Lại nóng lý do khiến ACV được “độc quyền” cảng hàng không

Bộ Tư pháp đề nghị Bộ GTVT làm rõ cơ sở pháp lý của kiến nghị giao cho ACV chủ trì thực hiện, trên cơ sở kế hoạch đầu tư phát triển, cải tạo, mở rộng cảng hàng không.
Lại nóng lý do khiến ACV được “độc quyền” cảng hàng không

ACV quản lý, khai thác độc quyền tới 22 cảng hàng không

Bộ GTVT có văn bản gửi tới các Bộ, Ngành đề nghị tham gia ý kiến đối với báo cáo “Định hướng xã hội hoá đầu tư xây dựng Cảng hàng không” để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định làm cơ sở thực hiện.

Những danh mục cảng hàng không có thể kêu gọi xã hội hoá đầu tư toàn cảng chỉ có vỏn vẹn 3 cảng hàng không gồm: Sa Pa, Lai Châu, Quảng Trị. Đây đều là những cảng hàng không nhỏ.

Danh mục cảng hàng không không thực hiện xã hội hoá đầu tư toàn cảng bao gồm 22 cảng hàng không hiện đang được ACV quản lý, khai thác và Cảng hàng không quốc tế Long Thành như: Nội Bài, Vinh, Cát Bi, Đồng Hới, Thọ Xuân, Điện Biên, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Bài, Phù Cát, Tuy Hoà, Pleiku, Chu Lai, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Phú Quốc, Liên Khương, Buôn Ma Thuột, Côn Đảo, Rạch Giá, Cà Mau và Nà Sản. Đây là những sân bay chỉ có thể thực hiện xã hội hoá đầu tư một số hạng mục công trình kết cấu hạ tầng không thiết yếu và công trình cung cấp dịch vụ phi hàng không.

Đáng chú ý, việc tổ chức thực hiện xã hội hoá đầu tư những hàng mục này lại được "bật đèn xanh" giao cho ACV chủ trì thực hiện, trên cơ sở kế hoạch đầu tư phát triển, cải tạo, mở rộng cảng hàng không, sân bay, được Bộ GTVT phê duyệt và quy trình lựa chọn nhà đầu tư được cơ quan có thẩm quyền ban hành khiến cho nhiều người băn khoăn.

Tại sao Cục hàng không và Bộ GTVT lại đề xuất và “khoanh vùng” những cảng hàng không có “siêu lợi nhuận” để giao cho ACV quản lý khác mà chỉ xã hội hoá những cảng hàng không nhỏ, liệu có thu hút được đầu tư bằng xã hội hoá và công bằng, công khai minh bạch hay không?

Trong khi đó, hiện nay ACV không phải là doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước bởi đã chuyển sang mô hình Công ty cổ phần (có yếu tố tư nhân) không là cơ quan đại diện cho Nhà nước để thay mặt Nhà nước lựa chọn nhà đầu tư tư nhân để đầu tư.

Bộ Tư Pháp “tuýt còi” và đề nghị xem xét lại

Về việc này, Bộ Tư Pháp cũng đã có văn bản gửi tới Bộ Giao thông vận tải (GTVT) để trả lời về nội dung “Định hướng xã hội hoá đầu tư xây dựng cảng hàng không” để Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.

Theo Bộ Tư Pháp, trong báo cáo  định hướng xã hội hoá đầu tư xây dựng cảng hàng không, Bộ GTVT đã trình bày kinh nghiệm quốc tế liên quan đến vấn đề này và đề xuất định hướng xã hội hoá đầu tư xây dựng cảng hàng không. Tuy nhiên, chỉ thực hiện kêu gọi xã hội hoá đầu tư cảng đối với 3 cảng hàng không là Sa Pa, Lai Châu, Quảng Trị.

Trong khi đó, 22 cảng hàng không hiện do Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý, khai thác và cảng hàng không quốc tế Long Thành thì không thực hiện xã hội hoá đầu tư toàn cảng, có thể thực hiện xã hội hoá đầu tư một số hàng mục công trình kết cấu hạ tầng cảng hàng không không thiết yếu và công trình cung cấp dịch vụ phi hàng không...

Sau khi xem xét báo cáo của Bộ GTVT, Bộ Tư Pháp đề nghị Bộ GTVT cần đánh giá tổng thể về năng lực và hiệu quả quản lý của ACV đối với 22 cảng hàng không nêu trên (trừ cảng hàng không Long Thành đang trình Quốc hội cho ý kiến) đề làm cơ sở xem xét, quyết định việc thực hiện xã hội đầu tư toàn bộ cảng hàng không này hay tiếp tục giao ACV quản lý và chie thực hiện xã hội hoá đầu tư một số hạng mục công trình.

Văn bản của Bộ Tư Pháp nêu: Nghị quyết cố 13-NQQ/TW đã chủ trương chỉ huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực của xã hội vào phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, “tiếp tục dành vốn nhà nước tập trung đầu tư vào các công trình thiết yếu, quan trọng, khó huy động nguồn lực xã hội”.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 12-NQ/TW của hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước cùng chủ trương “Doanh nghiệp Nhà nước tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh, những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.

Vì vậy, đối với các cảng hàng không không phải là cảng quan trọng, thiết yếu mà Nhà nước cần đầu tư, sở hữu và ACV quản lý không hiệu quả. Trong khi các nhà đầu tư tư nhân quan tâm thì nên mở rộng thực hiện xã hội hoá toàn bộ cảng hàng không này, bảo đảm phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW và Nghị quyết số 12-NQ/TW.

Đối với việc Bộ GTVT đề nghị giao cho ACV chủ trì thực hiện, trên cơ sở kế hoạch đầu tư phát triển, cải tạo, mở rộng cảng hàng không, sân bay, được Bộ GTVT phê duyệt và quy trình lựa chọn nhà đầu tư được cơ quan có thẩm quyền ban hành, Bộ Tư Pháp “tuýt còi” và đề nghị xem xét lại kiến nghị này.

Đáng chú ý, Bộ Tư pháp còn đề nghị làm rõ cơ sở pháp lý của kiến nghị này vì ACV là một Công ty Cổ phần, không phải là cơ quan Nhà nước để thay mặt Nhà nước thực hiện lựa chọn nhà đầu tư để đầu tư, xây dựng, nâng cấp các cảng hàng không.

“Việc lựa chọn nhà đầu tư để đầu tư, xây dựng, nâng cấp các cảng hàng không phải thực hiện theo quy định của pháp luật, đảm bảo công khai minh bạch và hiệu quả. Ngoài ra, báo cáo của Bộ GTVT không có nhiều nội dung mang tính kỹ thuật chuyên ngành, đề nghị Bộ GTVT phải xin ý kiến chuyên gia, nhà khoa học để tiếp tục hoàn thiện”, văn bản của Bộ Tư pháp nêu rõ.

Xem thêm

ACV “hứa” sẽ xong nhà ga T3 Tân Sơn Nhất trong 3 năm

ACV “hứa” sẽ xong nhà ga T3 Tân Sơn Nhất trong 3 năm

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đề nghị Thủ tướng xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thực hiện.

Có thể bạn quan tâm