Không sản xuất diêm, Diêm Thống Nhất sẽ làm gì?

Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường của CTCP Diêm Thống Nhất (mã: DTN), công ty sẽ "khai tử" sản phẩm diêm từ năm 2020, kết thúc "vòng đời" 63 năm của thương hiệu diêm vang bóng một thời tại Việt Nam.
Không sản xuất diêm, Diêm Thống Nhất sẽ làm gì?

Theo đó, công ty sẽ dừng toàn bộ hoạt động sản xuất diêm và huỷ giao dịch cổ phiếu DTN trên sàn UPCoM. Việc "khai tử" sản phẩm diêm Thống Nhất kết thúc "vòng đời" 63 năm của thương hiệu diêm vang bóng một thời tại Việt Nam.

"Vòng xoáy" cạnh tranh

Được ra mắt lần đầu vào năm 1956, sản phẩm diêm Thống Nhất lúc bấy giờ được sản xuất bởi Nhà máy Diêm Thống - một trong những nhà máy sản xuất đầu tiên được xây dựng tại miền Bắc. Đến năm 1993, nhà máy chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp với tên gọi Công ty Diêm Thống Nhất với quy mô hơn 500 lao động.

Kể từ khi hoạt động, chưa năm nào Diêm Thống Nhất phải báo lỗ. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều thương hiệu truyền thống khác, Diêm Thống Nhất không thoát khỏi tình cảnh khó khăn.

Từ những năm 2013, doanh thu diêm của Diêm Thống Nhất liên tiếp sụt giảm, khi những bao diêm dần bị thay thế bằng các sản phẩm tiện dụng và hiện đại hơn, như bật lửa.

Trong giai đoạn năm 2013 – 2016, Diêm Thống Nhất có chuỗi 4 năm liên tiếp sụt giảm lợi nhuận, từ mức 3,77 tỷ đồng đạt được năm 2012 xuống còn 1,9 tỷ đồng.

Lãnh đạo công ty từng thừa nhận, so với sản lượng tiêu thụ hơn 180 triệu bao diêm/năm cách đây 10 năm, sản lượng diêm hiện nay đã giảm khoảng 50% xuống còn khoảng 100 triệu bao/năm.

Đà sụt giảm này được dự báo sẽ tiếp tục khi các sản phẩm tạo lửa trên thị trường ngày càng đa dạng, số lượng người dân chuyển sang dùng bếp ga, bếp điện cũng tăng nhanh.

Không chỉ sản phẩm diêm hộp truyền thống, các sản phẩm diêm que xuất khẩu và diêm hộp xuất khẩu cũng chứng kiến mức sụt giảm đáng kể.

Năm 2016, sản lượng diêm que xuất khẩu của Diêm Thống Nhất chỉ đạt 138 tấn, giảm 30% so với cách đây 8 năm. Trước đó năm 2014, sản lượng xuất khẩu mặt hàng này đã chạm đáy chỉ còn 42 tấn.

Trong khi đó, sau gần 20 năm xuất hàng cho đối tác truyền thống Malaysia, đến hết năm 2015 diêm hộp xuất khẩu gần như đã phải chấm dứt hoàn toàn do nhu cầu sử dụng không còn. Sản lượng xuất khẩu chỉ còn 700.000 bao trong năm 2015, trong khi năm 2008 đơn vị này xuất khẩu gần 20 triệu bao.

Bên cạnh khó khăn về tiêu thụ, nguyên vật liệu đầu vào sử dụng trong sản xuất các sản phẩm của công ty cũng gặp khó khăn. Nguyên liệu chiếm tới gần 50% đối với diêm là gỗ, trong khi các hóa chất, phụ liệu khác chủ yếu phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Những biến động về giá cả nguyên vật liệu ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động kinh doanh của công ty.Việc thu mua gỗ phù hợp với sản phẩm cũng ngày càng trở nên khó khăn vì nguồn cung ngày càng hạn chế, giá cao.

Cổ phiếu DTN tăng mạnh trong thời gian gần đây (nguồn: VnDirect)
Cổ phiếu DTN tăng mạnh trong thời gian gần đây (nguồn: VnDirect)

Cú "xoay trục" bấp bênh

Ngày càng thất thu ở sản phẩm diêm, Diêm Thống Nhất đang xoay sang làm bật lửa và những năm gần đây liên tục tăng trưởng doanh thu.

Theo số liệu của Diêm Thống Nhất, từ mức doanh thu 102,4 tỷ đồng năm 2015, công ty đều đặn tăng trưởng trong các năm 2016, 2017 và 2018, với doanh thu 2018 là 118,2 tỷ đồng, đạt lợi nhuận trước thuế 2,7 tỷ đồng.

Thoát chết nhờ thay đổi, song ban lãnh đạo Diêm Thống Nhất vẫn không cảm thấy lạc quan bởi ra đời muộn hơn nên bật lửa vẫn chưa thể chiếm thị phần cao trong khi tiêu thụ diêm ngày càng giảm sẽ tạo áp lực rất lớn cho tình hình kinh doanh của công ty.

Theo đánh giá của công ty, sản phẩm bật lửa Thống Nhất bước đầu đã được người sử dụng tin dùng về các ưu điểm vượt trội như độ an toàn và thời gian sử dụng, mẫu mã đẹp... nhưng mới tiêu thụ chủ yếu ở một số thành phố lớn miền Bắc và miền Trung.

Điều này dẫn đến quyết định "khai tử" sản phẩm diêm để tập trung nguồn lực cho sản phẩm bật lửa. Nghị quyết HĐQT của Diêm Thống Nhất còn cho biết, công ty sẽ huỷ đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM.

Đồng thời, thông qua một số nội dung khác như sử dụng quỹ dự phòng tài chính để bù đắp tổn thất trong kinh doanh; sử dụng quỹ dự phòng tài chính để hỗ trợ người lao động bị mất việc làm do sắp xếp lại sản xuất; tăng vốn điều lệ.

Tính đến phiên giao dịch ngày 10/12, cổ phiếu DTN của Diêm Thống Nhất đang giữ mức giá 30.000 đồng/cp, phiên thứ 3 liên tiếp không có giao dịch. Trước đó, DTN đã ghi nhận 8 phiên tăng giá liên tiếp với tổng mức tăng đạt 163%.

Thanh khoản mỗi phiên chỉ 100 cổ phiếu, không có dư mua, dư bán. Hồi đầu tháng 11, cổ phiếu này cũng từng ghi nhận 6 phiên tăng trần liên tiếp từ giá 6.000 đồng lên 13.300 đồng/cp, và khối lượng giao dịch chỉ 100 đơn vị. Tính từ đầu tháng 10, cổ phiếu DTN tăng 4 lần.

Diêm Thống Nhất có vốn điều lệ 22 tỷ đồng. Đến cuối 2018, doanh nghiệp có 3 cổ đông lớn gồm 3 cá nhân là Ngô Thị Hải sở hữu 11,22% vốn, ông Nguyễn Hưng giữ 9,56% vốn và ông Nguyễn Văn Anh nắm 6,65% vốn.

Tuy nhiên, giữa tháng 10, bà Ngô Thị Hải và ông Nguyễn Văn Anh giảm sở hữu xuống 4,41% vốn và 0,17% vốn. Ngược lại, cá nhân Bùi Mạnh Nhất đã nâng sở hữu từ 4,55% vốn lên 18,16% vốn.

Cũng tại thời điểm này, tổng tài sản của Diêm Thống Nhất ghi nhận ở mức 66,8 tỷ đồng, giảm 2% so với đầu năm.Tài sản ngắn hạn chiếm 72%, chủ yếu là phải thu ngắn hạn hơn 25 tỷ đồng và hàng tồn kho gần 19 tỷ đồng. Tài sản dài hạn ở mức 18,7 tỷ đồng, chủ yếu là tài sản cố định và tài sản dở dang là tiền thuê đất tại Cụm Công nghiệp đa nghề Đông Thọ gần 9 tỷ đồng.

Công ty đang nợ tài chính gần 6 tỷ đồng, toàn bộ là vay ngắn hạn. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối ở mức 1,9 tỷ đồng, bên cạnh quỹ đầu tư phát triển gần 5,4 tỷ đồng và thặng dư vốn cổ phần 410 triệu đồng.

Có thể bạn quan tâm