Liên tục thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp, PYN đang chuẩn bị tiền cho thương vụ lớn?

Tiếp tục nhận thêm vốn cùng việc “chốt lời” nhiều khoản đầu tư hiệu quả, PYN Elite Fund đang có trong tay lượng tiền mặt lớn để sẵn sàng cho các khoản đầu tư mới tại thị trường Việt Nam.
Liên tục thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp, PYN đang chuẩn bị tiền cho thương vụ lớn?

Đầu tháng 12 vừa qua, quỹ đầu tư từ Phần Lan PYN Elite Fund đã thông báo bán xong 839.810 cổ phiếu DIG của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng cùng khoảng thời gian giá cổ phiếu này tăng vọt nhờ việc Bộ Xây dựng thoái toàn bộ vốn Nhà nước.

DIG là một trong 5 khoản đầu tư sinh lời nhất trong danh mục cổ phiếu của PYN Elite Fund. Với số cổ phiếu đã “chốt lời” lần này, ước tính PYN Elite Fund thu về gần 17 tỷ đồng. Cũng ngay trong tuần, PYN Elite Fund đã chuyển nhượng hơn 2,13 triệu cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế giới Di động qua Trung tâm lưu ký, ước tính thu về khoảng 280 tỷ đồng.

Hai giao dịch trên đã mang lại một lượng tiền lớn cho PYN Elite Fund. Không lâu trước đó, PYN Elite Fund cũng đã bán ròng hơn 325.000 cổ phiếu HBC và hơn 2 triệu cổ phiếu KBC. Tiền mặt của quỹ này tại thời điểm 15/11 (chưa bao gồm giao dịch bán MWG và DIG) đã tăng lên 892,6 tỷ đồng, trong khi hồi đầu năm chỉ là 237,8 tỷ đồng.

Động thái bán ra hàng loạt cổ phiếu đặt ra nghi vấn về việc quỹ chốt lời tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, trong định hướng của mình, quỹ đầu tư toàn cầu này khẳng định Việt Nam hiện vẫn là thị trường tập trung đầu tư chính của quỹ.

Cuối năm 2016, ngoài 93% cổ phiếu Việt Nam, phần còn lại trong danh mục đầu tư của quỹ gồm cổ phiếu Trung Quốc (4%) và tiền mặt (3%). Tuy nhiên, đến ngày 15/11, danh mục đầu tư của PYN Elite Fund chỉ gồm cổ phiếu Việt Nam và tiền mặt với tỷ trọng 8%.

Theo quỹ này, chỉ số P/B và P/E của Việt Nam đều đang ở mức thấp hơn so với các thị trường mới nổi khác như Thái Lan, Indonesia hay Philippines. Thị trường chứng khoán trong giai đoạn 2008 - 2012 cũng được định giá thấp hơn so với các chỉ số chứng khoán châu Á khác.

Chia sẻ tại sự kiện Gateway to Vietnam 2017 do SSI tổ chức, ông Petri Deryng - Quản lý danh mục đầu tư của quỹ - cho rằng lợi nhuận kỳ vọng cho cả thị trường trong năm nay sẽ vào khoảng 22 - 23% cùng nhận định khá lạc quan rằng VN-Index sẽ chạm mốc 1.500 điểm trong 3 năm tới.

Tiếp tục nhận thêm vốn cùng việc “chốt lời” nhiều khoản đầu tư hiệu quả, PYN Elite Fund đang có trong tay lượng tiền mặt lớn để sẵn sàng cho các khoản đầu tư mới tại thị trường Việt Nam. Tổng giá trị danh mục đã tăng nhanh chóng từ mức 334 triệu EUR (7.926 tỷ đồng) lên 417 triệu EUR (11.250 tỷ đồng), còn lượng tiền mặt tăng gần 4 lần.

Giữ lại một lượng tiền mặt đáng kể mà chưa vội giải ngân, PYN Elite Fund có thể sẵn sàng cho các cơ hội sắp tới. Không riêng quỹ đầu tư này, khối ngoại đã có một năm mua ròng tích cực trên sàn chứng khoán. Nhất là trong tháng 11 vừa qua, khối lượng mua ròng của NĐTNN đạt kỷ lục 10.769 tỷ đồng, trong đó có sự đóng góp đáng kể từ giao dịch cổ phiếu VNM và cổ phiếu mới lên sàn VRE.

Câu chuyện thoái vốn Nhà nước và đưa cổ phiếu lên sàn dự kiến sẽ còn tiếp tục sôi động trong các tháng tới. Việc bán vốn tại nhóm 10 doanh nghiệp do SCIC sở hữu cổ phần, các doanh nghiệp niêm yết thuộc Bộ Công Thương đang được khẩn trương thực hiện. Các quy định chặt hơn cũng sẽ thúc đẩy DNNN cổ phần hóa nghiêm tục thực hiện niêm yết/ đăng ký giao dịch trên sàn sau IPO. Nhiều nhà băng hiện cũng đang “ráo riết” lên sàn theo quy định.

TPBank, Techcombank hay HDBank… đã đánh tiếng lên sàn trong vài tháng tới. Trong đó, TPBank và HDBank đều có kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài trước khi niêm yết. Đây cũng là hai cổ phiếu midcap với mức giá giao dịch trên sàn OTC 23.000 - 30.000 đồng/cp.

Ngân hàng là một trong những ngành có sự hồi phục mạnh mẽ nhất trong năm qua. Cả 2 ngân hàng này đều có mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng và hiện đều đã gia nhập câu lạc bộ các ngân hàng có lãi vượt nghìn tỷ đồng. Trong khi lãi trước thuế 9 tháng của HDBank tăng gần gấp đôi, thì lợi nhuận của TPBank thậm chí còn cao gấp 2,27 lần cùng kỳ. Đến tháng 11, TPBank đã vượt 41% kế hoạch với lợi nhuận trước thuế xấp xỉ 1.100 tỷ đồng. Ngân hàng này dự kiến cả năm sẽ vượt 60% kế hoạch đề ra.

Trong một chia sẻ mới đây, dù cho biết trước đây quỹ không mấy hứng thú với ngành ngân hàng của Việt Nam nhưng đến nay vị quản lý danh mục lại cho rằng đây là lĩnh vực “đáng để xem xét”. Ngành xây dựng, vật liệu xây dựng và bất động sản là các lĩnh vực mà ông chú ý. Khi thị trường chứng khoán đã tăng điểm mạnh trong thời gian qua, thậm chí một số dự báo lạc quan của CTCK cho rằng VN-Index có thể vượt mốc 1.000 điểm ngay tuần này, quỹ ngoại lớn thứ ba Việt Nam liệu đã có dự tính gì cho khoản tiền đang “nằm yên” của mình? Cùng chờ xem những doanh nghiệp nào có thể lọt tầm ngắm quỹ đầu tư Phần Lan này.

Theo Nhịp sống kinh tế

>> Bí quyết gửi tiết kiệm để tiền không bị “bốc hơi”

Có thể bạn quan tâm

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...