Làm gì để DN tư nhân thoát ‘vòng luẩn quẩn’?

Trước thềm “Hội nghị Diên Hồng” Thủ tướng với doanh nghiệp 2017, tổ chức vào ngày 17/5, nhiều ý kiến tiếp tục đề xuất giải pháp với Chính phủ để phát triển khu vực DN tư nhân.

Theo ông Hoàng Quang Đông - Giám đốc Công ty NHH Hoàng Minh Châu (Hưng Yên): Trong những năm qua, số lượng các DN tư nhân ngày càng tăng mạnh, song vòng luẩn quẩn nhỏ lẻ, nguồn lực hạn chế, dẫn đến khó tiếp cận vốn, đất đai đang khiến quy mô nhiều DN tư nhân giậm chân tại chỗ, khó đầu tư sản xuất lớn.

Do vậy, các DN tư nhân rất cần sự hỗ trợ bằng những giải pháp cụ thể, trong đó có việc hỗ trợ tiếp cận tín dụng.

"Bởi bản thân DN tôi hiện đang vay vốn với lãi suất 8%/năm mà chỉ được vay ngắn hạn. Rất mong lãi vay ngân hàng đối với DN tư nhân nên giảm từ 1 - 2% và nên hỗ trợ DN được vay dài hạn hơn, tiếp cận tín dụng dễ hơn để có kế hoạch đầu tư lâu dài” - ông Đông bày tỏ.

Từ một góc nhìn khác ông Nguyễn Trung Anh - Giám đốc R&D Tập đoàn PAN kiến nghị: Chính phủ cần kiến tạo và định hướng nguồn lực chứ không nên theo hướng kiểm soát và phân bổ nguồn lực.

Ông dẫn chứng, hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo nghiên cứu gói tín dụng hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao từ 60.000 - 100.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc triển khai như thế nào đến nay vẫn chưa rõ ràng. Cần phải làm rõ cơ chế phân bổ, điều kiện nhận hỗ trợ gói tín dụng này như thế nào để tránh tình trạng DN lập dự án để xin hỗ trợ mà không hiệu quả.

Ông Nguyễn Trung Anh đề xuất, trong thời gian tới nên dùng chính sách ưu đãi thuế để định hướng nguồn lực thay vì phân bổ nguồn lực qua gói tín dụng ưu đãi cho các DN.

Liên quan đến phát triển DN khu vực tư nhân, theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, 3 hướng quan trọng thúc đẩy phát triển DN, đó là mục tiêu chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN, thúc đẩy khởi nghiệp và liên kết chuỗi.

Cụ thể là, chế độ kế toán, thuế cần đơn giản, phù hợp để thúc đẩy các hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN. Bên cạnh đó, có chính sách thúc đẩy khởi nghiệp, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ở các địa phương. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ liên kết, đặc biệt sự liên kết giữa các DN nhỏ và vừa với DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Chủ tịch VCCI cho rằng, nếu thực hiện được 3 nhiệm vụ trên, thì mục tiêu có 1 triệu DN hoạt động hiệu quả vào năm 2020 mới thành hiện thực.

>> Kiến tạo không gian cho kinh tế tư nhân

Có thể bạn quan tâm