Cụ thể, điều kiện nhận mức lãi suất 7,85 %/năm của SeABank là mệnh giá tối thiểu từ 100 triệu đồng, kỳ hạn 36 tháng. Đối với kỳ hạn 24 tháng, mức lãi suất là 7,7%.
SeABank không phải là ngân hàng duy nhất đẩy mức huy động lên trên 7%, hiện nay có hơn chục ngân hàng đẩy mức huy động từ 7% - 7,55% cho các kỳ hạn từ 18 tháng đến 36 tháng.
Các ngân hàng như BacABank, BaoVietBank, Nam A Bank, CBBank, PvcomBank, SHB, KienLongBank đều niêm yết trên mức 7,0% cho kì hạn dài 12 tháng trở lên với các điều kiện khác nhau. Cụ thể, SCB với mức lãi suất 7,3% (áp dụng cho khách hàng gửi online), sau đó là NamABank với lãi suất ở mức 7,2% và CBBank ở mức 7,15%.
Tuy nhiên, "Big 4" vẫn duy trì lãi suất ở mức thấp, từ 5,39 - 5,6% cho kỳ hạn 12 tháng.
Ngân hàng nhà nước vẫn chưa có động thái gì sau khi các ngân hàng liên tục tăng mức lãi suất huy động.
Trong Báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô năm 2022 của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định, mặt bằng lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ nhích tăng trong nửa cuối năm 2022.
Các chuyên gia KBSV đưa ra 2 nguyên nhân lý giải cho sự tăng mặt bằng lãi suất huy động này, gồm lạm phát tăng trở lại khiến ngân hàng cần nâng lãi suất huy động để duy trì lãi thực dương đủ hấp dẫn để duy trì tính cạnh tranh. Đồng thời nhu cầu tín dụng tăng khi nền kinh tế phục hồi. Mức tăng nhiều khả năng sẽ tăng 0,5-1%, tương ứng với kịch bản cơ sở lạm phát tăng 3,8%.