Cuối 2016, việc bán vốn cho đối tác GIC của Singapore không khớp kế hoạch, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) nhanh chóng triển khai bước dự phòng.
Tính toán ban đầu, nếu Vietcombank bán cho GIC 7,73% cổ phần, thì đối tác chiến lược nước ngoài hiện hữu là Mizuho cũng sẽ mua thêm 1,36% cổ phần để bảo toàn tổng tỷ lệ sở hữu 15%. Qua đó, nguồn vốn thu về quá đủ để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo quy định.
Nhưng, như đến nay đã qua, kế hoạch trên đã không khớp dự tính. Tất nhiên Vietcombank không bó tay ngồi nhìn CAR suy giảm mà phải co kéo hoạt động kinh doanh. Ngân hàng này lập tức triển khai bước dự phòng.
Rất nhanh, cuối 2016, Vietcombank liên tiếp phát hành thành công khoảng 8.000 tỷ đồng trái phiếu dài hạn, trong đó có 6.000 tỷ được dùng để tăng vốn cấp 2, nâng CAR lên để chủ động kinh doanh.
Nhưng thế nào là phát hành thành công? Nó không nằm ở quy mô huy động được, mà ở chi phí bỏ ra để huy động.
Khi đó, một lãnh đạo của Vietcombank nói với VnEconomy rằng, đây là kế hoạch có phần bất đắc dĩ, vì họ không thiếu nguồn, thậm chí có nhiều nguồn chi phí thấp, trong khi phát hành trái phiếu dài hạn lãi suất cao hơn (khi đó tính toán vào khoảng 7,5-7,8%/năm), thì chi phí phải trả trong tương lai cao phải cân nhắc kỹ.
Xuyên suốt 2016 cho đến nay, chuyện huy động vốn của các ngân hàng thương mại nhìn chung không khó, thanh khoản luôn đảm bảo, thậm chí có những thời điểm dư thừa. Trong bối cảnh đó, chi phí vốn qua lãi suất huy động, và cả trong sử dụng vốn, càng được cân nhắc kỹ.
Không riêng Vietcombank, có thể thấy một “ví dụ ngược” khác tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).
Nửa đầu 2016, tỷ lệ sử dụng vốn của VPBank khá thấp, dẫn đến hiệu quả sử dụng vốn phải tính toán lại. Lãnh đạo ngân hàng này khi đó giải thích với VnEconomy rằng, họ đã chủ động điều tiết lại nguồn huy động qua lãi suất.
Tức là, để nâng hiệu quả sử dụng vốn, ngân hàng thường đẩy mạnh cho vay ra. Tuy nhiên, muốn đẩy mạnh không dễ theo chủ quan, cũng như không dễ trong một thời điểm ngắn. Theo đó, có một lựa chọn khác là giảm bớt lãi suất huy động để điều tiết bớt nguồn đầu vào, hoặc chí ít là không cạnh tranh bằng lãi suất huy động mà đội thêm chi phí. Nguồn vốn huy động của VPBank nửa đầu 2016 có lúc giảm xuống là vậy.
Ở những trường hợp trên, chi phí huy động được căn ke kỹ. Lãi suất cao tức chi phí sẽ phải trả trong tương lai ở mức cao.
Thế nhưng, từ đầu tháng 3/2017 đến nay, thị trường đón loạt ngân hàng thương mại phát hành kỳ phiếu dài hạn, lãi suất lên tới trên dưới 9%/năm. Theo đó, các ngân hàng phải chấp nhận một mức chi phí cao phải trả trong tương lai dài.
Có những lý do để họ phải huy động vốn như vậy. Dĩ nhiên ngân hàng đã tính toán để không lỗ, mà luôn có chênh lệch từ lãi suất cho vay, cũng như bình quân giá vốn huy động bằng các kỳ hạn ngắn và lãi suất thấp.
Trong diễn biến mới này, có một yếu tố thể hiện: ngân hàng chấp nhận phải trả chi phí cao trong tương lai dài vì một phần phải trả nợ cho quá khứ.
Đó là từ hơn hai năm trước, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 36, đột ngột nâng mạnh giới hạn tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, từ 30% lên tới 60%. Ngay sau đó, tỷ lệ này tăng lên trên toàn hệ thống, trong đó có nhiều trường hợp ở mức khá cao, khoảng 40-50%.
Cuối 2016, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu siết lại giới hạn trên, bắt đầu từ đầu 2017 và lộ trình tiếp theo đầu 2018, lần lượt xuống 50% rồi 40%.
Để đáp ứng giới hạn mới, một là ngân hàng phải hạn chế dần hoặc co bớt tín dụng trung dài hạn; hoặc là tăng mẫu số tổng vốn huy động, đặc biệt là vốn trung dài hạn khi mà các kỳ hạn ngắn lãi suất đã đến trần cho phép.
Ngoài ra, có thể có một tính toán nữa. Thời điểm này, ngân hàng tính toán lãi suất đã qua vùng đáy và có triển vọng tăng lên trong tương lai; theo đó, nắm trước nguồn vốn có chi phí chấp nhận được hiện tại có thể là lợi thế trước khi lãi suất thực sự tăng lên.
Có những tính toán, cân đối đan xen như vậy. Còn điều có thể nhìn thấy qua những diễn biến đó, cho thời điểm hiện nay là: chi phí vay vốn của người dân và doanh nghiệp có thêm áp lực bị đẩy qua dần thời dễ chịu.