việt Nam để ngành tôm có thể vượt qua các giai đoạn điều tra trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái sau đó đã yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, quyết định việc sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý đại diện và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống trợ cấp đối với tôm nước ấm đông lạnh.
10 KỊCH BẢN CHO XUẤT KHẨU THỦY SẢN NĂM 2024
Trước những cơ hội và thách thức, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã đưa ra 10 nhận định về xu hướng thị trường và dự báo xuất khẩu thủy sản.
Thứ nhất, lạm phát ở các nước lớn đã được kiềm chế, kinh tế thế giới đã thoát đáy, nhưng phục hồi chậm, tác động đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản. Xung đột Nga - Ukraine, giao tranh ở Trung Đông và các vấn đề địa chính trị khác trên thế giới chắc chắn làm xáo trộn thương mại toàn cầu trong đó có thủy sản.
Các vấn đề trên khiến chi phí vận tải tăng, giá các loại sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng, chế biến thủy sản tăng. Cũng có thể gây ra cơn lốc lạm phát mới ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản trong năm 2024.
Thứ hai, chu kỳ giảm giá nhiều loài thủy sản có thể vẫn tiếp diễn tới hết nửa đầu năm 2024.
Thứ ba, tại thị trường Hoa Kỳ, nhu cầu hồi phục chậm và xu hướng tăng nhập khẩu tôm giá rẻ từ Ecuador. Bên cạnh đó, xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ sẽ khó khăn hơn nếu bị áp thuế chống trợ cấp (CVD).
Thứ tư, nhu cầu tại thị trường Trung Quốc phục hồi mạnh hơn. Tuy nhiên, trả giá thấp, khó cạnh tranh.
Thứ năm, chi phí thức ăn tiếp tục là thách thức lớn cho cả ngành nuôi tôm và cá tra.
Thứ sáu, mặt hàng tôm tiếp tục cạnh tranh với Ecuador và Ấn Độ về giá và nguồn cung, tình trạng dư cung có thể vẫn tiếp diễn tới nửa đầu năm. Hiện tại, Ecuador và Ấn Độ đang tăng thị phần cả ở Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU và Nhật Bản. Đồng thời, tăng xuất khẩu tôm chế biến dù tỷ trọng còn khiêm tốn.
Thứ bảy, với mặt hàng cá tra, tồn kho tại các thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU không còn là vấn đề. Giá xuất khẩu sẽ tăng trở lại. Ngoài sản phẩm phi lê đông lạnh, xu hướng nhập khẩu cá tra giá trị gia tăng và các sản phẩm phụ (bong bóng cá, chả cá tra) tiếp tục tăng.
Thứ tám, với mặt hàng hải sản, “thẻ vàng” chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tiếp tục là thách thức. Nếu không tháo gỡ được trong năm 2024 sẽ khiến xuất khẩu sang EU đình trệ vì thủ tục xác nhận.
Bên cạnh đó, chứng nhận thủy sản khai thác còn bất cập vì các yếu tố nguồn lực, nhân lực và cơ sở hạ tầng không đáp ứng. Những ngành hàng như cá ngừ, mực, bạch tuộc và cá biển bị ảnh hưởng nhiều nhất. Về tiêu thụ, nhu cầu thị trường tập trung vào các phân khúc hàng giá rẻ hơn như cá hộp, cá nguyên liệu để chế biến cá hộp, cá khô, tép khô.
Thứ chín, xu hướng gia công sẽ tăng lên sau khi ngành chế biến thủy sản Trung Quốc bị cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức và động thái của Trung Quốc cấm nhập khẩu thủy sản Nhật Bản khiến các nhà máy Nhật Bản đổ xô sang Việt Nam tìm đối tác gia công. Doanh nghiệp cũng có thể sẽ tăng nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất xuất khẩu và tăng gia công cho các thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ.
Thứ mười, dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ hồi phục dần và khả quan hơn vào nửa cuối năm 2024. Với sự thích nghi, điều chỉnh bối cảnh thị trường, dự đoán các doanh nghiệp thủy sản sẽ giúp doanh số xuất khẩu của ngành hồi phục trở lại mức 9,5 tỷ USD năm 2024. Trong đó, ngành tôm hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD, cá tra đạt khoảng 1,9 tỷ USD, còn lại là các mặt hàng hải sản dự báo thu về khoảng 3,6 - 3,8 tỷ USD.