Thực tế này được lí giải từ lịch sử xuất hiện các cửa hàng tiện lợi.
Circle K ra đời tại Mỹ, còn quê hương của 7-Eleven là Nhật Bản. Khởi đầu là các cửa hàng tạp hóa được xây dựng tại các khu dân cư đông đúc hoặc các thị trấn trung tâm ở vùng ngoại ô. Và đa số các thị trấn cỡ trung ở các quốc gia này vẫn thường có các cửa hàng tạp hóa mở cửa suốt đêm.
Chi phí mở cửa suốt đêm không quá cao, nhưng cũng không phải là nhỏ. Ví dụ chi phí chạy điều hòa, hệ thống đèn, chi phí nhân viên... đều sẽ cao hơn những cửa hàng đóng cửa từ nửa đêm tới sáng. Những nhân viên bán hàng, bốc xếp hàng và bảo vệ làm ca đêm đều nhận tiền phụ trội.
Trong trường hợp này, chi phí gần như chắc chắn cao hơn lợi nhuận thu được từ việc bán hàng trong vài tiếng đồng hồ ngắn ngủi vào ban đêm, vậy thì tại sao các cửa hàng vẫn mở cửa đến sáng?
Những yếu tố tác động đến quyết định chọn nơi mua hàng tạp hóa của khách hàng gồm: giá cả, sự phong phú của hàng hóa, địa điểm và thời gian. Đa số khách hàng chọn cửa hàng đáp ứng tốt nhất yêu cầu của họ và chủ yếu chỉ mua hàng ở đó. Một khi bạn đã thuộc cách sắp xếp trong một cửa hàng quen, tại sao lại phải tốn thời gian tìm từng món hàng ở cửa hiệu khác nữa? Vì thế các cửa hàng luôn nỗ lực để trở thành lựa chọn đầu tiên của càng nhiều khách hàng càng tốt.
Giá cả và chủng loại hàng hóa trong các cửa hàng thường không khác biệt là mấy, tuy nhiên địa điểm và thời gian có thể là nhân tố quyết định đối với các khách hàng. Khách thường sẽ ít ghé thăm các cửa hàng không tiện đường. Đó là lí do các thương hiệu cửa hàng tiện lợi thường là các chuỗi có độ phủ dày đặc trong các khu dân cư đông đúc và các trục đường trung tâm.
Giả sử các cửa hàng trong 1 thị trấn đều đóng cửa từ 11h đêm đến 7h sáng. Nếu một cửa hàng mở cửa đến 12h đêm thì nó sẽ trở thành nơi mua sắm có giờ giấc thuận tiện nhất. Ngay cả những khách hàng hiếm khi mua hàng trong khoảng thời gian từ 11-12h cũng có thể chọn nơi đó thay cho cửa hàng quen thuộc của họ, vì nếu đột nhiên cần mua thứ gì đó giữa đêm thì việc tìm hàng sẽ dễ dàng hơn.
Bởi vậy, dù cửa hàng chỉ có vài khách mua trong 1h mở cửa thêm, nhưng thời gian thuận tiện sẽ giúp thu hút thêm nhiều khách hàng khác chọn cửa hàng làm nơi mua sắm thường xuyên.
Không thể khoanh tay nhìn khách hàng bỏ đi, các cửa hàng đối thủ cũng phải mở cửa thêm giờ. Khi đó, một vài cửa hàng khác có thể chiếm ưu thế khi mở cửa đến 1h sáng. Nếu chi phí để duy trì cửa hàng ít khách trong 1 giờ tăng thêm không quá cao thì đa số cửa hàng lớn trong thị trấn sẽ mở cửa suốt đêm. Và đó chính là những gì đã xảy ra trong thực tế.
Giả sử nhiều siêu thị cùng mở cửa qua đêm thì sự lựa chọn của khách hàng không còn phụ thuộc vào giờ giấc. Khi đó, các cửa hàng tiện lợi và siêu thị lại tiếp tục cạnh tranh ở những mặt khác.
Ví dụ siêu thị này nổi tiếng nhờ đồ ăn tại chỗ ngon, còn nơi khác nổi tiếng bằng đồ ăn nhập khẩu đặc biệt nhất. Siêu thị này có wifi miễn phí và chỗ ngồi thoáng đãng, cửa hàng kia có sách báo, nhận photo tài liệu và thanh toán được tiền điện nước tại quầy... Từ đó chẳng cửa hàng tiện lợi nào đóng cửa vào ban đêm như trước.