Lộ diện ông chủ mới của Tập đoàn Hoàn Cầu

Cuối tuần trước, ông Nguyễn Chấn (96 tuổi), chồng của bà Trần Thị Hường (tên thường gọi là Tư Hường, mất ngày 13/5/2017) là người sáng lập Ngân hàng Nam Á và Tập đoàn Hoàn Cầu tổ chức họp báo công bố
Lộ diện ông chủ mới của Tập đoàn Hoàn Cầu

Tại cuộc họp báo, ông Chấn cho biết, vào giữa năm 2016, bà Tư Hường đau bệnh nên có giao cho con là Nguyễn Quốc Toàn (SN 1970) quản lý ngân hàng và Tập đoàn Hoàn Cầu nhưng quyền sở hữu tài sản vẫn thuộc về vợ chồng ông.

Ông Chấn cho rằng: "Lạm dụng sự tín nhiệm của gia đình, với sự cấu kết, tiếp tay của một số cá nhân, người con trai thứ của ông đã chiếm giữ hết tài sản của vợ chồng ông, giá trị ước tính khoảng 30.000 tỷ đồng. Số tài sản này gồm: Cổ phiếu do Ngân hàng Nam Á phát hành; cổ phần tại các công ty trong hệ thống Tập đoàn Hoàn Cầu; các khoản đầu tư vào doanh nghiệp dưới hình thức góp vốn, mua cổ phần".

Đây mới chỉ là thông tin từ một phía. Theo tìm hiểu của chúng tôi dựa trên các thông tin được công khai thì có thể thấy là từ cuối năm 2016 đến nay, cơ cấu sở hữu và các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Công ty TNHH Hoàn Cầu đã có hàng loạt sự thay đổi.

"Nửa năm trước khi qua đời, toàn bộ số cổ phần của bà Tư Hường tại Hoàn Cầu đã được chuyển sang cho chồng là ông Nguyễn Chấn. Và nửa năm sau khi bà Tư Hường mất, toàn bộ phần vốn của ông Chấn lại được sang tên cho những người không trong gia đình.

Công ty TNHH Hoàn Cầu được đăng ký kinh doanh lần đầu vào ngày 1/2/1993, đây có thể coi là công ty trung tâm của sự nghiệp kinh doanh của gia đình bà Tư Hường.

Trước khi diễn ra một loạt biến động sở hữu trong thời gian gần đây, theo Đăng ký kinh doanh thay đổi lần 21 ngày 22/10/2012, Hoàn Cầu có vốn điều lệ 889 tỷ đồng.

Lúc này, Hoàn Cầu có 3 thành viên góp vốn là ông Nguyễn Chấn (51,78%), bà Trần Thị Hường (38,21%) và ông Nguyễn Quốc Toàn (10%). Khi này, Tổng giám đốc của Hoàn Cầu là ông Phan Đình Tân.

Đến ngày 18/11/2016, khi đó vốn điều lệ của của Hoàn Cầu đã được tăng lên 1.170 tỷ đồng, cơ cấu sở hữu của Hoàn Cầu từ tỷ lệ như trên có sự biến động lớn với việc ông Nguyễn Chấn nắm giữ 89,99% vốn.

10% cổ phần còn lại thuộc về ông Nguyễn Quốc Toàn (4,01%) và ông Nguyễn Quốc Cường, Phan Đình Tân và Nguyễn Thị Thanh Vân, mỗi người sở hữu 2%.

Tháng 12/2016, ông Nguyễn Quốc Cường giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc. Trước đó, từ tháng 7/2016, bà Nguyễn Thị Xuân Thủy đã giữ vị trí TGĐ thay ông Phan Đình Tân.

Ngày 13/5/2017, bà Tư Hường qua đời và chỉ chưa đầy 2 tuần sau đó, ông Phan Đình Tân trở lại giữ vị trí Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Hoàn Cầu. Cùng với việc không còn giữ vị trí Chủ tịch kiêm TGĐ thì 2% cổ phần của ông Nguyễn Quốc Cường cũng được sang tên cho bà Nguyễn Thị Thanh Vân.

Đến tháng 11/2017, sự thay đổi lớn trong hơn 24 năm thành lập của Hoàn Cầu khi cơ cấu sở hữu đã có sự thay đổi đáng kể: khi toàn bộ phần vốn của ông Chấn, ông Toàn và bà Vân được chuyển nhượng sang cho một cá nhân là ông Dương Tiến Dũng.

Lúc này, Hoàn Cầu có 2 thành viên góp vốn là ông Dương Tiến Dũng (98%) và ông Phan Đình Tân (2%).

Kể từ thay đổi ĐKKD ngày 21/11/2017, ông Chấn không còn nắm giữ phần vốn tại Hoàn Cầu.

Như vậy kể từ thời điểm này, các thành viên của gia đình bà Tư Hường không còn [trực tiếp] sở hữu công ty trung tâm nắm giữ cơ nghiệp của gia đình.

Đến tháng 7/2018, phần vốn của ông Dương Tiến Dũng lại được sang tên cho ông Phan Đình Tân. Lúc này ông Tân trở thành người nắm giữ 99% vốn góp của Hoàn Cầu.

1% còn lại do bà Nguyễn Thị Liệu nắm giữ và sau đó được chuyển sang bà Nguyễn Tôn Nữ Như Hoàng vào tháng 12/2018.

Ông Phan Đình Tân sinh năm 1954, là người đã gắn bó với sự nghiệp kinh doanh của gia đình bà Tư Hường tại Hoàn Cầu và ngân hàng Nam Á từ những ngày đầu. Ông Tân giữ vị trí Tổng giám đốc của Hoàn Cầu trong phần lớn thời gian từ khi thành lập, ngoại trừ một khoảng thời gian gián đoạn nêu trên. Hiện tại ông Tân cũng là Phó Chủ tịch của Ngân hàng Nam Á.

Theo Trí thức trẻ 

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...