Lãi suất ngân hàng sẽ tác động đến bất động sản cuối năm 2017

Ngoài nguồn vốn trong nước, thì nguồn vốn ngoại đang là trợ lực tiếp sức cho thị trường BĐS nước ta tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Lãi suất ngân hàng sẽ tác động đến bất động sản cuối năm 2017

Lãi suất ngân hàng sẽ tác động đến thị trường BĐS những tháng nửa cuối năm 2017

Hiện nay, BĐS là ngành đứng thứ 4 thu hút nguồn vốn FDI tính từ đầu năm đến nay. Khi xét đến nguồn vốn trong nước, các chủ đầu tư dự án và nhà đầu tư hay người mua mua nhà có nhu cầu thực sử dụng trên 50% nguồn vốn vay từ Ngân hàng. Trong đó, có sự hỗ trợ rất lớn từ chính sách lãi suất tích cực của Ngân hàng Nhà nước.

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA), hoạt động kinh doanh BĐS 6 tháng đầu năm nay tăng 3,86%, theo Tổng cục Thống kê đánh giá thì đây là mức tăng cao nhất trong 5 năm gần đây. Số lượng giao dịch tiếp tục ổn định, tính thanh khoản tốt lên, hàng tồn kho giảm, cơ cấu hàng hóa được điều chỉnh để phù hợp hơn với nhu cầu thị trường.

Tại Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng BĐS cuối năm 2017” diễn ra ngày 16/8/2017 tại TP.HCM, các chuyên gia cùng các đại biểu tham dự đã thảo luận và nhấn mạnh tới việc “Lãi suất ngân hàng sẽ tác động đến thị trường BĐS những tháng nửa cuối năm 2017”.

Thực trạng lãi suất năm 2016 và 7 tháng đầu năm 2017

Kết thúc năm 2016, mặt bằng lãi suất trên thị trường tài chính cơ bản được giữ ổn định, đặc biệt, lãi suất cho vay có xu hướng giảm nhẹ với một số nhóm đối tượng khách hàng phù hợp với chủ trương của Chính phủ về giảm lãi suất cho vay, nhằm khuyến khích sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế. Bước sang năm 2017, mặt bằng lãi suất tiếp tục được duy trì ổn định như năm 2016, lãi suất huy động và cho vay các kỳ hạn dài biến động tăng khoảng 0,5-1%.

Mặc dù lãi suất huy động tăng nhẹ nhưng lãi suất cho vay trong năm 2016 khá ổn định, thậm chí giảm nhẹ đối với nhóm khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn và 9-10%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3- 11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay có thể từ 4-5%/năm. Điều này phù hợp với chủ trương của Chính phủ về giảm lãi suất cho vay nhằm khuyến khích sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế.

Trong quý I/2017, lãi suất huy động ghi nhận mức tăng cục bộ khoảng vài chục điểm cơ bản ở các kỳ hạn tại một số ngân hàng vừa và nhỏ. Tuy nhiên, khi xét chung cả hệ thống, mặt bằng lãi suất huy động không có nhiều thay đổi so với đầu năm, trần lãi suất huy động 5,5% cho các kỳ hạn dưới 6 tháng được đảm bảo, phổ biến trong khoảng 4,3%- 5,5%/năm. Lãi suất huy động từ 6 tháng đến dưới 12 tháng trong khoảng 5,3% - 7%/năm, từ 12 tháng trở lên trong khoảng 6,5% - 8%/năm.

Trong khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay khá ổn định, phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6%-7%/năm đối với ngắn hạn (kể từ ngày 10/7/2017 trần lãi suất cho vay này chỉ còn 6,5%/năm) và 9%- 10%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8%- 9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3%-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay từ 4%- 5%/năm.

Áp lực tăng lãi suất huy động cục bộ tại một số ngân hàng có thể đến từ việc một số ngân hàng trong giai đoạn gần đây liên tục phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao, làm gia tăng đáng kể áp lực cạnh tranh huy động nhằm mục đích tăng vốn và đáp ứng các tỷ lệ an toàn.

Bên cạnh đó, đối với các ngân hàng, áp lực còn đến từ việc thiếu hụt thanh khoản. Cùng lúc lãi suất liên ngân hàng luôn được giữ ở mức cao khiến các ngân hàng này gặp khó khăn với việc tiếp cận nguồn vốn trên thị trường liên ngân hàng. Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng tốt hơn cùng kỳ cũng được xem là một trong số nguyên nhân khiến nhu cầu huy động tăng trưởng.

Mặc dù vậy, áp lực tăng lãi suất huy động đã chỉ diễn ra cục bộ tại các một số ngân hàng. Những tháng đầu năm có hiện tượng một số ngân hàng tăng lãi suất huy động, chủ yếu là ở các kỳ hạn trên 12 tháng. Trong đó, đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng tín dụng vào BĐS đã chậm lại. Các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ như cho vay nông nghiệp công nghệ cao, cho vay ngành chăn nuôi… đã được Thống đốc NHNN chỉ đạo phối hợp hỗ trợ kịp thời.

Đến ngày 15/8/2017, thanh khoản hệ thống quá dồi dào, nhu cầu vay giảm mạnh, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm sâu kỷ lục, chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn. Lãi suất qua đêm vài tuần qua xoay quanh 0,45-0,7%/năm và kỳ hạn dưới 2 tuần chỉ ở mức dưới 1%/năm với tỷ lệ gần 90% tổng giao dịch trên thị trường liên ngân hàng. Trên thị trường 1 (thị trường giao dịch giữa ngân hàng và người dân/doanh nghiệp), lãi suất huy động cũng bắt đầu giảm nhẹ ở tất cả các kỳ hạn tuỳ theo từng ngân hàng từ 0,1-0,3%.

Tổng cục Thống kê vừa cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,11% so với tháng trước. CPI bình quân 7 tháng đầu năm 2017 tăng 3,91% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, NHNN cũng đã quyết định giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên và giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành bắt đầu từ ngày 10/7/2017. Mức lạm phát dưới 4% và việc giảm lãi suất đồng loạt của hệ thống ngân hàng vừa qua được xem là tín hiệu rất tích cực trong việc giảm lãi suất trong thời gian tới của hệ thống ngân hàng đối với thị trường nói chung và thị trường BĐS nói riêng.

Tác động của xu hướng lãi suất đến thị trường BĐS những tháng cuối năm 2017

Theo TS.Bùi Quang Tín - Khoa Quản trị kinh doanh, ĐH Ngân hàng TP.HCM: “Thông tin giảm lãi suất không chỉ khiến các chủ đầu tư, nhà thầu tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ hơn mà còn là cơ hội để nhiều khách hàng chuyển hướng sang quan tâm nhiều hơn nữa đối với BĐS sau khi thị trường đang hồi sinh trở lại kể từ năm 2014 đến nay. Từ đó, mức lãi suất hấp dẫn sẽ giúp cho thị trường BĐS hồi phục mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, vì bản thân các doanh nghiệp BĐS khi hoạt động cũng chủ yếu dựa trên nguồn vốn đi vay ngân hàng và người mua nhà cũng phải vay tiền, nên ngành này nhận được tác động tích cực kép”.

“Về phía người mua, việc giảm lãi suất cho vay chắc chắn sẽ tác động đến tâm lý những người có nhu cầu thực. Thay vì chờ đợi giá giảm và gửi tiền vào ngân hàng để lấy lãi suất như trước kia, sẽ có nhiều người tìm kiếm và tận dụng cơ hội hưởng các ưu đãi như: dành cho người đăng ký sớm tại các dự án có vị trí đẹp, mức giá hợp lý, thậm chí khách hàng chỉ cần trả trước 30% gía trị căn hộ cho đến khi nhận nhà thì mới thanh toán đủ cho chủ đầu tư”, TS Bùi Quang Tín, cho biết thêm.

Không chỉ xu hướng lãi suất của những tháng còn lại của năm 2017 giảm mà định hướng về lãi suất trong các năm tiếp theo cũng theo hướng giảm đồng bộ các loại lãi suất trên thị trường (lãi suất huy động, cho vay, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng) cùng với nhiều chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ và các cơ quan chức năng, từ đó sẽ càng làm cho thị trường BĐS phát triển mạnh mẽ, ổn định và tính thanh khoản ngày càng dồi dào hơn trong những tháng nửa cuối năm 2017.

Theo ông Ngô Quang Phúc - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM: “Có 5 điểm nghẽn tác động làm giảm nguồn cung BĐS, gồm: Tiền sử dụng đất; Giải phóng mặt bằng; Chuyển nhượng dự án BĐS; Chính sách tín dụng; Thủ tục hành chính”.

“Trong đó, thị trường tín dụng với lãi suất giảm có tác động rất lớn tới thị trường BĐS trong những tháng cuối năm 2017. Hiện nay, đang là thời điểm tốt nhất để người mua nhà lựa chọn được sản phẩm BĐS ưng ý, đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu với nguồn cung đa dạng, phong phú”, ông Ngô Quang Phúc, cho biết thêm.

Theo Bình An Đức/Báo Xây dựng

>> M&A ngân hàng: Rộng cửa cho nước ngoài!

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội đồng Thành viên CBBank, đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Vietcombank từ ngày 16/1/2025, đánh dấu sự trở lại sau gần 10 năm rời ngân hàng này để tái cấu trúc CBBank...

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...