Kinh tế tư nhân đóng góp gì vào những con số kỷ lục năm 2017?

Theo ông Trần Anh Vương, Phó chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, những con số tăng trưởng ấn tượng của năm 2017 có sự đóng góp rất lớn từ khu vực kinh tế tư nhân.
Kinh tế tư nhân đóng góp gì vào những con số kỷ lục năm 2017?

Qua hai kỳ tổ chức thành công, Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức đã trở thành diễn đàn trao đổi cởi mở, mang lại những tác động tích cực cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam lần thứ 2 năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục nhấn mạnh quyết tâm chính trị, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước về vai trò, vị thế của kinh tế tư nhân, xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế hay. Thủ tướng cũng khẳng định “xóa bỏ mọi rào cản, mọi định kiến, tạo mọi thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng hướng”.

Bàn về sự phát triển của khu vực này trong thời gian vừa qua và mong muốn, nguyên vọng phát triển trong thời gian tới, TheLEADER đã có cuộc trò chuyện ngắn với ông Trần Anh Vương, Phó chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, Trưởng ban tổ chức Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPFS) 2017.

Ông đánh giá như thế nào về kết quả của Diễn đàn kinh tế tư nhân năm 2017?

Ông Trần Anh Vương: Đánh giá chung về kết quả của Diễn đàn Kinh tế tư nhân qua hai kỳ 2016 và 2017, tôi cho rằng, kết quả lớn nhất mà diễn đàn mang lại là đã tạo được tâm thế chưa từng có cho kinh tế tư nhân Việt Nam.

Có thể nói, sau hai kỳ tổ chức, diễn đàn đã góp phần quan trọng trong sự ra đời của các nghị quyết, nghị định, thông tư, sửa đổi điều luật của Chính phủ, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho kinh tế tư nhân. Qua đó, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển, hướng tới trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.

Đặc biệt, với những thành công của diễn đàn như hiện nay, tâm thế của kinh tế tư nhân còn phát triển hơn nữa trong những năm tới.

Vậy đã có những chuyển biến cụ thể như thế nào đối với kinh tế tư nhân sau những cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ đối với các doanh nghiệp tại diễn đàn?

Ông Trần Anh Vương: Sau diễn đàn, các vấn đề liên quan kinh tế tư nhân đã có những thay đổi nhất định. Ví dụ như trong lĩnh vực nông nghiệp, vừa qua Bộ Nông nghiệp đã họp và báo cáo một số sửa đổi đối với Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo hướng tích cực và thuận lợi hơn.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã lập cơ quan xúc tiến thương mại chuyên trách và Quốc hội đã sửa Luật về cơ quan đại diện, thông thoáng hơn với đại diện các bộ kinh tế ở nước ngoài. 

Đặc biệt, trước đề xuất của Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam lần thứ 2 năm 2017 về việc dành ưu tiên quyền tiếp cận cơ hội kinh doanh cho khu vực tư nhân và đẩy mạnh thoái vốn nhà nước, thay đổi cách thức khai thác và cơ cấu nguồn vốn, Chính phủ đã có nhiều biện pháp và thành công cụ thể trong cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước.

Về lĩnh vực du lịch, Bộ Công an đã mở rộng diện du khách được cấp thị thực điện tử lên 46 nước, lãnh thổ thay cho 40 nước trước đây với mức hợp lý hơn.

Về kinh tế số, nhiều nội dung được cả nền kinh tế đề cập đã và đang được triển khai và đạt nhiều kết quả tích cực như: ứng dụng kinh tế số vào mọi lĩnh vực kinh tế như thu thuế điện tử, thanh toán điện tử, thực hiện thủ tục hành chính điện tử, thông quan điện tử, giảm giao dịch tiền mặt, ứng dụng số vào quản trị, đào tạo.

Đây thực sự là những động thái tích cực, tạo nên một xung lực mạnh mẽ về niềm tin, nỗ lực hợp tác và cùng chung tay thúc đẩy của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đối với kinh tế tư nhân.

Có thể thấy rõ sự vào cuộc của Diễn đàn Kinh tế tư nhân đã góp phần tạo ra những chuyển biến thực sự trong việc tạo lập một môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp chứ không chỉ dừng lại ở những hô hào, khẩu hiệu.

Trong năm 2017, thông điệp của Diễn đàn Kinh tế tư nhân đã khẳng định: “Các doanh nghiệp tư nhân cần Chính phủ hành động hơn cả”, vậy trong năm 2018 tới đây, doanh nghiệp cần gì ở Chính phủ, thưa ông?

Ông Trần Anh Vương: Cá nhân tôi khó có thể đại diện cho tất cả doanh nghiệp tư nhân hiện nay để nêu lên mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp đối với Chính phủ. 

Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, trong năm 2018, các doanh nghiệp vẫn sẽ hy vọng và mong muốn Chính phủ hành động. Bởi chỉ cần Chính phủ hành động thì những vấn đề khác như kiến tạo, đổi mới sẽ đi theo và được giải quyết toàn diện.

Về hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân trong năm 2017, ông ấn tượng nhất với điều gì?

Ông Trần Anh Vương: Kinh tế vĩ mô năm 2017 thực sự đã đạt được những mức tăng trưởng rất ấn tượng. Theo Tổng cục thống kê, tổng sản phẩm trong nước năm 2017 ước tính tăng 6,81% so với năm 2016. Mức tăng trưởng năm nay vượt mục tiêu đề ra 6,7% và cao hơn mức tăng của các năm từ 2011 - 2016.

Trong khi đó, năm qua vốn giải ngân ở khu vực kinh tế Nhà nước không đạt chỉ tiêu, không giải ngân hết, đầu tư nhà nước năm vừa rồi là hụt. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn tăng trưởng rất mạnh, xuất nhập khẩu đạt hơn 400 tỷ USD , dự trữ ngoại hối tăng cao kỷ lục. 

Tôi cho rằng, đạt được mức tăng trưởng ấn tượng như vậy chắc chắn đến từ kinh tế tư nhân, bên cạnh khu vực FDI. 

Đây là sự khẳng định của bước phát triển mạnh mẽ của kinh tế tư nhân trong năm vừa qua nhờ những đổi mới từ Chính phủ. Qua đó, tao động lực cho sự tăng trưởng kinh tế chung của đất nước.

Với vai trò là chủ một doanh nghiệp và người tổ chức Diễn đàn Kinh tế tư nhân, ông có cảm nhận như thế nào về nền kinh tế Việt Nam trong năm 2018?

Ông Trần Anh Vương: Tôi cho rằng, với sự vào cuộc "hành động, kiến tạo" mạnh mẽ của Chính phủ, kinh tế Việt Nam trong năm 2018 sẽ vẫn tiếp đà tăng trưởng tốt. Bên cạnh đó, kinh tế tư nhân cũng sẽ có động lực để phát triển ngày càng lớn mạnh.

Xin cảm ơn ông!

Theo Theleader.vn

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...