Không có tài sản đảm bảo, nguy cơ vỡ “bom nợ” từ trái phiếu doanh nghiệp

Phát hành trái phiếu là một trong những kênh huy động vốn của doanh nghiệp, tuy nhiên, việc phát hành với sức “nóng”, không có tài sản bảo đảm như hiện nay đã khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) thiếu đi sự minh bạch, tin cậy.

Thời gian qua, Chính phủ và một số bộ ngành liên quan đã ban hành công điện và các thông tư nhằm siết TPDN, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu không có tài sản bảo đảm. Điều này cho thấy, độ rủi ro cao của việc mua trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm.

Nguy cơ bùng nổ

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ra công điện thanh tra, kiểm tra TPDN. Công điện này nhằm nâng cấp các tốc độ cảnh báo, cũng như nâng cao các tiêu chuẩn để các trái phiếu phát hành đảm bảo chất lượng, tránh nguy cơ vỡ “bom nợ”. 

Thống kê của một số đơn vị nghiên cứu và Công ty Fiin Ratings, lũy kế 3 quý đầu năm 2021, hơn 80% giá trị TPDN của ngành BĐS phát hành rơi vào các doanh nghiệp chưa niêm yết, với sức khỏe tài chính ở mức yếu rất đáng báo động. 

Trước việc nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo, Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan chức năng, quản lý thanh tra phát hành trái phiếu.(Ảnh: Int)
Trước việc nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo, Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan chức năng, quản lý thanh tra phát hành trái phiếu.(Ảnh: Int)

Cụ thể mức độ đòn bẩy tài chính (nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu) ở các doanh nghiệp chưa niêm yết hiện lên tới 8,1x so với mức 2,5x của các doanh nghiệp niêm yết.

"Tài sản thế chấp hay tài sản đảm bảo chỉ có tác dụng tạo áp lực cho doanh nghiệp trong việc đáp ứng nghĩa vụ nợ, trong khi giá trị thu hồi rất thấp do tính phức tạp của các thủ tục xử lý tài sản thế chấp và thời gian kéo dài" - Fiin Ratings cho hay.

Trước sự “bát nháo” của thị trường TPDN, ngày 19/11/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp, các ngân hàng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi nợ xấu dưới 3%.

Ngày 3/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng có công điện yêu cầu thanh tra việc phát hành TPDN, nhất là TPDN BĐS hoặc ngân hàng có liên quan.

Công điện của Thủ tướng đưa ra trong bối cảnh thị trường TPDN tăng nóng thời gian qua. Quy mô huy động vốn của các doanh nghiệp huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu riêng lẻ lên tới hơn 436.000 tỷ đồng trong 11 tháng đầu năm, tăng hơn 23% so với cùng kỳ 2020.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc Chính phủ ra chỉ thị nhằm nâng cấp các tốc độ cảnh báo, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải nhanh chóng rà soát, cũng như nâng cao các tiêu chuẩn để các trái phiếu phát hành đảm bảo chất lượng, nếu không thì không khác gì hoạt động cho vay hụi.

Khi bùng nổ ‘vỡ hụi’ là những chủ hụi sẽ ‘đánh bài chuồn’ mà mức độ vỡ nợ trái phiếu còn kinh khủng hơn vỡ hụi bởi nó không chỉ liên quan đến tiền của các nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, thị trường tài chính mà còn liên quan đến uy tín của thị trường chứng khoán, của Chính phủ.

Cần xếp hạng tín nhiệm

Trở lại vấn đề “siết” trái phiếu, ngay sau công điện của Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng yêu cầu các cơ quan như Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng, Thanh tra Bộ... giám sát lại việc phát hành thời gian qua.

Theo Bộ Tài chính, trong 300 doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, chỉ có số ít doanh nghiệp phát hành trái phiếu có tài sản đảm bảo, chủ yếu là BĐS, chứng khoán, chương trình, dự án. Chất lượng tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp.

Đánh giá về vấn đề này, TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho rằng, ưu điểm của thị trường trái phiếu là tăng điều kiện tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp thuận lợi trong hoạt động huy động vốn, giảm thiểu chi phí, phát triển thị trường chứng khoán, huy động các nguồn lực xã hội, tạo ra cơ hội đầu tư mới cho các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, do bùng nổ quá nhanh và chất lượng hàng hoá có vấn đề nên tạo ra tình huống tăng trưởng nóng và rất có thể có nguy cơ có những trục trặc tranh chấp, đặc biệt là các tranh chấp về lãi, thanh toán, các vấn đề về quyền lợi của nhà đầu tư.

Còn giảng viên Võ Đình Trí, Đại học Kinh tế TP.HCM, IPAG Business School nhìn nhận, nhiều người dân được ngân hàng giới thiệu đầu tư TPDN nhưng ngoại trừ lãi suất thì các thông tin khác đều mơ hồ. Họ không biết trái phiếu được phát hành với mục đích gì, có tài sản đảm bảo không, sức khoẻ của trái chủ thế nào?

Theo giảng viên Võ Đình Trí, việc cần thiết nhất lúc này là phải xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp phát hành bởi các nhà đầu tư cần có thêm những thông tin về xếp hạng minh bạch, tiêu chí rõ ràng để đánh giá sức khỏe cũng như khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành.

Bởi vì ngay cả doanh nghiệp niêm yết, chỉ có một mã chứng khoán nhưng có nhiều loại trái phiếu đang lưu hành khác nhau, từ kỳ hạn đến quy mô phát hành, và lãi suất. Khi đã có xếp hạng tín nhiệm thì vấn đề chất lượng của các xếp hạng đó cũng là một vấn đề đáng quan tâm đòi hỏi sự độc lập, khách quan. Đây là điều khá thách thức ở các thị trường đang phát triển.

Hơn nữa, cần có thêm sự cạnh tranh giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, có sự cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp quốc tế. Và quan trọng hơn nữa, là khả năng đưa ra các cảnh báo sớm từ các xếp hạng. Bởi vì nếu xếp hạng chỉ dựa vào thông tin quá khứ, thì xếp hạng chuyện đã rồi trong khi rủi ro là trong tương lai

Cảnh báo về TPDN không có tài sản bảo đảm, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, trước khi mua, nhà đầu tư cần phải nắm rõ thông tin về trái phiếu định mua (của ai, ai phát hành, ai bảo lãnh, mức trả lãi cam kết như thế nào, có tài sản thế chấp hay không, kết quả kinh doanh của trái chủ).

Như vậy, nhà đầu tư phải hiểu về trái phiếu mà mình mua; phải tham chiếu nhiều nguồn thông tin khác nhau, đặc biệt lưu ý đến quyền và trách nhiệm của người phát hành để tránh những trường hợp mập mờ; tránh theo đám đông bởi những cam kết hấp dẫn chưa có kiểm chứng. 

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội đồng Thành viên CBBank, đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Vietcombank từ ngày 16/1/2025, đánh dấu sự trở lại sau gần 10 năm rời ngân hàng này để tái cấu trúc CBBank...

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...