Phó thủ tướng kỳ vọng, kinh tế VN sẽ tăng trưởng 6,5 - 7%/năm trong giai đoạn 5 năm tới. Tuy nhiên, thời gian tới mô hình tăng trưởng của nền kinh tế VN sẽ thay đổi, chú trọng hơn vào tính hiệu quả và bền vững, không lựa chọn phát triển bằng mọi giá.
“Chúng tôi sẽ nâng cao chất lượng, đẩy mạnh sử dụng tri thức trong sản xuất nhằm tăng năng suất lao động. Hiện nông nghiệp VN đang sử dụng đến 70% lao động, mục tiêu đầy tham vọng là sẽ giảm số người làm trong nông nghiệp xuống khoảng 40% trong thời gian tới. Để làm được vậy, cần phải nâng cao chất lượng nông nghiệp, tăng cường áp dụng kỹ thuật, sử dụng công nghệ cao”, ông cho biết.
Về tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, Phó thủ tướng khẳng định cổ phần hóa là một trong những mục tiêu của quá trình đổi mới và thời gian qua đã đạt được nhiều thành quả. Hiện VN đang tiếp tục quá trình cổ phần hóa, đặc biệt cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước có vốn lớn, chỉ giữ lại các doanh nghiệp liên quan đến an ninh quốc gia, như lĩnh vực an ninh và năng lượng. Đến nay, VN đã ký kết các hiệp định thương mại tự do có liên quan đến 55 quốc gia đối tác trên toàn thế giới.
Với câu hỏi về dự địa tăng trưởng, Phó Thủ tướng cho rằng hiện Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trường nhanh nhưng phải bền vững.
“Có nghĩa phải duy trì mức tăng trưởng hợp lý và dự kiến trong 5 năm tới sẽ là từ 6,5 đến 6,7%. Với những nỗ lực về đổi mới mô hình tăng trưởng chúng tôi hy vọng sẽ duy trì mức tăng trưởng đó, nhưng chúng tôi không phát triển nhanh bằng mọi giá”.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục nhấn mạnh đến xuất khẩu, vì các quý vị biết rằng nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế mở, thương mại đóng góp rất lớn vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, và gấp 1,5 lần GDP. Chúng tôi cũng tiếp tục quan tâm đến thị trường trong nước để kích thích sản xuất” – Phó Thủ tướng đáp lại câu hỏi của ông Jon Fasman cho rằng “thương mại toàn cầu giảm và có vẻ như Mỹ và Châu Âu đang hướng tới bảo hộ”.
“Đúng là hiện nay thương mại toàn cầu đang suy giảm, điều đó tác động đến nền kinh tế Việt Nam bởi vì chúng tôi dựa nhiều vào thương mại và xuất nhập khẩu. Chúng tôi đi theo hướng ký kết các hiệp định thương mại tự do, và thực tế Việt Nam là một trong những nước tham gia nhiều hiệp định thương mai tự do. Với các hiệp định đã ký đó chúng tôi mong muốn sẽ thúc đẩy thương mại, xuất nhập khẩu của Việt Nam” – Phó Thủ tướng cho hay.
Theo The Economist, Việt Nam đang tiến gần đến dòng chảy kinh tế toàn cầu, tích cực tham gia và hưởng lợi từ các thỏa thuận thương mại. Việt Nam vẫn có triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực dù sức tăng trưởng tại các thị trường mới nổi đang chững lại.
Theo đó, dự báo tăng trưởng GDP thực trong năm 2016 là 6% và có thể tăng cao hơn trong năm tới. Việt Nam cũng đã vươn lên từ một trong những nước nghèo nhất thế giới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình ổn định. Chính sách kinh tế dài hạn và ổn định giúp nguồn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Viẹt Nam tăng mạnh. Với dân số trẻ có trình độ học vấn tốt, Việt Nam đã sẵn sàng trở thành một trung tâm sáng tạo mới ở Đông Nam Á.
Theo Thanh Niên/Infonet