Hành khách bay tại Cam Ranh ngày 16/6
Trước đó, ngày 14/6, hàng loạt chuyến bay của Vietjet bị hủy hoặc chậm chuyến kéo dài tại nhiều sân bay khiến hành khách bức xúc. Tình trạng này tiếp diễn ở những ngày sau đó.
Đến ngày 15/6, Vietjet phát thông cáo báo chí cho biết trong hai ngày 14 và 15/6, do ảnh hưởng của việc trễ kế hoạch nhận máy bay mới và nguyên nhân khai thác, một số chuyến bay của Vietjet đã phải điều chỉnh thời gian khởi hành.
Theo số liệu phóng viên thu thập được, tình trạng hủy chuyến chậm chuyến Vietjet đang diễn ra khá trầm trọng trong thời gian gần đây.
Cụ thể ngày 12/6/2019, Vietjet lên lịch tổng cộng 531 chuyến bay toàn mạng, hủy 83 chuyến, thực tế khai thác 448 chuyến. Ngày 19/6/2019, Vietjet lên lịch tổng cộng 530 chuyến bay toàn mạng, hủy 162 chuyến, thực tế khai thác 368 chuyến. Như vậy, so với thứ 3 tuần trước thứ 3 tuần này, Vietjet hủy nhiều hơn 80 chuyến, số bay thực tế tương ứng giảm 17,86%.
Việc Vietjet liên tục chậm, hủy chuyến hàng loạt thời gian gần đây, đã đặt ra nghi vấn phi công đình công, do phải làm việc quá giờ quy định, gây ảnh hướng trực tiếp đến an toàn bay.
Về việc này, trả lời trên tờ Tuổi Trẻ, Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng cho biết trong Chương trình đánh giá tối thiểu an toàn hàng năm về việc giám sát giấy chứng nhận người khai thác tàu bay (AOC) đối với Công ty cổ phần Hàng không Vietjet, Cục Hàng không Việt Nam đã kiểm tra thời gian làm nhiệm vụ, thời gian nghỉ ngơi đối với thành viên tổ bay theo quy định tại phần 15 Bộ Quy chế an toàn hàng không lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay.
Kết quả cụ thể, nhiều trường hợp phi công của Vietjet không tuân thủ đúng chế độ làm việc, nghỉ ngơi theo quy định, vượt quá quy định về thời gian tối đa phi công được phép làm nhiệm vụ bay trong 28 ngày là 100 giờ bay.
Nguyên nhân ban đầu, theo Vietjet, do trong quá trình chuyển đổi và sử dụng hệ thống phần mềm phân lịch bay mới, Vietjet đã gặp một số khó khăn trong công tác theo dõi dữ liệu dẫn đến không kiểm soát tốt giới hạn thời gian làm nhiệm vụ bay của phi công.
Mới đây, Thủ tướng đã yêu cầu báo cáo thực trạng thiếu hụt phi công. Cụ thể, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giao thông vận tải báo cáo tổng thể về nhân lực ngành hàng không.
Theo đó, trong ý kiến chỉ đạo ngày 14/6, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải báo cáo tổng thể về nhân lực ngành hàng không trước tình trạng thiếu nhân lực cản trở sự phát triển của ngành. Bộ này cần báo cáo Thủ tướng trong tháng 6.
Chỉ đạo của Thủ tướng diễn ra trong bối cảnh thị trường hàng không trong nước đã tăng liên tục nhiều năm gần đây, cùng với thị trường đón nhận thêm những hãng bay mới, đang khiến nguồn nhân lực trong ngành căng thẳng. Đặc biệt là vị trí phi công, kỹ thuật viên tàu bay.