Theo đó, Bộ Công Thương sẽ đề nghị với Chính phủ trước mắt không tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, hoặc nếu tăng phải có lộ trình chứ không thể tăng một lúc 1.000 đồng như vậy.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian qua Liên Bộ Công Thương-Tài chính đã liên tục sử dụng Qũy bình ổn để giữ được giá mặt hàng xăng dầu. Đây là đầu vào của các mặt hàng khác, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và cả người tiêu dùng.
Theo Dự thảo Nghị quyết gửi lấy ý kiến đề nghị điều chỉnh mức thuế thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng từ 3.000 đồng/lít lên mức kịch khung cho phép là 4.000 đồng/lít. Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít... Dự kiến, số thu từ dòng thuế này sẽ được khoảng trên 57.000 tỷ đồng/năm, tăng thêm hơn 15.000 tỷ đồng/năm.
Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết giá xăng dầu thế giới tăng cùng với việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường mặt hàng này sẽ đẩy giá cả cuối năm tăng mạnh. "Theo tính toán, của Tổng cục Thống kế, tăng thuế bảo vệ môi trường kịch khung đối với mặt hàng xăng dầu sẽ làm tăng 0,27 – 0,29% CPI cuối năm", bà Ngọc nêu rõ tại buổi tổng kết tình hình kinh tế xã hội ngày 29/6.