Lợi nhuận kinh doanh khả quan song áp lực xử lý nợ xấu lớn khiến VIB hạn chế chia cổ tức tiền mặt
Tín dụng “đổi gió”
Ngân hàng VIB vừa công bố BCTC năm 2016 đã được kiểm toán bởi Ernst & Young Việt Nam với số liệu khá tương đồng với báo cáo tự lập trước đó. Theo đó, 2016 tiếp tục là năm kinh doanh khởi sắc của VIB, với hầu hết các chỉ tiêu đặt ra đều hoàn thành vượt kế hoạch.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần trong năm 2016 đạt hơn 2.626 tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước. Trong đó, hoạt động dịch vụ đem về lãi thuần 255,6 tỷ đồng. Còn hoạt động chứng khoán đầu tư và kinh doanh ngoại hối có lãi thuần lần lượt 149,4 tỷ đồng và 24,8 tỷ đồng (năm 2015 kinh doanh ngoại hối bị lỗ 10,5 tỷ đồng).
Hoạt động góp vốn mua cổ phần đem về 27,55 tỷ đồng lợi nhuận, thu nhập khác ở mức 345 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm trước.
Cả năm 2016, ngân hàng đạt lợi nhuận thuần trước dự phòng rủi ro hơn 1.308 tỷ đồng, tăng 12,4% so với năm trước. Tuy nhiên sau khi dành tới 50% để trích chi phí dự phòng rủi ro tín dụng thì VIB chỉ còn lại 702,2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lãi sau thuế còn 561,7 tỷ đồng (tăng 7,8% so với năm trước).
So với các ngân hàng TMCP quy mô nhỏ, VIB đã dễ dàng tăng vốn điều lệ trong 2 năm gần đây với tổng mức tăng 32,8%, từ mức vốn 4.250 tỷ đồng (năm 2014) lên mức 5.644 tỷ đồng ở hiện tại. Nhờ đó, cải thiện các chỉ số an toàn tài chính, có điều kiện mở rộng tín dụng cao hơn trong năm vừa qua…
BCTC cho thấy, huy động vốn đến cuối năm 2016 của VIB đạt 59.260 tỷ đồng, tăng trưởng gần 11,2%, nhưng dư nợ cho vay khách hàng tăng mạnh tới 26%, lên mức 60.179 tỷ đồng. Thời gian qua, VIB duy trì mức tăng trưởng tín dụng cao hơn gấp rưỡi so với tín dụng toàn ngành ngân hàng.
Đi kèm với mở rộng tín dụng thì VIB đã phải tăng trích lập dự phòng rủi ro cao hơn 34,9%, lên mức 1.015 tỷ đồng. Đây là mức trích lập dự phòng cao nhất được ghi nhận ở nhà băng nay trong vòng 4 năm gần đây.
Về chất lượng tín dụng, dư nợ xấu của VIB có xu hướng tăng lên gần 1.550 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 2,57% tổng dư nợ so với mức 2,07% đầu năm.
Trong đó, nợ xấu nhóm 5- có khả năng mất vốn đã tăng đột biến tới 77,4% lên mức 1.341 tỷ đồng. Nguyên nhân do trong năm VIB thực hiện mua lại một số khoản nợ xấu từ VAMC với số tiền 1.336 tỷ đồng để tự xử lý, thu hồi nợ. Do đó, số chi phí dự phòng rủi ro cũng tăng vọt lên 1.015 tỷ đồng (riêng dự phòng cho nợ nhóm 5 tới 447 tỷ đồng). Việc tăng trích lập rủi ro lớn ngay lập tức khiến cho lợi nhuận của VIB năm 2016 bị sụt giảm đáng kể.
Được biết, hồi năm 2015, VIB đã bán lượng nợ xấu lớn cho VAMC với số dư trái phiếu lên tới 3.715 tỷ đồng. Với việc mua lại 1/3 số nợ xấu để tự xử lý thì ngân hàng VIB có lẽ cũng đang “khó nghĩ” khi vẫn còn tới hơn 2.400 tỷ đồng nợ xấu đang “gửi” ở VAMC?
Nếu xử lý thu hồi được khối nợ xấu 3.715 tỷ đồng thì VIB sẽ “giải phóng” được số vốn không hề nhỏ đã bị “kẹt” ở dự phòng rủi ro, giúp lợi nhuận đẹp hơn trên sổ sách. Song điều này không dễ dàng trên thực tế, nhất là khi VIB đang thực hiện các tiêu chuẩn khắt khe của Basel II về phân loại nợ xấu, dự phòng, đảm bảo hệ số an toàn cao hơn…
Có chia cổ tức “hậu hĩnh”?
Mặc dù lợi nhuận tăng trưởng thấp và nợ xấu còn lớn nhưng VIB lại khiến thị trường bất ngờ khi đưa ra chính sách cổ tức “hậu hĩnh” lên tới 23-25% trong hai năm gần đây. Cụ thể, tỷ lệ cổ tức năm 2014 là 9% bằng tiền và 14% bằng cổ phiếu, năm 2015 chia bằng tiền là 8,5% và 16,5% cổ phiếu thưởng. Không phải ngân hàng nào cũng được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt chia cổ tức cao như vậy.
Riêng phần cổ phiếu thưởng tương ứng giá trị tăng vốn điều lệ hơn 1.392 tỷ đồng trong hai năm qua, cũng đồng nghĩa VIB “giữ” lại tiền của cổ đông để phục vụ hoạt động kinh doanh, cải thiện các chỉ số tài chính…
Vậy vì sao VIB lại “chung thuỷ” với chính sách cổ tức chia cả bằng tiền và cổ phiếu như vậy?
Theo các báo cáo, năm 2013-2016, VIB duy trì số thặng dư vốn cổ phần rất lớn tới gần 2.553 tỷ đồng và 571,6 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối (đến cuối năm 2014). Sau khi trích ra chia cổ tức thì nguồn thặng dư và lợi nhuận chưa phân phối đến cuối năm 2016 vẫn còn hơn 1.841 tỷ đồng. Do đó, trước thời điểm niêm yết trên sàn, có thể VIB sẽ tiếp tục duy trì chính sách cổ tức kèm cổ phiếu thưởng để tiếp tục tăng vốn điều lệ.
Vì ngoài lý do tăng năng lực tài chính, việc chia cổ phiếu thưởng sẽ giúp các cổ đông hiện hữu lớn bảo toàn tỷ lệ sở hữu và tăng số lượng cổ phần nắm giữ tại VIB – ngân hàng vốn có cơ cấu cổ đông “cô đặc” suốt nhiều năm qua.
Theo số liệu gần nhất, sau hai đợt chia cổ phiếu thưởng, cổ đông chiến lược nước ngoài - Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia tăng sở hữu lên 20% vốn điều lệ, cổ đông lớn thứ hai là CTCP Đầu tư & thương mại hệ thống Quốc tế - Nettra nắm 15% vốn.
Nhóm cổ đông là thành viên gia đình Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ nắm tổng cộng 19,82%, tương ứng 111,87 triệu cổ phiếu. Trong đó, ông Đặng Khắc Vỹ chỉ còn nắm 4,99% cổ phần, bà Lê Thị Huệ - chị dâu ông Vỹ nắm 4,98% cổ phần, ông Trần Báu – bố vợ ông Vỹ nắm 4,95%, bà Nguyễn Thị Nhất Thảo – mẹ vợ ông Vỹ nắm 4,9%...
Trước kế hoạch niêm yết (VIB hiện giao dịch UpCoM), mục tiêu bảo toàn sở hữu và làm sao gia tăng giá trị cổ phiếu có lẽ sẽ cũng nằm trong toan tính của nhóm cổ đông lớn khi quyết định phương án chia cổ tức.
Hải Hà
>> Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ và “người nhà” nắm 19,82% vốn VIB