Lãi suất liên ngân hàng có thể bật tăng trong tháng 12/2024 và áp lực tỷ giá dần suy yếu

Lãi suất liên ngân hàng có thể tăng trong tháng 12 trong bối cảnh nhu cầu thanh khoản cao hơn vào cuối năm, nguyên nhân đến từ việc Chính phủ có khả năng đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và áp lực từ khả năng tín dụng tăng tốc...

Lãi suất liên ngân hàng có thể bật tăng trong tháng 12/2024 và áp lực tỷ giá dần suy yếu

Trong báo cáo trái phiếu tiền tệ tháng 11, Chứng khoán Vietcap dự báo lãi suất liên ngân hàng có thể tăng trong tháng 12 trong bối cảnh nhu cầu thanh khoản cao hơn vào cuối năm.

Theo Vietcap, nguyên nhân đến từ việc Chính phủ có khả năng đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong tháng cuối cùng của năm. Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết tháng 11/2024, ước cả nước giải ngân được trên 410.953 tỷ đồng, đạt 54,8% tổng kế hoạch; đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Đồng thời, lãi suất liên ngân hàng cũng chịu áp lực từ khả năng tín dụng tăng tốc vào cuối năm. Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 7/12, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, đến ngày 29/11, tăng trưởng tín dụng đạt 11,9% nhưng đến ngày 7/12 đã đạt 12,5%. Trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15%.

Trước đó, vào giữa tháng 11, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm từng vọt tăng lên khoảng 5,2%/năm. Cuối tháng 10, lãi suất từng ở mức 3,4%/năm. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng nghiệp vụ OMO và tín phiếu giúp giảm bớt áp lực thanh khoản, đưa lãi suất qua đêm về 3,2%/năm vào cuối tháng 11.

Cập nhật đến ngày 9/12, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm, một tuần và một tháng lần lượt ở mức 4,03%/năm, 4,21%/năm và 4,76%/năm, tiếp tục tăng nhẹ so với ngày 6/12 hay cuối tháng 11.

Trong tháng 11, Ngân hàng Nhà nước đã cho các ngân hàng thương mại vay 315.000 tỷ đồng thông qua nghiệp vụ OMO, trong khi 297.000 tỷ đồng đáo hạn trong tháng. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành 21.400 tỷ đồng tín phiếu, trong khi 90.500 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.

Do đó, trong tháng 11, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng 87.100 tỷ đồng thông qua tín phiếu và OMO. Trước đó vào tháng 10, Ngân hàng Nhà nước từng hút ròng 124.000 tỷ đồng.

Về tỷ giá, Vietcap cho biết đồng USD mạnh lên có thể tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá USD/VND. Tuy nhiên, các chuyên viên phân tích cho rằng một số yếu tố có thể giúp hạ nhiệt tỷ giá vào cuối năm.

Cụ thể, Vietcap kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 12 (phù hợp với dự báo đồng thuận hiện tại của thị trường). Ngoài ra, nguồn cung ngoại tệ vào Việt Nam tiếp tục dồi dào từ thặng dư thương mại, dòng vốn FDI và kiều hối, đồng thời thâm hụt thương mại dịch vụ ngày càng thu hẹp.

Nhìn lại diễn biến trên thị trường tiền tệ tháng vừa qua, báo cáo do Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) mới công bố cho thấy, chỉ số DXY đo lường sức mạnh của đồng USD so với 6 loại tiền tệ khác lên mức cao nhất trong hai năm sau chiến thắng của ông Trump, đạt 107,6 điểm.

Đồng bạc xanh được hỗ trợ bởi chiến dịch “Red Sweep”, diễn ra khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng và đảng Cộng hòa giành được quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội. Việc đảng Cộng hòa giành chiến thắng toàn diện giúp mở đường cho vị tân Tổng thống thực hiện các cam kết giảm thuế và áp đặt thuế quan rộng rãi đối với hàng nhập khẩu. Đây là những biện pháp được cho là sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát và có khả năng sẽ kéo theo việc lãi suất sẽ được duy trì ở mức cao tại Mỹ.

Ngoài ra, yếu tố khác cũng góp phần vào sự tăng giá của USD là việc nền kinh tế tăng trưởng ổn định với tỷ lệ thất nghiệp ổn định ở mức 4,1%, chỉ số PMI dịch vụ tăng lên mức cao nhất trong 32 tháng là 57, chi tiêu tiêu dùng tăng 3,5% và lạm phát nhìn chung hạ nhiệt đáng kể.

a.png

Do đó, các quan chức của Fed gần đây cũng tiết lộ rằng họ sẽ cắt giảm lãi suất với tốc độ chậm hơn khi nền kinh tế không cho thấy bất kỳ tín hiệu đáng lo ngại nào.

Trước đó, vào đầu tháng 11, Fed hạ lãi suất 25 điểm cơ bản và đưa phạm vi lãi suất về mức 4,5 - 4,75% nhưng khả năng cắt giảm lãi suất trong tháng 12 là không chắc chắn do lo ngại về những chính sách của ông Trump nhiều khả năng sẽ làm lạm phát bùng phát trở lại và buộc Fed phải duy trì chính sách thắt chặt trong thời gian dài hơn. Do đó, những điều này đã giúp củng cố vị thế của đồng USD, đẩy chỉ số DXY tăng gần 2% trong tháng lên mức 106 vào cuối tháng 11.

Sự hồi phục mạnh mẽ của đồng USD trong tháng qua tạo áp lực đáng kể lên tỷ giá USD/VND và đẩy tỷ giá liên ngân hàng tăng vọt lên 25.346 VND/USD vào cuối tháng 11.

Tỷ giá thị trường tự do cũng tăng lên mức 25.740 VND/USD, trong khi tỷ giá trung tâm niêm yết tại 24.251 VND/USD, tăng lần lượt 4% và 1,7% so với đầu năm 2024.

"Chúng tôi cho rằng áp lực lên tỷ giá sẽ giảm trong thời gian tới nhờ vào các biện pháp can thiệp của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, quá trình này sẽ diễn ra ở mức độ khiêm tốn, vì các chính sách được tân Tổng thống Mỹ đề xuất sẽ giúp đồng USD giữ đà tăng giá và khiến gia tăng áp lực lên tỷ giá hối đoái", nhóm phân tích của MBS nhìn nhận.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Đổi tiền online: Cẩn thận “tiền mất, tật mang”

Đổi tiền online: Cẩn thận “tiền mất, tật mang”

Dịp cận Tết là cơ hội cho các loại hình kinh doanh tiền mới, tiền có seri đẹp, tiền lưu niệm độc lạ để làm lì xì hoặc quà Tết, nhưng những dịch vụ này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng...

Thông tư 02 hết hiệu lực, nợ xấu ngân hàng tăng nhanh?

Thông tư 02 hết hiệu lực, nợ xấu ngân hàng tăng nhanh?

Từ tháng 1/2025, các ngân hàng sẽ chính thức không còn áp dụng Thông tư 02 khi văn bản này hết hiệu lực vào cuối tháng 12/2024, nhiều nghi vấn đặt ra rằng điều này có ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của các ngân hàng trong tương lai hay không...

Ngân hàng SHB giữ lãi suất tiết kiệm ổn định trong tháng 1/2025

Ngân hàng SHB giữ lãi suất tiết kiệm ổn định trong tháng 1/2025

Khảo sát tại ngân hàng SHB đầu tháng 1/2025, khung lãi suất tiết kiệm tại quầy và trực tuyến dành cho khách hàng cá nhân của ngân hàng này được duy trì ổn định tại các kỳ hạn. Theo đó, 6,1%/năm là mức lãi suất cao nhất ghi nhận được tại ngân hàng này…