Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) lưu ý khả năng hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu của UDC (Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển Đô thị tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), HVN (Tổng Công ty Hàng Không Việt Nam), HOT (Công ty Cổ phần Du lịch Dịch vụ Hội An) và SII (Công ty Cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn).
Cả 4 doanh nghiệp trên đều có hoạt động kinh doanh thua lỗ triền miên từ năm năm 2020, 2021 đến năm 2022. Trong đó, báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022 của HVN, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ lũy kế năm là âm 10.452 tỷ đồng, Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 31/12/2022 là âm 34.199 tỷ đồng, Vốn chủ sở hữu âm 10.199 tỷ đồng.
Đối với UDC lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ cả năm là âm 39,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (lỗ lũy kế) đến ngày 31/12/2022 là âm 72,2 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế thu nhập cả năm cuẩ HOT âm 19 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (lỗ lũy kế) đến ngày 31/12/2022 âm 64,5 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ SII năm 2022 âm 88,9 tỷ đồng
HOSE cho biết, căn cứ quy định tại điểm e khoản 1 Điều 120 tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Do vậy, HOSE lưu ý về việc cổ phiếu của các công ty trên có khả năng bị hủy niêm yết nếu báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 tiếp tục có lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ là số âm. Riêng đối với Vietnam Airlines hoặc vốn chủ sở hữu là số âm.
Vào quý 4/2022, chi phí tài chính của Vietnam Airlines tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ, lên hơn 1.000 tỷ đồng, chủ yếu là lỗ chênh lệch tỷ giá và lãi vay. Và khi ngành hàng không sôi động trở lại, chi phí bán hàng cũng tăng lên hơn 1.000 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ.
Hệ quả, hãng hàng không quốc gia lỗ ròng gần 2.700 tỷ đồng trong quý 4/2022, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 1.000 tỷ đồng. Cả năm 2022, Vietnam Airlines lỗ ròng 10.400 tỷ đồng, dù rằng doanh thu gấp 2,5 lần cùng kỳ (đạt 70.500 tỷ đồng).
Theo lý giải của Vietnam Airlines, kết quả thua lỗ quý 4/2022 là do thị trường quốc tế phục hồi chậm, chi phí nhiên liệu tăng mạnh, xung đột Nga-Ukraine, các biến động về tỷ giá và lãi suất tăng.
Hiện giá cổ phiếu của hãng hàng không này đang giao dịch ở mức 12.400 đồng/cổ phiếu ngày 3/2/2023.