Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô vừa được Bộ Giao thông Vận tải lấy ý kiến, trình Chính phủ tiếp tục gây nhiều tranh luận trái chiều giữa các nhà quản lý, giới chuyên gia, doanh nghiệp taxi truyền thống và doanh nghiệp công nghệ.
Dự thảo mới còn nhiều quy định làm khó doanh nghiệp
Khẳng định Dự thảo lần này vẫn còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp, tại hội thảo về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô sáng 21/8, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói: Khoản 4 Điều 16, dự thảo cho rằng doanh nghiệp công nghệ phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh và điều kiện hoạt động như một đơn vị vận tải.
Quy định này không những làm biến đổi bản chất hoạt động đơn vị cung cấp phần mềm mà còn triệt tiêu phần lớn những ưu điểm mà các dịch vụ kết nối mang lại, biến nó trở thành đơn thuần là một kênh liên lạc không hơn không kém. Cản trở sự sáng tạo của ngành kinh tế số, tạo ra gánh nặng thực thi và chi phí vô lý cho các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Do đó, thay vì áp đặt, bó hẹp hoạt động các doanh nghiệp công nghệ trong tầm quản lý hiện nay, Dự thảo cần đưa ra các biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ ngày càng tham gia sâu hơn vào việc ứng dụng khoa học công nghệ trong vận tải.
Bên cạnh đó, dù Bộ Giao thông Vận tải đã tiếp thu và cắt giảm nhiều thủ tục, yêu cầu không cần thiết so với các dự thảo trước, thì dự thảo Nghị định gần nhất vẫn còn một số thủ tục, yêu cầu chưa rõ mục tiêu quản lý, tạo gánh nặng và phát sinh chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp vận tải cũng như người dân.
Điển hình nhất là "Quy định đơn vị vận tải phải cung cấp thông tin về hợp đồng vận tải đến Sở Giao thông Vận tải trước khi thực hiện vận chuyển hành khách".
Đồng quan điểm, đại diện Công ty TNHH Thành Bưởi cho rằng, quy định này làm tăng thêm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Không chỉ vậy, còn đặt ra vấn đề liên quan đến thông tin mật, bí mật kinh doanh của đơn vị kinh doanh vận tải.
Vị này lấy ví dụ: Điển hình như trường hợp của công ty TNHH Thành Bưởi, báo cáo cho Sở Giao thông Vận tải Tp.HCM, sau đó, Sở Giao thông Vận tải Tp.HCM cung cấp đầy đủ thông tin, số lượng khách, số chuyến xe của công ty Thành Bưởi cho đơn vị thứ ba. Đơn vị thứ ba lại thông tin cho các đối thủ cạnh tranh của công ty Thành Bưởi….
"Trong xu thế xây dựng Chính phủ kiến tạo, cần phải tôn trọng quyền tự quyết của doanh nghiệp và hạn chế đưa ra các điều kiện kinh doanh không cần thiết. Khi đưa ra điều kiện hay yêu cầu nào hạn chế quyền tự chủ của doanh nghiệp cần phải xác định rõ mục tiêu quản lý, để làm gì, có tác dụng gì và có bù đắp được chi phí của xã hội hay không", PGS.TS Ngô Trí Long nói.
Dự thảo nghị định bị tắc
Tại hội thảo này, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật Basico cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm: Những nội dung thay đổi trong dự thảo không phải đổi mới, càng không phải là đột phá, mới chỉ là sửa chữa sai lầm, nhầm lẫn, cản trở phát triển.
Vấn đề đặt ra ở đây là nên sửa Nghị định hay nhìn lại cách thực hiện Luật Giao thông đường bộ?
Trong khi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 giữ nguyên nhưng 3 Nghị định gồm: Nghị định số 91 năm 2009; Nghị định 93 năm 2012; Nghị định 86 năm 2014 và Dự thảo Nghị định mới đây rất khác nhau.
Hiện nay, đang sửa Luật Giao thông đường bộ, nếu Luật được ban hành thì Nghị định trên sẽ lại hết hiệu lực, lại buộc phải có Nghị định khác thay thế.
"Dù Dự thảo Nghị định này được hay không được ban hành trong thời gian tới thì cũng cần cấp bách sửa đổi Luật Giao thông đường bộ vì đã ban hành được 10 năm, trong đó, có những cái đang bị vô hiệu hoá như bên nhận thế chấp xe ôtô được quyền giữ giấy chứng nhận đăng ký xe, trái với quy định của Luật", ông Đức nói.
Cũng theo Luật sư Trương Thanh Đức, tờ trình Chính phủ lý giải rằng Dự thảo đã cắt giảm rất nhiều điều kiện kinh doanh. Điều này là không sai. Tuy nhiên, đi sâu vào cụ thể thì chẳng qua chỉ là sự hoán đổi vị trí, thậm chí đánh tráo khái niệm, chứ thực chất là bỏ 1 thêm 3, bỏ 1 thêm 5. Quy định theo hướng thắt chặt hơn, chặt chẽ hơn, lúng túng và xa rời thực tế hơn.
"Mâu thuẫn và bất cập ở chỗ quy định nhiều về điện tử, công nghệ 4.0 nhưng lại không quản theo hướng công nghệ hiện đại mà quản theo kiểu 0.4", Luật sư Trương Thanh Đức nói.
Do đó, theo Luật sư, cần phải bỏ ít nhất 1/2 các điều kiện trói buộc trong dự thảo. Chẳng hạn như xe tải mà phải có biển xe tải thì đó là giáo trình trực quan để Tây học Tiếng Việt. Hay như bỏ quy định xe hợp đồng phải gửi báo cáo chi tiết đến Sở Giao thông Vận tải trước mỗi chuyến đi.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Minh Thảo, Ban Môi trường kinh doanh, Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương khẳng định: Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86 đã mở rộng thêm các điều kiện kinh doanh chứ không chỉ cắt bỏ. Họ cắt bỏ 12 điều kiện nhưng bổ sung 85 điều kiện, trong đó 64 điều kiện bổ sung mới, 21 điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Giao thông Vận tải.
"Với 21 điều kiện kinh doanh theo...thì không biết còn bao nhiêu điều kiện con cháu nào khác nữa hay không?", bà Thảo nói.
Theo Vneconomy