Liệu ngành du lịch có “bất tỉnh” bởi dịch corona?

Có người ví Corona như “cú đánh trời giáng” không đỡ được. Kẻ khác bảo là “những chùm bom tấn, nổ chậm của ác quỷ” và chưa biết lúc nào dừng.
Liệu ngành du lịch có “bất tỉnh” bởi dịch corona?

Khi người dân các nước dùng đũa để ăn cơm ở châu Á, đang náo nức chuẩn bị đón tết cổ truyền thì “đùng một cái”, dịch cúm Corona bùng phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.

Có người ví Corona như “cú đánh trời giáng” không đỡ được. Kẻ khác bảo là “những chùm bom tấn, nổ chậm của ác quỷ” và chưa biết lúc nào dừng.

Thông tin tràn ngập báo chí và mạng xã hội, còn hơn cả chiến tranh thế giới. Số liệu được cập nhật liên tục, từng giờ, thậm chí từng phút. Dù tỉ lệ tử vong khá thấp, dưới 2% người nhiễm bệnh, thua xa các đại dịch khác, trừ cúm Mỹ nhưng tốc độ lây lan lại chóng mặt.

Corona: Tổn thất nhãn tiền, không có ngoại lệ

Corona tấn công trực diện vào toàn bộ nền kinh tế; làm “bất tỉnh” ngành du lịch; gây "choáng váng" ngành nông nghiệp, dịch vụ giải trí, hàng không và ngành công thương…; thậm chí là khiến cả ngành sản xuất và giáo dục cũng bị "xây xẩm". Đó là hậu quả nhãn tiền và không có ngoại lệ. Trung Quốc bị tổn thất nặng nề nhất, xếp sau là Việt Nam và các nước phụ cận.

Từ đầu thế kỷ 21 đến nay, trong vòng 20 năm, thế giới bùng phát hàng loạt dịch bệnh mới, gấp đôi thời gian của thế kỷ 20. Hình như khoa học càng tiến bộ, dịch bệnh càng phát triển.

Với người Việt, Corona là dịch bệnh đáng sợ nhất, hơn cả dịch SARS đầu năm 2003. Không hẳn ở mức độ nguy hiểm (tỷ lệ tử vong của SARS là 9%) mà do mạng xã hội, tràn ngập vô số thông tin chưa được kiểm chứng. Không ít người còn lợi dụng tung tin giả để câu like hoặc đầu cơ trục lợi.

Tổng thiệt hại của dịch SARS là 54 tỷ USD toàn thế giới. Với Corona, con số này có thể gấp đôi, thậm chí là 3 – 4 lần, phụ thuộc vào thời gian khống chế, dập tắt và hồi phục.

Dịch SARS mất 9 tháng để dập tắt thì dịch Corona nhanh nhất cũng phải mất từ 4 - 6 tháng. Corona và SARS có nhiều điểm tương đồng về nguồn gốc (động vật hoang dã); địa điểm (SARS từ Hồng Kông, Corona từ Vũ Hán - Trung Quốc); thời điểm (cuối năm, giáp tết); lúng túng và bị động (cứ tưởng có thể nhanh chóng dập tắt được)…

Thị trường du lịch Trung Quốc và Hồng Kông đóng băng. Các thị trường khác, kể cả nội địa giảm từ 70 – 80%. Khách đã đăng ký thì hủy, khách dự tính đi thì ngưng. Các doanh nghiệp điên đầu giải quyết. Chỉ riêng ngành du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch ước tính thiệt hại hữu hình gần 8 tỷ USD. Chưa kể những thiệt hại không thể tính toán. 

Và rồi, các ngành khác cũng vì thế bị ảnh hưởng. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tốc đô tăng trưởng của từng ngành, từng quốc qua mà Corona “không mời cũng đến”. 

Corona: Thuốc thử đặc hiệu

Corona gây hậu quả nặng nề về kinh tế, tác động xấu đến cả chính trị, xã hội nhưng vẫn có những mặt tích cực. Mọi chuyện của cuộc sống luôn có hai mặt. Corona là thuốc thử liều mạnh. 

“Cháy nhà ra mặt chuột”. Corona đã phơi bày phẩm cách của mỗi người, mỗi tập thể. Ai hồ đồ, cả tin. Ai nóng nảy, bộp chộp. Ai điềm tĩnh, thích nghi. Ai hào hiệp, quên mình. Ai ích kỷ, dửng dưng. Ai điếc thật và giả điếc nên không sợ súng…

Các doanh nghiệp cho đến từng quốc gia cũng vậy. Corona là vũ khí vô đối có thể giải tán những đám đông tụ tập ngoài ý muốn, kể cả biểu tình vô thời hạn ở Hồng Kông...

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các nhà khoa học khuyến cáo “chỉ đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người hoặc có vấn đề sức khỏe, rửa tay sát khuẩn thường xuyên, tăng sức đề kháng bằng dinh dưỡng và thể dục”. 

Người phương Tây đến Việt Nam chỉ đeo khẩu trang theo khuyến cáo của WHO. Nhưng Việt Nam thì khác. Cả nước đeo khẩu trang, mọi nơi mọi lúc. Việc này tạo cảm giác an toàn ảo và vô tình làm tăng tâm lý sợ hãi. Hậu quả là nhu cầu sử dụng tăng đột biến, giá cả leo thang, phát sinh nạn đầu cơ và xử lý…

Việc đóng cửa các trường học đáng lẽ phải làm trước ở những tỉnh có nguy cơ lây nhiễm cao và không thể đồng nhất cả nước; gây nên những tác động dây chuyền tiêu cực. Trước khi đóng cửa trường học, phải đóng cửa chợ, siêu thị, nhà máy… vì nguy cơ lây nhiễm cao hơn. 

Các lễ hội xô bồ, bát nháo phải tạm dừng. Nếu nhân dịp này dừng luôn thì càng tốt. Còn các điểm tham quan bình thường, sao phải đóng cửa?

Thay vì hoảng hốt cấm cửa nên chủ động phòng chống bằng các biện pháp tích cực như đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn và đeo khẩu trang. Corona đã lật tẩy phủ phàng những gót chân Achilles của các ngành, các cấp; kể cả những ngành có vẻ được hưởng lợi như sản xuất khẩu trang, thuốc sát khuẩn…

Corona buộc tất cả soi lại mình để điều chỉnh chiến lược phát triển. Trước đó, nhiều chuyên gia từng cảnh báo nhưng “chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ”. Các ngành phải từng bước tự chủ, đa dạng hóa, thoát khỏi sự lệ thuộc gần như toàn bộ vào Trung Quốc, từ nguyên vật liệu sản xuất đến sản phẩm và đầu ra, từ thị phần đến kỹ thuật.

Ngành du lịch: Chủ động đối mặt

Corona không phải là dịch bệnh đầu tiên, càng không phải là dịch bệnh cuối cùng. Những bài học đắt giá về định hướng phát triển, khả năng ứng phó và thích nghi là cơ hội tổng duyệt hơn cả vaccine chủng ngừa lâu dài.

Ngành du lịch đã có nhiều biện pháp chủ động: từ việc liên kết tìm sản phẩm mới, kích cầu, đề nghị giảm thuế và lãi suất ngân hàng của Tổng cục, Hiệp Hội Du lịch cho đến kế hoạch hành động của từng doanh nghiệp. 

Tùy văn hóa công ty và bản lĩnh của lãnh đạo, có nơi cắt giảm lương và nhân sự. Có chỗ huy động nhân viên làm việc khác để có thu nhập. Có đơn vị huy động thêm vốn, vay ngân hàng để cầm cự, giữ người… Tất cả đều tranh thủ rà soát lại nhân lực, sắp xếp bộ máy, huấn luyện nhân viên, điều chuyển công việc cho những dự án để chuẩn bị “tổng tấn công” khi dịch bệnh bị đẩy lùi.

Ở Việt Nam, vào thời điểm cuối ngày 12/2/2020, các ca nhiễm bệnh đang điều trị gồm Vĩnh Phúc 10 ca, Sài Gòn 3 ca (trong đó 1 bệnh nhân đã xuất viện). Tại Khánh Hòa và Thanh Hóa, mỗi tỉnh có 1 ca mắc đều đã xuất viện. Vậy, không cớ gì lại tự đóng băng du lịch nội địa. 

Du lịch nước ngoài cũng vậy, nhất là ở các nước phát triển, ngành y tế tiên tiến, số ca nhiễm bệnh còn ít hơn cả Việt Nam và những ca này không ở các trung tâm du lịch. Đi du lịch mùa vắng, vừa được khuyến mại giá rẻ hơn, vừa được hưởng dịch vụ và chăm chút tốt hơn ví ít khách.

Không ai muốn tai ương nhưng có phúc ẩn trong họa (Họa hề phúc chi sở ỷ). Tôi rất ấn tượng hình ảnh của Cựu Thủ tướng Thaksin - Thái Lan khi bão H1N1 tàn phá du lịch xứ sở chùa Vàng vào đầu 2006.

Khi du khách quốc tế đang ngần ngại, chần chừ đến quốc gia này vì sợ lây dịch cúm gia cầm, Thủ tướng Thaksin đã lên truyền hình quốc gia ăn đùi gà và tuyên bố: “Nếu du khách nào đến Thái Lan và thiệt mạng vì dịch, tôi - Thaksin sẽ bỏ tiền túi và đền riêng mỗi người 1 triệu USD ngoài các loại bảo hiểm khác". Lượng khách sau đó đến Thái Lan tăng vọt.

“Gian nan mới hiểu tình bạn, hoạn nạn mới rõ tri âm”. Có bị bệnh mới biết quý sức khỏe. Có khổ đau mới biết giá trị hạnh phúc.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Khó khăn thử sức doanh nghiệp. Và hãy nhớ, "vàng thật thì không sợ phải trải qua thử lửa". 

 Nguyễn Văn Mỹ

Chủ tịch Lửa Việt Tours  

Uỷ viên Ban Chấp hành Hiệp hội Lữ hành Việt Nam

Xem thêm

Tổng đài 024.1080 giải đáp về dịch cúm Corona 24/7

Tổng đài 024.1080 giải đáp về dịch cúm Corona 24/7

Trong khi tin tức thật giả lẫn lộn lan tràn trên mạng xã hội, Tổng đài 1080 VNPT Hà Nội sẽ là kênh cung cấp cho khách hàng những thông tin liên quan đến dịch bệnh Corona cũng như cách thức phòng chống đầy đủ và chính xác nhất, liên tục 24/7.

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…