Làn sóng di cư ra thành phố và thế hệ 61 triệu đứa trẻ “bị bỏ rơi” ở Trung Quốc

Với số lượng trẻ bị bỏ quên gần tương đương với dân số của Anh, Trung Quốc đang đối diện với nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng tiềm ẩn khả năng gây mất ổn định xã hội.
Làn sóng di cư ra thành phố và thế hệ 61 triệu đứa trẻ “bị bỏ rơi” ở Trung Quốc

Cuộc sống của cậu bé Huang Yuzhong đã thay đổi mãi mãi khi mà chỉ còn vài ngày nữa đến ngày sinh nhật tám tuổi của em. Một buổi sáng tháng Ba vào năm 2005, khi đó Trung Quốc vẫn còn đang là mùa xuân, em thức dậy buổi sáng, và khác với thường ngày, em không thể tìm thấy cha mẹ của mình nữa, SCMP tường thuật.

Em hỏi ông bà nội : “Bố mẹ cháu đâu?” Bà em trả lời, giọng run run và đôi mắt đỏ hoe: “Đi ra thành phố rồi. Bố mẹ cháu đi kiếm tiền mua kẹo cho cháu.”

Cậu bé òa khóc và đập tay ầm ầm lên bàn. Bà em hét lên: “Đừng khóc nữa, ăn đi.” Bà đưa cho em một bát cơm.

Biết rằng có khóc thêm cũng không được gì, cậu bé ngừng khóc và ngồi ăn cơm. Em hỏi bà: “Thế bố mẹ cháu đi đâu hả bà?” Bà trả lời: “Đến một nơi có tên là Quảng Đông, bà nghĩ thế.” Cả cuộc đời bà cũng chưa đi đâu ra khỏi thị trấn nên cũng chẳng thể biết Quảng Đông là nơi nào.

Cậu bé Yuzhong thì khác, cậu được nghe nói về Quảng Đông khá nhiều lần bởi bố mẹ của bạn bè cậu cũng đã đến đó làm việc. Cậu hiểu Quảng Đông là một nơi nào đó xa mãi tận chân trời, một nơi giàu có hơn rất nhiều so với quê hương của cậu.

Gia đình của Yuzhong sống ở một trong những ngôi làng nghèo nhất tại Trung Quốc. Mỗi ngày, cậu bé tự đi bộ đến trường, hết giờ học, cậu lang thang với đám bạn cùng làng. Tất nhiên chúng chẳng được ai chăm nom, vì vậy không biết sợ. Chúng cùng nhau trèo cây, bơi suối. Yuzhong chỉ về nhà khi nào đói bụng.

Trước đây khi mẹ còn ở nhà, cậu bé Yuzhong được ăn ngon. Cậu rất mong đến bữa tối khi mà ông bà, bố mẹ và cả anh trai tụ tập quanh mâm cơm, nói chuyện về ngày hôm đó. Và giờ đây thì sao? Cứ ngồi xuống mâm cơm, cậu bé lại khóc.

Yuzhong là một đứa trẻ thuộc một thế hệ mới hình thành ở Trung Quốc, người ta gọi đó là thế hệ mất mát hoặc thế hệ bị bỏ rơi.

Theo số liệu thống kê của chính phủ Trung Quốc, trên khắp đất nước hiện có khoảng 9,02 triệu trường hợp như Yuzhong: những đứa trẻ nông thôn bị cả hai cha mẹ bỏ lại để ra thành phố làm việc, các em không nhận được sự chăm sóc của cha mẹ. Và nếu tính tất cả các trường hợp có ít nhất một người cha hoặc một người mẹ ra thành phố làm việc, con số này lên tới 61 triệu.

Câu chuyện của những đứa trẻ như thế này lại được truyền thông nhắc đến sau khi vào tuần trước, cộng đồng mạng Trung Quốc đồng loạt chia sẻ nhau bức ảnh cậu bé Wang Fuman 8 tuổi bị băng đóng đầy trên tóc và lông mày. Cậu bé Wang Fuman đã đi bộ 4,5 km dưới tiết trời băng giá âm 9 độ C để đi học.

Câu chuyện cảm động về cậu bé này đã khiến các nhà hảo tâm quyên góp khoảng 300 nghìn USD cho trẻ em nghèo ở Trung Quốc.

Thế nhưng, câu chuyện có kết thúc có hậu như trên vốn vô cùng hiếm hoi. Với số lượng trẻ bị bỏ quên gần tương đương với dân số của Anh, Trung Quốc đang đối diện với nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng tiềm ẩn khả năng gây mất ổn định xã hội.

Tháng 6/2017, bốn đứa trẻ trong cùng một gia đình có cha mẹ bỏ ra thành phố làm việc đã cùng uống thuốc sâu tự tử. Tháng 11/2012, 5 đứa trẻ đã chết ngạt bởi chúng cùng đốt lửa sưởi ấm khi đang chui trong một thùng rác to.

Tình trạng những đứa trẻ bị bỏ rơi đặc biệt tồi tệ ở tỉnh An Huy, Hà Nam và Tứ Xuyên, ba tỉnh có lượng người lao động ra thành phố làm việc cao nhất nước. 44% trẻ em tại các tỉnh này sống trong gia đình không có bố hoặc mẹ. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với mức trung bình 35,6% trên toàn Trung Quốc.

Việc mất đi cấu trúc gia đình truyền thống có thể dẫn đến rất nhiều vấn đề tâm lý và sức khỏe của con trẻ, theo nhận xét của nhóm nghiên cứu Shang Xue Lu Shang và trường đại học Bắc Kinh.

Còn đối với cậu bé Yuzhong được nhắc đến ở đầu bài, khi cha mẹ em ra đi, cuộc sống hạnh phúc, an nhiên của em chấm dứt. Em phải làm nhiều việc giúp ông bà. Sau khi hết giờ học, em phải cho trâu, cho lợn ăn, đi kiếm củi trong rừng. Rồi em học nấu nướng.

Bản thân em không ngại làm việc nhà, nhưng em luôn cảm thấy cuộc sống thật trống vắng khi thiếu đi cha mẹ. Em cảm thấy rất tủi thân khi những bạn đồng trang lứa khác được bố mẹ đưa đến trường mỗi ngày, còn em có lẽ sẽ không bao giờ có lại niềm hạnh phúc đó.

Bố mẹ xa nhà, ông bà không quản lý nổi vì sức khỏe yếu, cậu bé Yuzhong ban đầu học khá nhưng ngày một sa sút. Anh trai cậu bé không đủ điều kiện để học cao hơn, cuối cùng cũng đến một tỉnh khác để làm công nhân. Yuzhong lớn dần lên về thể chất nhưng không được dậy dỗ, thường xuyên bỏ nhà đi chơi.

Sau này, khi ông bà qua đời, anh trai đi làm ở xa, Yuzhong còn tuột dốc hơn nữa. Cuối cùng, khi quá nhiều điều tiếng đến tai bố mẹ cậu bé, bố mẹ cậu đã quyết định trở về nhà khi cậu 13 tuổi.

Họ làm nông nghiệp trở lại, đồng thời kiếm được công việc tại nhà máy trả mức lương khá thấp nhưng giúp họ có thể trở về nhà mỗi tối. Yuzhong lại trở thành một đứa con ngoan, em không bỏ nhà đi nhiều như trước. Tuy nhiên, quãng thời gian bỏ học trước đây không thể bù đắp lại được, Yuzhong không thể tốt nghiệp được trung học.

Cùng làng với cậu, nhiều thanh niên khác cũng như vậy. Cuộc sống của họ chỉ đơn giản xoay quanh những công việc bán thời gian trong thị trấn rồi trở về nhà, uống rượu, đá bóng và tắm sông…như họ từng làm trước đây.

Nhiều khi Yuzhong nghĩ lại, nếu trước đây cha mẹ cậu không bỏ quê hương đi thì sao? Hẳn cậu đã được quan tâm, dậy dỗ nhiều hơn, có thể đã tốt nghiệp trung học và có tương lai sáng sủa hơn.

 Theo Bizlive

Có thể bạn quan tâm

Madam Pang sở hữu bộ sưu tập hàng hiệu đồ sộ

Người đứng sau đế chế Hermes tại “xứ chùa Vàng”

Madam Pang được người hâm mộ bóng đá biết đến là Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Thái Lan, nhưng có thể nhiều người chưa biết, bà còn là nữ doanh nhân đứng sau “đế chế” thời trang đồ hiệu xa xỉ trên đất Thái…

Rủi ro tiềm ẩn khi chơi Pickleball

Rủi ro tiềm ẩn khi chơi Pickleball

Mặc dù mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ, nhưng bộ môn thể thao Pickleball cũng tiềm ẩn những nguy cơ gây chấn thương khó lường…