Kiến nghị sớm thành lập Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam

Bộ NN&PTNT đang đề nghị Bộ Nội vụ xem xét cho ra đời Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam, xây dựng, hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho sản phẩm thủy sản-nước mắm.
Kiến nghị sớm thành lập Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Bộ Nội vụ sớm cho phép thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam để hỗ trợ bảo tồn và phát triển ngành này. Hiệp hội này sẽ cùng các bộ, ngành, hội, hiệp hội liên quan hoàn thiện dự thảo Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm.

Bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc, cho biết các nhà thùng sản xuất nước mắm đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang cũng như Hội Nước mắm Phú Quốc rất đồng thuận việc thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc nhấn mạnh đây là nguyện vọng chính đáng của các hội nước mắm truyền thống trên cả nước trong thời gian qua để những doanh nghiệp làm nước mắm truyền thống có tiếng nói chung, chung tay bảo vệ, giữ gìn và phát triển văn hóa ẩm thực đặc trưng của vùng miền mà ông cha ta đã tạo dựng được xem là di sản của Việt Nam, niềm tự hào của người Việt Nam trên khắp thế giới.

Hội Nước mắm Phú Quốc kiến nghị các cấp có thẩm quyền, cơ quan chức năng tổ chức những hội thảo với sự tham gia của nhà văn hóa, nhà khoa học, nhà lịch sử học, chuyên gia về nước mắm, hội nước mắm truyền thống, nhà thùng sản xuất nước mắm trên cả nước để phân loại, định nghĩa thuật ngữ “nước mắm truyền thống” và “nước mắm pha chế."

Trước đó, Bộ cũng vừa có báo cáo gửi Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường – Quốc hội về hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý sản xuất nước mắm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản phẩm nước mắm hiện có Tiêu chuẩn TCVN 5107:2018 Nước mắm do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố và tự nguyện áp dụng. TCVN 5107:2018 đưa ra quy định, yêu cầu kỹ thuật về nguyên liệu, các chỉ tiêu cảm quan, hóa học, dư lượng kim loại nặng, vi sinh vật, phụ gia thực phẩm đối với nước mắm và nước mắm nguyên chất; đồng thời quy định về 2 thuật ngữ định nghĩa cơ bản này. 

Theo đó, nước mắm nguyên chất (genuine fish sauce) là sản phẩm dạng dịch lỏng trong, thu được từ hỗn hợp của cá và muối (chượp chín) đã được lên men trong một khoảng thời gian ít nhất 6 tháng. Nước mắm (fish sauce) là sản phẩm được chế biến từ nước mắm nguyên chất, có thể bổ sung nước muối, đường và phụ gia thực phẩm, có thể được điều chỉnh màu, mùi. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, về tên gọi, cho đến nay chưa có khái niệm nước mắm truyền thống hay nước mắm công nghiệp vì thuật ngữ truyền thống hoặc công nghiệp là phương thức sản xuất, không phải là tên sản phẩm thương mại được lưu hành. Theo các văn bản hiện hành, chỉ tồn tại 2 loại sản phẩm là nước mắm nguyên chất và nước mắm. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng kiến nghị Bộ Y tế đánh giá rủi ro, rà soát toàn bộ các chỉ tiêu histamin, kim loại nặng theo quy định tại QCVN 08-2:2011/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm cho phù hợp với điều kiện sản xuất nước mắm tại Việt Nam và làm cơ sở pháp lý cho các bộ, ngành liên quan xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về nước mắm. 

Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, căn cứ quy định về các chỉ tiêu an toàn thực phẩm đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung của Bộ Y tế và các kết quả nghiên cứu, khảo sát đánh giá thực tiễn để xây dựng, hoàn thiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia “Sản phẩm Thủy sản - Nước mắm” nhằm quy định các chỉ tiêu an toàn thực phẩm phù hợp cho sản xuất nước mắm. 
 
 
 
 
 

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...