Ông Vũ Mạnh Tùng (SN 1974,) là Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).Các quyết định của cơ quan tố tụng căn cứ theo kết quả điều tra vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại BSR và Ngân hàng Oceanbank.
Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung lực lượng làm rõ hành vi của bị can Vũ Mạnh Tùng và mở rộng điều tra đối với những đối tượng liên quan, thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Trước đó, trong vụ án sơ thẩm liên quan đến Hà Văn Thắm, 4 người bị triệu tập liên quan vụ án gồm ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch HĐTV, ông Đinh Văn Ngọc, cựu Tổng Giám đốc, Vũ Mạnh Tùng, Phó Tổng Giám đốc và ông Phạm Xuân Quang, Kế toán trưởng.
Tại phiên xét xử sơ thẩm ngày 9/9/2017, bị cáo Nguyễn Minh Thu khai, giai đoạn làm Tổng giám đốc Ocean Bank (từ tháng 1/2011) thực hiện chi trực tiếp cho ba khách hàng: Vietsovpetro, Lọc Hoá dầu Bình Sơn, Tổng công ty Dầu Việt Nam.
Riêng công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, bị cáo Thu khai đã chi tổng gần 19 tỉ đồng lãi ngoài. Bị cáo khai, gửi "chăm sóc" đó cho Chủ tịch HĐQT, Kế toán trưởng, Phó TGĐ phụ trách tài chính.
Đối chất tại phiên tòa, cả 4 người đều bác bỏ lời khai, cho rằng đó là lời khai một chiều, thậm chí là vu khống, riêng ông Đinh Văn Ngọc cho rằng lời khai của Thu là bịa đặt và đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự tội vu khống.
Tại phiên toà khi đó, ông Vũ Mạnh Tùng, Phó Tổng Giám đốc cho biết, ông phụ trách mảng tài chính kế toán, kế hoạch. Thời điểm cao điểm nhất, công ty gửi vào Ngân hàng Oceanbank khoảng 1.000 tỷ đồng và thấp nhất là 2 tỷ đồng.
Liên quan đến việc chi lãi ngoài, HĐXX nhắc lại lời khai của bị cáo Thu đưa mỗi lần 300-500 triệu nhưng ông Tùng phủ nhận và nói rằng đây chỉ là lời khai một chiều.“Cá nhân tôi không nhận bất kỳ một khoản lãi ngoài nào từ chị Thu hay cán bộ Oceanbank”, ông Tùng nói.
Ngày 1/3 vừa qua, hơn 241 triệu cổ phiếu BSR của Lọc Hóa Dầu Bình Sơn chính thức chào sàn UpCOm với giá tham chiếu 22.400 đồng/cp. Cổ phiếu BSR đã tăng trần ngay trong phiên giao dịch đầu tiên đạt 31.300 đồng/cp.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 27/4, cổ phiếu BSR đóng cửa tại mốc giá 20.100 đồng/cp, giảm 35,7% chỉ sau hơn 1 tháng chào sàn.
Lọc hóa dầu Bình Sơn tiến hành IPO vào 17/1 vừa qua với số lượng 241,6 triệu cổ phiếu và giá khởi điểm là 14.600 đồng/cp. Đây có thể nói là phiên đấu giá được nhiều người mong đợi nhất trong quý đầu năm với sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư nước ngoài. Tại ngày hôm đó, có đến 4.079 nhà đầu tư tham gia, khối lượng đặt mua gần 652 triệu đơn vị, gấp 2,7 lần lượng cổ phần mang ra chào bán.
Phiên đấu giá thành công, toàn bộ số cổ phần được bán hết với mức giá bình quân 23.043 đồng/cổ phần. Riêng nhà đầu tư nước ngoài trúng 147,8 triệu cổ phiếu.
Sau đó, một NĐT nước ngoài đã lộ diện là Vietnam Opportunity Fund (VOF) – quỹ lớn nhất thuộc quản lý của VinaCapital. Theo thông báo, VOF đã mua khoảng 10% cổ phần của BSR trong đợt chào bán với tổng giá trị khoản đầu tư khoảng 25 triệu USD. Mức giá trúng đấu giá của VOF thấp hơn giá bình quân của thương vụ IPO Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn là 23.000 đồng/cp (1,01USD).
VOF cho rằng, BSR hoạt động trong một thị trường tiềm năng với 33% thị phần khiến đơn vị này trở thành khoản đầu tư tiềm năng nhất theo quan điểm của quỹ VOF.
Theo phương án cổ phần hóa, BSR có vốn điều lệ dự kiến hơn 31.000 tỷ đồng, tương ứng với 3,1 tỷ cổ phần. Sau IPO, BSR sẽ bán 49% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược và bán ưu đãi 6,5 triệu cổ phần cho nhân viên. Hiện tại, doanh nghiệp này đang trong quá trình triển khai chào bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược, tiến tới giảm sở hữu của Nhà nước xuống còn 43%.
BSR cho biết, đến thời điểm hiện tại đã có 2 nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký tham gia quá trình lựa chọn Nhà đầu tư chiến lược là Tập đoàn Petrolimex (Việt Nam) và Công ty Indian Oil Corp (Ấn Độ). Ngoài ra, các nhà đầu tư khác như Pertamina (Indonesia), Bangchak Corporation Public Company Limited (Thái Lan)… cũng đang nghiên cứu để xin được tiếp tục nộp hồ sơ tham gia quá trình lựa chọn Nhà đầu tư chiến lược.
>> Trước thềm IPO, Lọc hóa dầu Bình Sơn ước 2017 lãi “khủng” 8.035 tỷ đồng