Theo Dự thảo Luật quản lý ngoại thương vừa được Thường vụ Quốc hội thảo luận vào chiều nay (ngày 9/1/2016) thì bên cạnh tổ chức XTTM tại nước ngoài do các hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế thành lập để thực hiện chức năng XTTM còn có các tổ chức XTTM của Việt Nam tại nước ngoài thuộc Bộ Công thương trên cơ sở đề xuất của doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp, ngành hàng.
Lý giải về đề xuất thành lập tổ chức XTTM, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho rằng, thành lập các tổ chức XTTM ở nước ngoài nhằm thúc đẩy xuất khẩu, nhập khẩu có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Hiện Việt Nam có 3 văn phòng XTTM tại Trùng Khánh (Trung Quốc), New York (Hoa Kỳ) và Dubai (Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất).
“Thực tiễn cho thấy văn phòng XTTM của Việt Nam tại nước ngoài bước đầu đóng góp cho sự phát triển hoạt động ngoại thương. Văn phòng XTTM ở nước ngoài không có chức năng hoạt động đối ngoại, cơ cấu gọn nhẹ, chuyên nghiệp và chỉ có duy nhất chức năng là triển khai, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Theo kinh nghiệm quốc tế, các quốc gia thành công trong hội nhập và phát triển thương mại quốc tế đều thành lập và vận hành hiệu quả hệ thống văn phòng XTTM ở nước ngoài. Bên cạnh hệ thống XTTM mại này, các quốc gia vẫn duy trì đại diện thương mại thuộc biên chế cơ quan đại diện ngoại giao được đặt tại nước sở tại, tương tự như hệ thống đại diện thương mại thuộc cơ cấu tổ chức của cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài hiện nay”, ông Thanh trình bày.
Tuy nhiên, đề xuất này không nhận được bất cứ sự đồng thuận nào của các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Phó chủ tịch Quốc hội, ông Đỗ Bá Tỵ cho rằng, trước khi xem xét có nên thành lập tổ chức XTTM ở nước ngoài hay không cần phải đánh giá lại hoạt động của 3 văn phòng XTTM hiện nay hiệu quả đến đâu, vì thành lập thêm một cơ quan mới, tổ chức mới, đặc biệt thành lập ở nước ngoài thì phải tăng biên chế, tăng chi ngân sách nhà nước.
Hiện Việt Nam có 71 đại sứ quán/168 nước có quan hệ ngoại giao. Trong 71 đại sứ quán có 38 thương vụ tại những quốc gia có kim ngạch xuất - nhập khẩu với Việt Nam từ 500 triệu USD trở lên. Lãnh đạo cơ quan thương vụ là tham tán thực hiện chức năng tham gia xúc tiến, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư; vận động tranh thủ viện trợ và quảng bá về du lịch Việt Nam; hỗ trợ xác minh thông tin liên quan đến hoạt động kinh tế và tư cách pháp nhân của doanh nghiệp tại nước sở tại khi có yêu cầu.
Vì vậy, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại, ông Nguyễn Văn Giàu không nhất thiết phải thành lập tổ chức XTTM thuộc Bộ Công thương để khỏi dẫn đến chồng lấn chức năng, nhiệm vụ, gây lãng phí ngân sách và nguồn nhân lực.
“Thay vì thành lập tổ chức XTTM ở nước ngoài trực thuộc Bộ Công thương, Nhà nước có chính sách khuyến khích các hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế thành lập, tham gia tổ chức XTTM tại nước ngoài”, ông Giàu đề xuất.
Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội, ông Trần Văn Tuý lo ngại, nếu cho phép thành lập tổ chức XTTM ở nước ngoài trực thuộc Bộ Công thương trên cơ sở để nghị của các hiệp hội ngành hàng sẽ dẫn đến tình trạng “trăm hoa đua nở” và hoạt động cũng kém hiệu quả do các hiệp hội ngành hàng không phải trả chi phí, nhân sự cho tổ chức này.
“Còn nếu khuyến khích hiệp hội ngành hàng thành lập tổ chức XTTM ở nước ngoài và họ phải chi trả toàn bổ chi phí để duy trì hoạt động tổ chức này thì mở tổ chức XTTM ở thị trường nào họ sẽ tính toán rất kỹ nên mới có hiệu quả”, ông Túy phát biểu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng phản đối thành lập tổ chức XTTM tại nước ngoài. Theo Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân, trong số 3 văn phòng XTTM ở nước ngoài hiện nay, chỉ có văn phòng tại Trùng Khánh là có hiệu quả.
“Chính phủ không đề xuất thành lập tổ chức XTTM ở nước ngoài trực thuộc Bộ Công thương chắc chắn là có lý do thuyết phục vì vậy, trước mắt chưa tính đến việc thành lập tổ chức XTTM như đề xuất của Ủy ban Kinh tế”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Vẫn theo Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân, ở các thị trường là đối tác quan trọng về xuất - nhập khẩu, đầu tư, bên cạnh khuyến khích hiệp hội ngành hàng thành lập tổ chức XTTM để tìm kiếm mở rộng thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp cần phải bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho thương vụ, tham tán, tùy viên thương mại trong việc hỗ trợ doanh nghiệp liên quan hoạt động đến xuất - nhập khẩu, bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp trong nước, xác định đối tác của doanh nghiệp trong nước ở nước sở tại…
“Café Ban Mê Thuột, Kẹo dừa Bến Tre, Bánh pía Bạc Liêu… và rất nhiều thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam đã từng bị phía nước ngoài vi phạm. Cần phải tăng chức năng, nhiệm vụ cho tham tán thương mại, tùy viên thương mại trong việc bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài đừng để như trường hợp bà chủ thương hiệu “Kẹo dừa Bến Tre” phải một thân một mình mất 2 năm trời đi lấy lại thương hiệu của mình do bị doanh nghiệp nước ngoài lấy mất”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý.