"Không thể nâng bản thân mình lên bằng cách chà đạp người khác"

Phát biểu lần cuối trước Đại hội đồng Liên Hợp quốc (LHQ) trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông Obama đã chia sẻ những trải nghiệm trong 8 năm tại vị. Đây là lần phát biểu thứ 8 của ông ở LHQ, và cũng là
"Không thể nâng bản thân mình lên bằng cách chà đạp người khác"

Phát biểu lần cuối trước Đại hội đồng Liên Hợp quốc (LHQ) trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông Obama đã chia sẻ những trải nghiệm trong 8 năm tại vị.

Đây là lần phát biểu thứ 8 của ông ở LHQ, và cũng là lần cuối cùng trên cương vị tổng thống Mỹ.
Mở đầu bài phát biểu, Tổng thống Obama ôn lại những thành tựu của nước Mỹ  góp phần vào sự phát triển của toàn cầu trong thời gian ông tại nhiệm. Nước Mỹ đã thành công trong việc ngăn ngừa cuộc khủng hoảng năm 2008 lan rộng,  kéo kinh tế toàn cầu trở về đà tăng trưởng, triệt phá các ổ nhóm khủng bố, giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran thông qua ngoại giao, hâm nóng quan hệ với Cuba, hỗ trợ Colombia kết thúc cuộc chiến dài nhất lịch sử Mỹ Latin và chứng kiến Myanmar được “tái thiết” với lãnh đạo dân chủ mới. Những nỗ lực của Washington cũng góp phần cải thiện đời sống người dân ở châu Phi, đồng thời đạt được Thỏa thuận Khí hậu lịch sử COP21.
"Không thể nâng bản thân mình lên bằng cách chà đạp người khác" ảnh 1
 Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp quốc ngày 20/9 vừa qua.
Nhưng bên cạnh đó, trên toàn thế giới, người di cư vẫn đang tràn qua các biên giới. Trên mảnh đất Trung Đông, trật tự cơ bản bị phá vỡ, nhiều chính quyền khóa “bút” của phóng viên, điều khiển dòng thông tin. Mạng lưới khủng bố sử dụng mạng xã hội để đầu độc giới trẻ, hướng sự phẫn nộ về những người di cư và người Hồi giáo vô tội, trong khi một số cường quốc tỏ ra bất tuân luật pháp quốc tế.
Tổng thống Mỹ khẳng định, đây là những nghịch lý định hình nên thế giới ngày nay. 25 năm sau Chiến tranh Lạnh, tình hình bạo lực trên thế giới đã giảm đi, cuộc sống ngày càng thịnh vượng. Nhưng các xã hội vẫn tồn tại sự không chắc chắn và xung đột. Dù đạt nhiều tiến bộ to lớn, người dân ngày càng mất lòng tin vào các thể chế, công tác lãnh đạo trở nên khó khăn hơn, trong khi căng thẳng giữa các quốc gia có xu hướng dễ bùng phát.
Khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ chỉ còn cách gần 50 ngày, Tổng thống Mỹ cảnh báo một tương lai đen tối với thế giới nếu thế lực "chủ nghĩa dân tộc hung hăng" hoặc "chủ nghĩa dân túy lỗ mãng" chiến thắng. Đây được cho là cách Tổng thống Obama ngầm chỉ trích những chính sách của vị tỷ phú từ New York.Ông nhắc cụ thể đến hình ảnh bức tường, tâm điểm về chính sách an ninh biên giới của Donald Trump. "Một quốc gia ngăn cách bởi các bức tường chính là tự cầm tù mình”.
Hội nhập khôn ngoan
Ông Obama khẳng định: "Một thế giới mà trong đó 1% nhân loại sở hữu số tài sản tương đương 99% còn lại sẽ không bao giờ ổn định. Chúng ta làm sao để giải quyết sự bất cân bằng này? Tôi tin vào con đường tôn trọng quyền lao động để các nghiệp đoàn tiếp tục phát huy vai trò.Điều đó đồng nghĩa phải đầu tư hơn nữa vào con người, tăng cường kỹ năng, năng lực để tư duy. Theo đó, bảo vệ quyền lao động của họ, cho phép họ mạo hiểm hơn trong tìm kiếm công việc hay khởi nghiệp".
Tổng thống Mỹ khẳng định, đây là những chính sách ông theo đuổi trong suốt 8 năm qua, với kết quả rõ rệt. Các DN Mỹ đã tạo ra hơn 15 triệu công việc mới. Sau cuộc khủng hoảng năm 2008, 1% số DN giàu có nhất nước Mỹ có thu nhập tăng trưởng hơn 90% hơn giờ đã giảm xuống 50%.
Rõ ràng, hội nhập toàn cầu đã gây ra sự va chạm của các nền văn hóa; thương mại, vấn đề di cư, mạng Internet… tất cả những điều này có thể thách thức và đảo lộn trật tự toàn cầu. Điều đó phản ánh qua những cuộc biểu tình phản đối hoạt báo phương Tây (tờ Charlie Hebdo) về bức tranh biếm họa nhà tiên tri Muhammad. Tại châu Âu và Mỹ, người dân vật lộn với những quan ngại về nhập cư và thay đổi nhân khẩu học.
Không dễ dàng để trung hòa sự khác biệt của cả các lực lượng xã hội. Theo ông Obama, những tôn giáo, quan điểm truyền thống, đặc điểm dân tộc và cả ý thức chủ quyền quốc gia cần được tôn trọng. Hệ lụy của những xung đột do hội nhập thể hiện rõ ở khu vực Trung Đông, nơi các trật tự bị xáo trộn bởi những phe đối lập về chính trị, tôn giáo và tư tưởng. Những lực lượng này bồi đắp sức mạnh qua nhiều năm, và thổi bùng cuộc nội chiến tại Syria, cũng như biến nơi đây thành “thánh địa” cho nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Tổng thống Mỹ cũng cho rằng quá trình hội nhập cần gắn với việc tôn trọng quy định, luật pháp quốc tế. “Tôi bị chỉ trích tại nước Mỹ bởi niềm tin vào các quy chuẩn quốc tế và những định chế đa phương. Nhưng tâm niệm của tôi là, hành động gắn với những luật pháp quốc tế, trong dài hạn sẽ là phương thức bảo đảm an ninh quốc gia vững chắc nhất. Điều đó không chỉ áp dụng với nước Mỹ”, ông nói và dẫn trường hợp của Nga và Trung Quốc để minh chứng.
Trong một thế giới mà thời đại đế chế đã lui về rất xa, nước Nga lại đang muốn giành lại hào quang đã mất bằng vũ lực. Nếu Nga tiếp tục can thiệp vào công việc nội bộ của các nước láng giềng, điều này có thể hun đúc lòng yêu nước tại Nga nhưng theo thời gian sẽ làm giảm đi tầm vóc của nước Nga và biến các khu vực biên giới trở nên kém an toàn.Trong khi đó, các cường quốc châu Á thì mãi tranh cãi về quyền lịch sử. Đề cập đến tình hình Biển Đông, nhắc đến những hành động gây lo ngại của Trung Quốc, Tổng thống Mỹ khẳng định, “Một giải pháp hòa bình cho tranh chấp, dựa trên pháp luật, sẽ tạo ra sự ổn định lâu dài hơn là các hành động quân sự hóa một số đảo và rạn san hô”.
Niềm tin vào giới trẻ và nước Mỹ
Trong suốt 8 năm qua trên cương vị Tổng thống, ông Obama khẳng định, đã đặt chân tới nhiều quốc gia, chứng kiến tinh thần của giới trẻ ở mọi nơi trên thế giới. Họ ngày càng có trình độ cao, bền bỉ hơn, đa dạng hơn, sáng tạo hơn thế hệ trước.
Ông chia sẻ những câu chuyện khi gặp gỡ giới trẻ khởi nghiệp ở Cuba, những cựu tù chính trị ở Myanmar đã trở thành nghị sĩ sau vài năm; những cô gái ở Afghanistan dũng cảm chống lại bạo lực để được đến trường; các sinh viên phát triển những chương trình trên mạng để chống lại âm mưu lan tỏa tư tưởng cực đoan của khủng bố như IS... Điều này xuất phát từ tinh thần lý tưởng của tuổi trẻ. Nhưng nó cũng hình thành khi họ ngày càng tiếp cận được thông tin về những người dân và địa danh khác, qua đó hiểu được rằng tương lai của họ gắn chặt với số phận của những nhóm người khác ở bên kia thế giới.
Ông chủ Nhà Trắng cũng trải lòng về quãng thời gian làm Tổng thống: “Gia đình của riêng tôi là bức tranh có nhiều mảnh ghép đa dạng về cả văn hóa, màu da và truyền thống cũng như niềm tin từ rất nhiều nơi trên thế giới hợp lại – giống như nước Mỹ là quốc gia hợp từ người di cư mọi nơi trên hành tinh. Trong cuộc đời tôi, với cương vị Tổng thống Mỹ, tôi đã học được một điều. Rằng bạn không thể nâng bản thân mình lên bằng cách chà đạp lên người khác mà phải bằng cách bạn kéo người khác lên. Con người không thể minh chứng bản thân bằng cách đối địch với người khác mà phải bằng niềm tin vào tự do, bình đẳng, công bằng, văn minh.”
Tú Anh

Có thể bạn quan tâm