Kim ngạch xuất khẩu cán mức kỷ lục

Trong số những chỉ tiêu kinh tế vượt kế hoạch năm 2017 thì xuất khẩu là một trong những chỉ tiêu tích cực, có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế.

Các chuyên gia kinh tế khẳng định, chưa bao giờ bức tranh xuất khẩu của VN lại sáng sủa như năm nay.

Bức tranh sáng của nền kinh tế Việt Nam trong gần cả năm qua là tăng trưởng xuất khẩu, không chỉ bởi con số trên 200 tỷ USD mà xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam (theo xếp hạng của WTO) đã tăng lên rõ rệt, từ vị trí 50 lên vị trí 26 trong 10 năm qua.

Kim ngạch hàng hóa xuất năm 2017 ước tính đạt 213,77 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm trước, đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 58,53 tỷ USD, tăng 16,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 155,24 tỷ USD, tăng 23%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2017 tăng 17,6% so với năm 2016.

Về cơ cấu kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm nay, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản đạt 106 tỷ USD, tăng 32,4% so với năm trước và chiếm 49,6% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu (tăng 4,2 điểm phần trăm so với năm 2016); nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp đạt 79,6 tỷ USD, tăng 11,7% và chiếm 37,2% (giảm 3,1 điểm phần trăm); nhóm hàng nông, lâm sản đạt 19,8 tỷ USD, tăng 9% và chiếm 9,3% (giảm 1 điểm phần trăm); hàng thủy sản ước tính đạt 8,4 tỷ USD, tăng 18,5% và chiếm 3,9% (giảm 0,1 điểm phần trăm).

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu năm 2017, Hoa Kỳ vẫn là thị trường dẫn đầu với 41,5 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2016. Tiếp đến là EU đạt 38,3 tỷ USD, tăng 12,8%; Trung Quốc đạt 35,3 tỷ USD, tăng 60,6%; thị trường ASEAN đạt 21,7 tỷ USD, tăng 24,5%; Nhật Bản đạt 16,8 tỷ USD, tăng 14,2%; Hàn Quốc đạt 15 tỷ USD, tăng 31,1%.

Đánh giá xuất khẩu năm nay là một lĩnh vực đặc biệt, có tốc độ tăng trưởng ngoạn mục trong bối cảnh Việt Nam có sự điều chỉnh giảm xuất khẩu về tài nguyên, TS.Nguyễn Minh Phong cho rằng, chất lượng của tăng trưởng xuất khẩu, trong đó ngành nông nghiệp xuất siêu khoảng 7 tỷ USD đã cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đang đi đúng hướng khi đầu tư vào nông nghiệp và coi trọng chất lượng thay vì chạy theo số lượng.

Kim ngạch hàng hóa xuất năm 2017 ước tính đạt 213,77 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm trước

Cụ thể hơn, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ ghi nhận, nhóm hàng nông nghiệp công nghệ cao như một điểm nhấn thành công bước đầu của tái cơ cấu nông nghiệp. Theo ông Hồ, khu vực nông nghiệp năm qua tăng trường với sự bứt phá ngoạn mục hơn hẳn 2016 cho dù thiên tai và biến đổi khí hậu.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, ấn tượng kinh tế năm nay là xuất khẩu, thể hiện ở việc không chỉ đạt được mức tăng trưởng vượt rất xa so với mục tiêu 10% để đạt 21% mà đằng sau con số ấy còn có hai điểm nhấn. Một là sự vươn lên của khu vực doanh nghiệp trong nước trong xuất khẩu. Hai là tăng trưởng xuất khẩu một số mặt hàng nông sản xuất khẩu, đặc biệt là một số loại thủy sản, rau quả.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh: xuất khẩu tăng rất cao, tăng tới trên 21%, và  đó là mức tăng trưởng rất cao so với ta nhưng đồng thời đó là mức tăng trưởng cao trong khu vực trong bối cảnh thương mại quốc tế có chiều hướng suy giảm và có những dấu hiệu của bảo hộ mậu dịch gia tăng.

Để xuất khẩu tăng trưởng bền vững hơn, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần phân tích sâu vào cơ cấu của xuất khẩu để cải thiện xuất siêu, giảm nhập siêu, cần chú ý việc Việt Nam quay trở lại xuất siêu về hàng hóa nhưng dịch vụ vẫn phải nhập siêu. 

Với mục tiêu nhằm cải thiện cơ cấu xuất, nhập khẩu, theo ông Phong, Việt Nam cần phải coi dịch vụ là điểm đột phá để phát triển và cải thiện cơ cấu xuất khẩu. Việt Nam cần phải gia tăng phát triển các dịch vụ, nhất là dịch vụ logistics để chuyển sang xuất siêu về dịch vụ.

Theo Vneconomy

vneconomy.vn/kim-ngach-xuat-khau-can-muc-ky-luc-20 http://vneconomy.vn/kim-ngach-xuat-khau-can-muc-ky-luc-20180102171508966.htm

Có thể bạn quan tâm