Cụ thể, theo biểu lãi suất tiết kiệm mới của Techcombank, ngân hàng này đã điều chỉnh giảm một loạt mức lãi suất huy động ở các kỳ hạn 6 tháng trở lên so với tháng cuối năm 2022.
Hiện mức lãi suất huy động cao nhất ở ngân hàng này là 9,2%/năm áp dụng với các khoản tiền gửi 6 tháng trở lên với khoản tiền 3 tỷ đồng của nhóm khách hàng Private/VIP 1. Trong khi trước Tết, con số này là 9,5%/năm. Với các khách hàng thông thường gửi kỳ hạn 6 tháng, mức lãi suất ngân hàng đưa ra là 8,5%/năm, giảm 0,4 điểm phần trăm .
Không riêng Techcombank, ngân hàng Sacombank cũng đã điều chỉnh giảm lãi suất ở nhiều kỳ hạn so với tháng trước.
Trên kênh quầy, mức lãi suất tiết kiệm cho các khoản tiền gửi từ 1 đến 4 tháng lĩnh lãi cuối kỳ hiện nay là 5,7-5,95%/năm, giảm 0,05 - 0,3 điểm phần trăm so với tháng trước, trong khi các kỳ hạn gửi 6 tháng trở lên không thay đổi.
Trước đây, mức lãi suất tiết kiệm tối đa mà ngân hàng này huy động là 9,8%/năm. Tuy nhiên, đến nay, lãi suất cao nhất chỉ còn 9,2%/năm áp dụng cho tiền gửi online, kỳ hạn từ 15 đến 36 tháng.
Tương tự, lãi suất tối đa ngân hàng Vietcapital Bank đưa ra hiện nay là 9%/năm, áp dụng với tiền gửi online 12 tháng trở lên. Ở các kỳ hạn thấp hơn, mức lãi suất ngân hàng này đưa ra lần lượt là 8,6%/năm với kỳ hạn 6 đến 8 tháng, 8,8%/năm với kỳ hạn 9 đến 11 tháng, đều giảm 0,2 - 0,5 điểm phần trăm.
Về phía ngân hàng PVcomBank cũng có hiện tượng tương tự. Trước đây, lãi suất tiết kiệm cao nhất ở ngân hàng này là 9,9%/năm dành cho khách hàng gửi tiền qua kênh online theo hình thức tiền gửi bậc thang, kỳ hạn 36 tháng. Tuy nhiên, đến hiện tại, loại sản phẩm này chỉ còn lãi suất 9,5%/năm.
Bên cạnh đó, một loạt ngân hàng đã điều chỉnh giảm biểu lãi suất tiết kiệm trong tháng này như DongABank (từ 9,85%/năm xuống còn 9,5%/năm); BacABank (từ 9,8%/năm xuống còn 9,5%/năm)…
Trong khi đó, với nhóm ngân hàng cổ phần nhà nước là VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank mặt bằng lãi suất huy động vẫn duy trì ổn định so với cuối năm 2022. Hiện lãi suất tiền gửi tại quầy kỳ hạn từ 6 đến 11 tháng tại nhóm ngân hàng này phổ biến trong khoảng 6-6,1%/năm, với kỳ hạn trên 12 tháng là 7,4%/năm.
Trên kênh online, VietinBank và BIDV đều có chung mức lãi suất cao nhất là 8,2%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 12 đến 24 tháng.
Dự báo về mức lãi suất tiết kiệm năm 2023, nhiều chuyên gia cho biết mặt bằng lãi suất ngân hàng sẽ có xu hướng giảm dần trong năm nay, nhất là từ nửa cuối năm.
Trong phát biểu gần đây với báo chí, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, năm 2023 cơ quan này sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát; góp phần ổn định vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành lãi suất phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô, diễn biến lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ, hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.