Vụ việc này không còn mới nhưng vẫn luôn nóng hổi bởi một khi bắt tay vào khởi nghiệp thì không được phép mơ hồ về kiến thức pháp luật. Có như vậy, pháp lý sẽ trở thành công cụ thay vì rào cản và nguyên cớ của những rủi ro tiềm ẩn về sau.
Tinh thần và kết quả khởi nghiệp năm 2016 vừa qua đã lên cao nhất trong lịch sử với kỷ lục thành lập khoảng 110 nghìn doanh nghiệp, sau khi có Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014 khẳng định cụ thể về quyền tự do kinh doanh. Điều đó đã minh chứng rõ ràng rằng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đầy hứng khởi và tự tin hưởng ứng lời chủ trương khuyến khích “khởi nghiệp” của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Quán triệt chủ trương này, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.
Thực tế cho thấy, bên cạnh những start-up chỉ quan tâm đến ý tưởng và vốn thì cũng có một bộ phận không nhỏ start-up Việt đang rất quan tâm đến pháp lý cho dự án của mình. Nhưng dường như họ chưa định hình được pháp lý chính thức xuất hiện khi nào hay không biết bắt đầu từ đâu và vấn đề nào thực sự gắn với dự án khởi nghiệp.
Qua tham khảo ý kiến, các chuyên gia đều cho rằng, pháp lý chưa bao giờ là điều xa vời, pháp lý luôn gắn với từng dự án khởi nghiệp ngay từ những bước đầu tiên. Theo LS. Đinh Thị Quỳnh Như cho biết, các start-up cần nhớ rằng các quan hệ pháp lý luôn gắn liền với dự án trong giai đoạn này.
“Chúng tôi đã gặp rất nhiều trường hợp nhà đầu tư ngán ngẩm với những “lỗ hổng” pháp lý trong dự án, những rắc rối kiện tụng do việc “bỏ rơi” pháp lý đâu đó trong vòng đời dự án. Mong rằng các start-up không quên mang theo hành trang pháp lý cho quá trình khởi nghiệp của mình. Chỉ khi gắn pháp lý vào vòng đời khởi nghiệp, các start-up mới bớt rối, để dành thời gian, chi phí, con người vào những hoạt động khác cho sự phát triển của dự án” – LS Như chia sẻ.
Tư vấn về pháp lý khi bắt đầu khởi nghiệp, LS. Nguyễn Đức Chánh lưu ý, những start-up trước tiên cần lựa chọn loại hình doanh nghiệp để bắt đầu khởi nghiệp. Các loại hình doanh nghiệp hiện bao gồm: Doanh nghiệp tư nhân, Công ty hợp danh, Công ty TNHH 1 thành viên, Công ty TNHH 2 thành viên trở lên, Công ty cổ phần. Mỗi loại hình doanh nghiệp đều có ưu và nhược điểm khác nhau.
Sau đó đến chọn tên cho doanh nghiệp của mình; lựa chọn ngành nghề kinh doanh để đăng ký; xác định địa chỉ đặt trụ sở thuộc quyền sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp bằng hợp đồng thuê, cho mượn hoặc là tài sản của doanh nghiệp; xác định vốn điều lệ để đưa ra kinh doanh… và thực hiện một số công việc như tiến hành làm con dấu và đăng ký mẫu dấu, bố cáo trên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, tiến hành đăng ký khai thuế ban đầu với cơ quan thuế tại nơi đăng ký kinh doanh…
Đặc biệt, theo LS. Chánh, tuy mới thành lập doanh nghiệp song để tránh rắc rối về sau thì cần xây dựng các thỏa thuận của các sáng lập viên về góp vốn, sử dụng vốn, quyền sở hữu tài sản, phân chia lợi ích…; xây dựng pháp lý nội bộ, pháp lý với người lao động và pháp lý với đối tác như nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động, hợp đồng kinh doanh thương mại…
“Chỉ khi nào hoàn thiện các vấn đề pháp lý thì mới có thể yên tâm thực hiện ý tưởng kinh doanh, tập trung vào vấn đề sản xuất – kinh doanh cho doanh nghiệp của mình. Vì nếu xảy ra tranh chấp, sẽ mất rất nhiều công sức, thời gian... thậm chí có thể dễ đến sự thất bại trong khởi nghiệp” – LS. Chánh nhấn mạnh.
Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch Công ty Luật Basico lại có cách ví von rất sống động: “Nếu start-up không quan tâm đến tính pháp lý ngay từ đầu tiên, thì rất có thể rơi vào tình trạng trớ trêu tay trắng, kiểu như trót đi vào đường cấm hay xây dựng xong một ngôi nhà mới ngã ngửa trước nguy cơ bị phá dỡ vì không được phép”. LS. Đức phân tích, ở giai đoạn khởi nghiệp có nhiều vấn đề cần giải quyết, nhưng riêng vấn đề pháp lý, thì có tính chất nền tảng mà các nhà khởi nghiệp cần hết sức chú ý, vì vấn đề pháp lý hiện nay là một loại rủi ro rất lớn trong kinh doanh. Sai lầm về pháp lý dễ dẫn đến đổ bể ý tưởng và thành quả khởi nghiệp.
Mọi việc liên quan đến start-up, từ việc thành lập, quản lý, điều hành nội bộ, hoạt động kinh doanh và việc thanh lý, giải thể, phá sản dự án hay doanh nghiệp, đều phải tuân thủ rất nhiều quy định của pháp luật.
Yếu tố pháp lý gắn liền với mọi hoạt động sản xuất kinh doanh bắt đầu từ khi đăng ký kinh doanh hay được cấp phép và thậm chí trong nhiều trường hợp còn phải sớm hơn. “Ví dụ, yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường, khi nào thì phải hoạt động rồi mới phải quan tâm, khi nào thì phải được giải quyết ngay từ trước khi triển khai dự án, chứ không phải để đến lúc vận hành dây chuyền sản xuất hay xảy ra sự cố thì mới quan tâm đến yếu tố pháp lý” – LS. Đức dẫn chứng.
Theo baophapluat.vn