Không để chi phí logistics trở thành gánh nặng

Cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp vận tải, giao nhận phải sớm tìm được tiếng nói chung trong việc cải thiện chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics của Việt Nam, từ vị trí 64/160 nước, xuống còn
Không để chi phí logistics trở thành gánh nặng

Phải giảm chi phí logistics

Đây là đề bài mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra cho hơn 200 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành; các hiệp hội vận tải - logistics và CEO các doanh nghiệp trong chuỗi giao nhận hàng hóa hàng đầu tại Hội nghị toàn quốc về logistics, các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông do Văn phòng Chính phủ phối hợp Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và Bộ Công thương tổ chức vào đầu tuần này.

Thủ tướng khẳng định vai trò to lớn của logistics đối với nền kinh tế Việt Nam, trị giá hàng tỷ USD, là một trong 12 nhóm ngành được cộng đồng ASEAN ưu tiên hỗ trợ phát triển. Logistics không chỉ là giao nhận, vận tải, mà còn bao gồm các hoạt động như kho bãi, lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, xử lý hàng hóa hư hỏng... Ngành giao thông - vận tải và công thương cần tổ chức vấn đề này cho tốt, bởi “nếu làm tốt về logistics sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí vận chuyển, kho bãi... làm giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh và lợi nhuận”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, gánh nặng chi phí đang là rào cản lớn đối với doanh nghiệp. Trong đó, chi phí logistics cao làm giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, việc đầu tư cho các phương thức vận tải, việc kết nối kém làm tăng chi phí vận tải. Đây là thách thức của nhiều địa phương, nhất là các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Sự rời rạc đó làm chi phí logistics chiếm tới 20,9% GDP.

“Chúng ta chỉ mới tổ chức vận tải đơn tuyến, thiếu biện pháp kết nối tổng hợp để phát huy hiệu quả các phương thức vận tải. Trong khi đó, hiện gần 50% xe ô tô chở hàng chạy rỗng một chiều đã đẩy chi phí vận tải tăng cao”, Thủ tướng dẫn chứng về việc thiếu kết nối vận tải.

Nhận định của Thủ tướng là hoàn toàn có cơ sở, bởi theo Bộ GTVT, đến cuối năm 2016, vận tải đường bộ có giá thành cao, nhưng đang chiếm tới 77,02% thị phần, trong khi các phương thức vận tải khối lượng lớn, giá thành thấp như đường thuỷ, đường biển chỉ chiếm 17,14% và 5,22%, cá biệt vận tải đường sắt chỉ chiếm 0,42% và hàng không chỉ chiếm 0,02%.

Theo ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ GTVT, mỗi loại hình vận tải đều có ưu điểm, nhược điểm riêng, cần phải có sự kết hợp bổ trợ để kéo giảm chi phí vận tải. Tuy nhiên, đây đang là điểm hạn chế lớn nhất trong tổ chức vận tải tại Việt Nam, khiến gánh nặng đang dồn về đường bộ - lĩnh vực có tính cơ động cao, có thể vận chuyển từ cửa đến cửa, nhưng giá thành cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

“Chúng ta đang thiếu những cảng cạn, trung tâm logistics có quy mô và vị trí thuận tiện tại mỗi khu vực kinh tế trọng điểm để làm đầu mối trung chuyển phân phối hàng hóa, đã ảnh hưởng đến việc tối ưu hóa hoạt động vận tải, đặc biệt là vận tải đa phương thức, đây là rào cản lớn, điểm nghẽn đối với hoạt động vận tải làm tăng giá thành vận chuyển, giảm tính cạnh tranh về giá sản phẩm”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công thẳng thắn chia sẻ.

Gắn kết doanh nghiệp logistics Việt

Được biết, một trong những nguyên nhân chính gây ra sự mất cân đối nói trên được Bộ GTVT chỉ ra là mức đầu tư cho các loại hình vận tải còn quá thấp so với đường bộ. Cụ thể, trong giai đoạn 2011 - 2015, đường bộ nhận tới 299.115 tỷ đồng đầu tư hạ tầng, trong khi đường sắt chỉ được đầu tư có 9.203 tỷ đồng, vận tải thuỷ chỉ nhận được 7.398 tỷ đồng.

“Cần phải cắt nghĩa cụ thể nguyên nhân dẫn tới sự mất cân đối trong đầu tư các loại hình giao thông, đi đôi với việc tìm ra từng điểm nghẽn liên quan đến kết nối giữa các phương thức vận tải để xử lý dứt điểm”, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đề nghị.

Ngoài việc chưa tạo mối liên kết giữa các phương thức vận tải, bản thân các doanh nghiệp vận tải, giao nhận, kho vận tại Việt Nam cũng chưa tìm được tiếng nói chung trong việc hợp tác sử dụng dịch vụ của nhau.

Trên thực tế, các doanh nghiệp logistics Việt Nam mới chỉ tham gia vào các công đoạn ở nội địa trong cả chuỗi, đóng vai trò như những nhà cung cấp vệ tinh cho các công ty logistics đa quốc gia. Theo đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, đây là lý do khiến các hãng tàu ngoại mặc sức “đẻ” vô tội vạ các loại phí, phụ phí cho các đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.

Thừa nhận bất cập này, ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cho biết, đang nỗ lực gắn kết các doanh nghiệp logistics khác trong chuỗi để tận dụng tối đa lợi thế của nhau. Trong khi đó, ông Phùng Ngọc Minh, Phó tổng giám đốc Tân Cảng Sài Gòn kiến nghị, Chính phủ cần cho phép đầu tư phát triển thêm các cảng biển nước sâu mới, các ICD, có chính sách thu hút hàng hóa cho các cảng trung chuyển; nghiên cứu mô hình thủ tục tập trung; đẩy mạnh kết nối giao thông giữa các loại hình vận tải một cách hiệu quả; đảm bảo độ sâu luồng tàu khu vực Thị Vải - Cái Mép và đặc biệt quan tâm đến vấn đề kết nối vùng…

Để phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược, tăng cường kết nối để đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics quan trọng của khu vực, Thủ tướng khẳng định, sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ, kiến tạo môi trường thuận lợi cho nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics, một khâu yếu của nền kinh tế Việt Nam.

"Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến cuối tháng 3/2018, mới có 369/269.469 doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề liên quan đến logistics tham gia Hiệp hội Doanh nghiệp logistics - VLA.

Điều này cho thấy, chỉ có rất ít doanh nghiệp tham gia VLA nhằm tăng tính liên kết, còn lại hoạt động đơn lẻ, trong khi logistics là một chuỗi các công đoạn và dịch vụ, cần có năng lực tài chính, liên kết chặt chẽ và mạng lưới rộng lớn để có thể tăng năng lực cạnh tranh.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...