Vingroup và các công ty thành viên gồm Vinhomes, VinFast, Vincom Retail đều ghi nhận kết quả kinh doanh quý 1/2025 tăng trưởng mạnh mẽ.
Trong đó, Tập đoàn Vingroup ((mã chứng khoán: VIC), tập đoàn mẹ nổi bật với mức doanh thu hợp nhất lên tới 84.053 tỷ đồng, tăng vọt 287% so với cùng kỳ năm trước. Thành quả này là kết quả của sự bứt tốc rõ rệt ở hai mảng then chốt bất động sản và sản xuất.
Cụ thể, mảng bất động sản, vốn là "xương sống" trong chiến lược kinh doanh của Vingroup đã đóng góp tới 55.275 tỷ đồng, gấp 12 lần so với quý 1/2024. Song song đó, mảng sản xuất cũng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, đạt doanh thu 15.676 tỷ đồng, cao hơn 2,6 lần so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, ở trụ cột công nghệ – công nghiệp, VinFast tiếp tục khẳng định vị thế thống lĩnh khi giữ vị trí số 1 thị phần xe ô tô điện tại Việt Nam. Trong quý 1/2025, hãng đã bàn giao tổng cộng 36.330 xe điện trên toàn cầu, mức tăng gần gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tại thị trường Việt Nam, số xe bàn giao đã vượt mốc 35.100 chiếc, cho thấy sức tiêu thụ bùng nổ trên sân nhà.
Đáng chú ý, ba mẫu xe điện bán chạy nhất thị trường đều mang thương hiệu VinFast – VF 3, VF 5 và VF 6.
Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý 1 đạt 2.243 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ. Tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản của Tập đoàn Vingroup đạt 823.270 tỷ đồng.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2025, Tập đoàn Vingroup đặt mục tiêu doanh thu thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh lên tới 300.000 tỷ đồng, bứt phá ấn tượng với mức tăng 56% so với kết quả năm 2024. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 10.000 tỷ đồng, gần như gấp đôi so với năm trước, tăng trưởng tới 90%.
Đi cùng xu hướng tăng trưởng chung, Công ty Cổ phần Vinhomes (mã chứng khoán: VHM), công ty con phụ trách lĩnh vực phát triển nhà ở và đại đô thị cũng có một quý khởi sắc mạnh mẽ. Theo báo cáo tài chính hợp nhất, doanh thu thuần quý 1/2025 của Vinhomes đạt 15.698 tỷ đồng. Nếu tính thêm các khoản thu từ hợp tác kinh doanh và giao dịch bán sỉ ghi nhận vào doanh thu tài chính, con số này đạt 19.269 tỷ đồng, tăng 124% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điểm nổi bật trong bức tranh tài chính của Vinhomes là lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 2.652 tỷ đồng, tức gần gấp ba lần cùng kỳ, với mức tăng trưởng 193%.
Bên cạnh kết quả đã ghi nhận, Vinhomes cũng đang có một lượng doanh thu tiềm năng chờ ghi nhận rất đáng kể. Trong quý 1/2025, doanh số bán hàng đạt tới 35.000 tỷ đồng, tăng 116% so với cùng kỳ, trong khi doanh số chưa bàn giao đạt 120.000 tỷ đồng, nhích nhẹ 7%. Đóng góp lớn cho kết quả này là sự đón nhận tích cực của thị trường đối với Vinhomes Wonder City tại Đan Phượng (Hà Nội), được mở bán từ giữa tháng 3.
Không chỉ hài lòng với kết quả hiện tại, ban lãnh đạo Vinhomes còn đặt ra mục tiêu kinh doanh đầy tham vọng trong năm nay. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, Công ty đã thông qua kế hoạch doanh thu 180.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước đạt 42.000 tỷ đồng.
Về mặt tài chính, tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản của Vinhomes đạt 561.504 tỷ đồng, không thay đổi đáng kể so với cuối năm 2024. Vốn chủ sở hữu ở mức 223.396 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả giảm nhẹ 1,5% xuống còn 338.107 tỷ đồng – tương đương 60% tổng tài sản. Một điểm cần lưu ý là khoản tiền và các khoản tương đương tiền của công ty đã giảm 25%, song vẫn duy trì ở mức cao với 21.492 tỷ đồng. Riêng tiền gửi ngân hàng tăng nhẹ, đạt 1.846 tỷ đồng.

Trong khi đó, Công ty Cổ phần Vincom Retail (mã chứng khoán: VRE) khởi đầu quý I với bức tranh tài chính có nhiều điểm sáng, bất chấp sự sụt giảm nhẹ về doanh thu hợp nhất. Trong quý đầu năm, doanh thu thuần hợp nhất của công ty đạt hơn 2.131 tỷ đồng, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, bức tranh chi tiết cho thấy sự dịch chuyển tích cực giữa các mảng kinh doanh.
Đáng chú ý, mảng cho thuê bất động sản đầu tư, hoạt động cốt lõi của Vincom Retail tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với doanh thu đạt 2.026 tỷ đồng, tăng 5,1% so với quý I/2024. Trái lại, mảng chuyển nhượng bất động sản ghi nhận sự sụt giảm đáng kể, chỉ còn 48 tỷ đồng so với 277 tỷ đồng cùng kỳ năm trước, phản ánh chiến lược tập trung vào khai thác dài hạn thay vì bán tài sản. Bù lại, doanh thu từ các dịch vụ khác đạt 57 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng nhẹ so với cùng kỳ.
Mặc dù lợi nhuận gộp trong kỳ giảm nhẹ 4%, xuống còn 1.202 tỷ đồng, nhưng điểm sáng lại nằm ở doanh thu tài chính, tăng mạnh 44% lên 625 tỷ đồng. Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ thu nhập lãi gia tăng từ các khoản đầu tư, với trung bình mỗi ngày Vincom Retail thu gần 7 tỷ đồng từ tiền gửi, cho vay và đặt cọc. Đây là yếu tố quan trọng giúp công ty duy trì hiệu quả lợi nhuận, bất chấp phần nào áp lực từ chi phí vận hành.
Sau khi khấu trừ các khoản chi phí, Vincom Retail báo lãi sau thuế doanh nghiệp đạt 1.177 tỷ đồng, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2024 một kết quả tích cực trong bối cảnh thị trường bán lẻ vẫn đang trong giai đoạn thích nghi sau dịch.
Về mặt tài chính, đến cuối quý 1/2025, tổng tài sản của công ty đạt 55.947 tỷ đồng, tăng thêm 721 tỷ đồng so với đầu năm. Lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng đạt 3.042 tỷ đồng, cho thấy khả năng thanh khoản tốt. Cùng lúc, nợ phải trả giảm xuống còn 12.847 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu tăng lên 43.100 tỷ đồng – thể hiện cấu trúc tài chính lành mạnh và ổn định.
Hướng tới cả năm 2025, Vincom Retail đặt ra mục tiêu doanh thu thuần đạt 9.520 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 4.700 tỷ đồng, tăng khoảng 15% so với năm trước. Đây được xem là mục tiêu có cơ sở trong bối cảnh mảng cho thuê đang phục hồi tốt và nhu cầu tiêu dùng tại các trung tâm thương mại tiếp tục gia tăng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VRE cũng cho thấy sức hút đáng kể. Kết phiên ngày 29/4, VRE là mã duy nhất trong nhóm bất động sản thuộc hệ sinh thái Vingroup ghi nhận tăng giá, tăng 2,38% lên 23.650 đồng/cổ phiếu. Với khối lượng khớp lệnh lên tới 19,4 triệu cổ phiếu, VRE là mã giao dịch sôi động nhất phiên. Tính riêng quý 1, VRE đã tăng hơn 40% với tổng khối lượng khớp lệnh đạt 363 triệu cổ phiếu.
Trong khi đó, dù cổ phiếu VIC có kết quả tài chính khả quan, nhưng vẫn đứng giá ở mức 68.000 đồng/cổ phiếu trong phiên 29/4, với khối lượng giao dịch 13,3 triệu đơn vị. Tuy nhiên, tính chung quý 1, VIC vẫn tăng mạnh tới hơn 60%, đạt tổng khối lượng khớp lệnh 229 triệu cổ phiếu.
Cổ phiếu VHM lại có phiên điều chỉnh nhẹ, giảm 0,17% xuống 58.400 đồng/cổ phiếu. Dù vậy, cổ phiếu này cũng đã có quý 1 ấn tượng với mức tăng hơn 40% và khối lượng khớp lệnh lên tới 430 triệu đơn vị.