Lợi nhuận ABBank giảm do bồi thường chấm dứt hợp đồng kinh doanh bảo hiểm trước thời hạn

Việc chấm dứt hợp tác bán bảo hiểm nhân thọ với đối tác cũ khiến ABBank phát sinh khoản chi phí thanh toán lên tới 240,4 tỷ đồng trong năm 2022...
ngân hàng ABBank

Theo tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 vừa công bố, Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBank, mã chứng khoán: ABB) đặt mục tiêu đến cuối năm 2023, quy mô tổng tài sản tăng trưởng 5% so với năm 2022, đạt 136.816 tỷ đồng. Huy động thị trường 1 đạt 93.508 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ.

Tăng trưởng tín dụng mục tiêu tăng 10%, bao gồm dư nợ cho vay tổ chức kinh tế và cá nhân, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tương đương đạt 97.382 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục kiểm soát dưới 3%. Lợi nhuận trước thuế ngân hàng ABBank đề ra cho cả năm 2023 là 2.826 tỷ đồng, tăng 68% so với năm 2022. ROE sau thuế dự kiến tăng từ 10,98% (năm 2022) lên 16% (năm 2023).

Điểm lại kết quả kinh doanh năm 2022, ngân hàng ABBank ghi nhận tổng tài sản đạt 130.065 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2021 và đạt 94% kế hoạch đặt ra. Tổng huy động thị trường 1 đạt 91.994 tỷ đồng, đạt 97% kế hoạch.

Lợi nhuận trước thuế đạt 1.686 tỷ đồng. So với kế hoạch 3,079 tỷ đồng lãi trước thuế đặt ra cho cả năm 2022, ngân hàng ABBank chỉ thực hiện được 55% mục tiêu. Cho vay khách hàng tăng 19% lên 82,010 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng tăng đến 24% lên 84,124 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 2,19%, đảm bảo dưới 3% theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Theo báo cáo của Hội đồng quản trị, ngân hàng ABBank đã không đạt được nhiều chỉ tiêu kế hoạch mà Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Giải trình về nguyên nhân, ABBank cho biết, thị trường năm 2022 biến động, nhiều yếu tố tiêu cực, bất ổn gây ảnh hưởng đến mảng kinh doanh nguồn vốn. Cụ thể là trái phiếu chính phủ do mặt bằng lãi suất thị trường tăng mạnh, thanh khoản hạn chế dẫn tới danh mục trái phiếu chính phủ bị ảnh hưởng.

Thêm vào đó, năm vừa qua ngân hàng phát sinh chi phí bồi thường khi chấm dứt hợp tác bán bảo hiểm nhân thọ với đối tác cũ không đảm bảo quyền lợi cho ngân hàng ABBank. Chi phí thanh toán theo thỏa thuận chấm dứt hợp tác phân phối bảo hiểm là 240,4 tỷ đồng.

“Những yếu tố này là nguyên nhân sụt giảm lợi nhuận toàn hệ thống ABBank trên 1.000 tỷ đồng, trong khi chưa có giải pháp hiệu quả về nguồn thu thay thế để bù đắp. Một số chỉ tiêu quy mô, hiệu quả còn khoảng cách tương đối so với các chỉ tiêu định hướng của kế hoạch kinh doanh trung hạn 2021-2025”, Hội đồng quản trị thông tin.

Trong khi phải trả khoản bồi thường khi chấm dứt hợp đồng với đối tác cũ trước hạn, ngân hàng ABBank chưa có sự chuyển đổi liên tục trong hợp tác với đối tác kinh doanh bảo hiểm mới dẫn đến không có doanh thu phí bảo hiểm năm qua.

Lãnh đạo ngân hàng ABBank cũng thừa nhận sự hạn chế trong công tác dự báo và lập kế hoạch. Việc triển khai ngân hàng số chưa tạo sự đột phá cần được thúc đẩy chuyển đổi mạnh mẽ hơn.

Theo tìm hiểu, ngân hàng ABBank và Công ty Bảo hiểm FWD chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối sản phẩm bảo hiểm có thời hạn 15 năm tại Việt Nam. 

Tuy nhiên, đến 2022, mối hợp tác này đã chính thức kết thúc. Thay vào đó, tháng 12/2022, ABBank có đối tác mới khi công bố hợp tác chiến lược với Dai-ichi Life Việt Nam.

ngân hàng ABBank
Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/4, cổ phiếu ABB ghi nhận ở mức 8.500 đồng/cổ phiếu. 

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 6/4, cổ phiếu ABB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình đang ghi nhận ở mức 8.500 đồng/cổ phiếu. Theo đó, vốn hóa trên thị trường vào khoảng 7.998 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm