Lướt sóng bất động sản: Rủi ro từ kịch bản cũ

Kỳ vọng đạt lợi nhuận cao trong một thời gian ngắn, một lượng lớn khách hàng cá nhân bất chấp rủi ro để tham gia vào cuộc đua lướt sóng bất động sản (BĐS).
Lướt sóng bất động sản: Rủi ro từ kịch bản cũ

Lượng giao dịch tăng đột biến

Số liệu của Phòng công chứng số 1, Tp.HCM cho thấy, lượng hồ sơ công chứng giao dịch nhà đất trong 4 tháng đầu năm 2017 tăng 17-27% so với cùng kỳ năm 2016, tháng sau tăng 2-4% so với tháng trước.

Có trường hợp hơn chục hộ gia đình cùng đứng mua, không phân chia thửa một lô đất nông nghiệp rộng 1.000m2. Dù đã được công chứng viên tư vấn về pháp lý và cảnh báo những rủi ro có thể gặp phải khi nhiều hộ gia đình chung quyền sử dụng đất nhưng khách hàng vẫn chấp nhận mua.

Theo thống kê từ Hội Môi giới BĐS Việt Nam, tại Hà Nội, các phân khúc nhà chung cư, biệt thự, liền kề trong khu đô thị mới… có lượng giao dịch tăng không đáng kể. Một số dự án của chủ đầu tư có uy tín và có mức độ hoàn thiện tốt tăng từ 2-4% so với quý IV/2016. Tuy nhiên, tại một số khu vực thuộc phía Nam quận Hà Đông, so với quý IV/2016, đất nền trong khu đô thị và đất thổ cư trong bán kính 2-3km của ga cuối tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã tăng giá từ 10-15%.

"Theo Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hà, căn cứ trên thị trường chính thức, giao dịch BĐS không biến động nhiều. Thời gian qua, đất thổ cư hoặc một số dự án biệt thự, liền kề vùng ven là phân khúc chính diễn ra những đợt "thổi giá" BĐS.

Ông Hà khuyến cáo: "Một cách phổ biến là chủ đầu tư công bố giá bán thấp, sau đó đẩy giá lên thông qua môi giới để người mua thêm hưng phấn, sau đó kiếm lời từ các khoản chênh lệch từ các môi giới. Sau khi môi giới nhận được tiền "đặt cọc", khách hàng sẽ phải đối mặt với nhiều điều bất lợi khi ký hợp đồng mua bán. Do đó, người mua cần tỉnh táo với các "chiêu trò" của môi giới".

Trong khi đó, Trưởng văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo chính sách nhà ở và thị trường BĐS (Sở Xây dựng Tp.HCM), bà Vũ Thị Khuyên cho rằng, cơ quan quản lý đã phản ánh, đưa ra cảnh báo và tích cực tìm giải pháp trước hiện tượng sốt đất này. Các đơn vị liên quan như phòng công chứng, thừa phát lại... đều tư vấn hỗ trợ người dân nhưng vấn đề là dù biết rõ rủi ro, người dân vẫn tham gia giao dịch với mong muốn kiếm lợi.

Cẩn trọng với kịch bản cũ

Để "thổi giá", những môi giới BĐS sử dụng cách phổ biến là dựa vào thông tin quy hoạch, các công trình hạ tầng được triển khai hoặc "ăn theo" các dự án BĐS lớn của những chủ đầu tư có tên tuổi. Chẳng hạn, tại Hà Nội là các dự án hạ tầng lớn như: tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đường Võ Nguyên Giáp nối sân bay Nội Bài với trung tâm Hà Nội qua cầu Nhật Tân hay nút giao Quốc lộ 5 kéo dài. Còn tại Tp.HCM là thông tin các huyện Bình Chánh, Nhà Bè lên quận và một số dự án BĐS lớn tại Củ Chi… Hay tại Hải Phòng, Quảng Ninh, các dự án nhà ở cũng bị "đẩy giá" do thông tin các dự án BĐS du lịch - giải trí quy mô lớn của một số chủ đầu tư có tên tuổi đi vào hoạt động.

Một nhân viên môi giới BĐS với hơn 10 năm kinh nghiệm cho biết, giá BĐS được nâng nhờ sự cải thiện hạ tầng và quá trình đô thị hóa nói chung. Tuy nhiên, việc tăng giá này diễn ra trong nhiều năm. Nếu một dự án tăng vài chục phần trăm, thậm chí tăng gấp đôi chỉ trong một thời gian ngắn thì người mua cần hết sức tỉnh táo để tránh rơi vào "bẫy" của giới đầu cơ.

Người môi giới này cho biết: "Có chủ đầu tư mua một khu đất dự án với giá rất thấp, sau đó mua thêm một số lô đất thổ cư xung quanh với giá cao gấp nhiều lần để nâng giá cho chính dự án của mình".

Theo Đầu tư

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…