Cơn sốt của tỷ giá đã dịu lại
Từ đầu tháng 7 tới nay, tỷ giá VND/USD không ngừng tăng trên thị trường ngân hàng. Trên thị trường chợ đen, giá USD đã vượt 24.000 VND/USD. Tại Vietcombank, giá USD bán ra ngày 18/7 là 23.590 đồng/USD, tăng gần 4,2% so với đầu năm. Tâm lý lo lắng trong bối cảnh Fed chuẩn bị họp công bố điều chỉnh tăng lãi suất và Chỉ số USD Index tăng lên mức cao nhất 20 năm và đã chạm mức 108 điểm là nguyên nhân khiến tỷ giá trong nước tăng vọt.
Tuy nhiên, cuối tuần qua, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chính thức tăng lãi suất thêm 0,75%, tỷ giá trong nước đã dần hạ nhiệt. Tại Vietcombank, tỷ giá USD được niêm yết là 22.640 - 23.500 đồng/USD (mua vào/bán ra), tức chỉ tăng 2,5% so với mức giá niêm yết của ngân hàng này hồi đầu năm. Trên thị trường thế giới, Chỉ số USD Index cũng giảm xuống quanh mốc 105 điểm, trước đó USD đã tạo đỉnh trong tháng bảy với mốc 109.3 điểm.
Trong bối cảnh đồng tiền của các nước trên thế giới đều mất giá mạnh so với USD (yên Nhật mất giá 20%, euro mất giá 12%, GBP (bảng Anh), THB (bạt Thái), won (Hàn Quốc) cũng đồng loạt giảm hơn 10%...), thì Việt Nam là một trong những nước có đồng nội tệ ổn định nhất thế giới.
Sự điều hành linh hoạt từ Ngân hàng nhà nước
Trong tuần trước, Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái linh hoạt trên hoạt động thị trường mở để điều tiết thanh khoản trên thị trường cũng như hạ nhiệt sức ép từ tỷ giá.
Cụ thể, thanh khoản trên hệ thống trong 2 tuần gần đây đã gặp nhiều áp lực. Một phần do tính mùa vụ khi đây thường là thời điểm nộp thuế quý 2/2022 về Kho bạc Nhà nước.
Nhưng quan trọng hơn cả, áp lực khởi phát từ việc ngân hàng thương mại thực hiện các hợp đồng bán USD kỳ hạn và lượng tín phiếu Ngân hàng Nhà nước chưa kịp đáo hạn. Điều này khiến dòng tiền bị rút ra khỏi hệ thống một số lượng nhất định và đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng bật tăng mạnh.
Với bối cảnh như vậy, ngay lập tức, Ngân hàng Nhà nước thực hiện bơm ròng một lượng lớn tiền thông qua hoạt động thị trường mở (OMO) và đồng thời lần đầu tiên thay đổi phương thức đấu thầu trên kênh này, chuyển từ đấu thầu khối lượng sang đấu thầu lãi suất nhằm để thị trường xác định mức lãi suất hợp lý trên kênh này.
Theo đó, lãi suất OMO đã bật tăng mạnh từ mức 2,5% trước đó lên 4,3% cho kỳ hạn 1 tuần. Điều này cho thấy nhà điều hành tiền tệ đang tương đối linh hoạt nhằm điều tiết thị trường và mức lãi suất OMO có thể giảm trở lại khi thanh khoản hạ nhiệt.
Kết tuần, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ra thị trường 58,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó có 46 nghìn tỷ thông qua kênh OMO và gần 13 nghìn tỷ thông qua kênh tín phiếu đáo hạn.
Cũng trong tuần trước, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm từng chốt phiên ở mức 5%/năm. Điều đáng nói, đây cũng chỉ là mức lãi suất bình quân phiên. Thực tế, đã có những giao dịch giữa các thành viên với lãi suất trên 5,1%/năm. Như vậy, chỉ trong khoảng một tháng rưỡi, lãi suất cho vay qua đêm liên ngân hàng đã tăng hơn chục lần. Lãi suất cho vay kỳ hạn một tuần cùng thị trường cũng tăng hơn 5 lần.
Trong hai tuần tới, ước tính có khoảng 85 nghìn tỷ đồng tín phiếu đáo hạn sẽ tiếp tục giúp hạ nhiệt thanh khoản hệ thống. Thế nhưng, lượng OMO phát hành trong tuần trước cũng đáo hạn sẽ tác động tiêu cực tới thanh khoản.