Kiến nghị để VEC tự bố trí vốn đối ứng cho cao tốc Bến Lức - Long Thành

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc VEC tự cân đối, bố trí vốn đối ứng có ưu điểm là phù hợp với quy định của pháp luật và không phải qua đầu mối Bộ Giao thông Vận tải nhận kế hoạch.

cao tốc Bến Lức – Long Thành

Theo Tờ trình số 8536/TTr – BKHĐT gửi Thủ tướng Chính phủ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc bố trí vốn đối ứng cho Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành giai đoạn 1, Bộ này kiến nghị thông qua nghị quyết về việc giao Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) có trách nhiệm tự cân đối, bố trí số vốn đối ứng để tiếp tục triển khai dự án.

“Phương án này đảm bảo có thể triển khai được ngay, làm cơ sở để tiếp tục thi công Dự án trong điều kiện việc giải quyết tổng thể các khó khăn, vướng mắc của các dự án do VEC làm chủ đầu tư là vấn đề về lâu dài, cần có thời gian để có thể giải quyết căn cơ, đảm bảo khả năng trả nợ và tiếp tục hoạt động của VEC”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá.

Hiện, dự án cao tốc Bến Lức – Long Thànhdo VEC làm chủ đầu tư. Theo quy định của luật hiện hành, Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và VEC chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chinh về tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo.

Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành giai đoạn 1 có chiều dài 57,8 km, tổng mức đầu tư 31.320 tỷ đồng, gồm vốn vay Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) (13.654,6 tỷ đồng), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) (11.975,7 tỷ đồng) và vốn đối ứng 5.689,7 tỷ đồng. Công trình được khởi công từ năm 2014, dừng thi công từ giữa năm 2019 do vướng mắc về cơ sở pháp lý; trong đó có việc bố trí vốn (ODA, vốn đối ứng).

Cho đến thời điểm dừng thi công, tổng vốn đối ứng từ ngân sách Nhà nước bố trí cho Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành giai đoạn 1 là 3.882 tỷ đồng.

Việc VEC không được tiếp tục được bố trí vốn đối ứng là do theo Nghị định số 79/2010/NĐ-CP ngày 14/7/2010 của Chính phủ; Nghị định số 94/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ về nghiệp vụ quản lý nợ công, người vay lại (VEC - chủ đầu tư dự án) phải tự thu xếp nguồn vốn đối ứng.

Bên cạnh đó, việc tiếp tục giao vốn đối ứng cho dự án qua đầu mối nhận kế hoạch là Bộ Giao thông Vận tải chưa phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật Ngân sách nhà nước về phân bổ và giao dự toán ngân sách do từ năm 2019 VEC đã là doanh nghiệp do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu (không phải là đơn vị dự toán trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải).

Để giải quyết vướng mắc này, tại Thông báo số 177/TB-VPCP ngày 17/6/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương báo cáo đề xuất Chính phủ phương án VEC tự cân đối, bố trí số vốn đối ứng còn lại từ năm 2019 để sớm tiếp tục triển khai Dự án.

Tuy nhiên, để thực hiện phương án này, Chính phủ cần xem xét, ban hành Nghị quyết mới thay thế nội dung về trách nhiệm bố trí vốn đối ứng tại Nghị quyết số 104/NQ-CP đang còn hiệu lực theo hướng thay đổi về trách nhiệm bố trí vốn đối ứng của Dự án từ ngân sách nhà nước sang cho VEC tự cân đối, bố trí.

Qua qua rà soát, cập nhật toàn bộ các chi phí thực hiện dự án đến thời điểm hiện nay, VEC cho biết nhu cầu vốn 4 đối ứng còn lại của dự án là khoảng 758 tỷ đồng trong tổng số 1.807 tỷ đồng theo tổng mức đầu tư được duyệt. Đơn vị này cũng khẳng định đảm bảo đầy đủ nghĩa vụ trả nợ đã cam kết, đảm bảo đủ nguồn lực để tự cân đối được số vốn đối ứng còn lại từ năm 2019 đến khi kết thúc dự án.

Bộ Giao Thông Vận Tải vừa có tờ trình Chính Phủ về việc lùi thời hạn hoàn thành Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành vào cuối quý 3/2025. Sau hai năm được gia hạn hoàn thành vào ngày 31/12/2023, dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành mới đây được tiếp tục kiến nghị cho lùi thời gian hoàn thành đến cuối tháng 9/2025 do vướng mắc về vốn…

Có thể bạn quan tâm