Hội nghị được diễn ra vào chiều 12/3, tại UBND huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Nếu theo dự thảo, nước mắm truyền thống sẽ chết
Tại hội nghị, nhiều ý kiến của các doanh nghiệp đã được đưa ra tuy nhiên đa số các ý kiến đều không đồng tình với dự thảo về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm.
Bà Nguyễn Kim Chi - đại diện cơ sở sản xuất nước mắm Thành Khoa (huyện Phú Quốc) bức xúc: “Khi có bản dự thảo về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm do Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT chủ trì soạn thảo, tôi đọc đi đọc lại nhiều lần và được một số chuyên gia giải thích nhưng vẫn không hiểu được nội dung, mục đích của bản dự thảo này ra đời làm gì? Có quá nhiều từ ngữ khó hiểu, nhiều quy định dư thừa…”.
“Vì sao phải bắt cái truyền thống của dân tộc theo cái chuẩn của quốc tế? Nếu dự thảo bản thực hành này được thông qua, những cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống như chúng tôi sẽ chết hết!” – Bà Chi gay gắt nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Giáo – đại diện cơ sở sản xuất nước mắm Phú Hưng đề nghị làm rõ nội dung: “Ban soạn thảo văn bản này đã lấy ý kiến nhiều DN sản xuất nước mắm ở Phú Quốc? Vậy DN đó là ai mà sao chúng tôi không hay biết về bộ quy phạm thực hành sản xuất nước mắm này? Vì sao ban soạn thảo dùng từ “dị tật” rồi “nguy cơ” khi nói về sản phẩm nước mắm và chất histamine? Vì sao đưa nội dung kiểm tra dư lượng thuốc thú y, bảo vệ thực vật vào quy trình kiểm soát… Những nội dung này vô cùng quy hiểm, vì gieo vào đầu người tiêu dùng sản phẩm nước mắm truyền thống không tốt cho sức khỏe”.
Cần có khái niệm riêng biệt giữa hai loại nước mắm
Cũng theo ông Giáo, cần tách bạch riêng bộ quy chuẩn sản xuất nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp, không thể lấy một quy chuẩn áp cho hai quy trình sản xuất nước mắm khác nhau.
Chuyên gia Vũ Thế Thành cũng kiến nghị, cần ban hành hai bộ quy chuẩn về kỹ thuật sản xuất nước mắm riêng biệt, một cho nước mắm và một cho nước mắm công nghiệp.
Còn về bản dự thảo, ông bày tỏ không muốn bàn tới nữa vì “có người đã phát hiện bộ quy chuẩn này có quá nhiều lỗi”.
Chung ý kiến, ông Huỳnh Quang Hưng – Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc khẳng định: “Rõ ràng cần có khái niệm riêng biệt giữa nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp để từ đó có bộ quy chuẩn sản xuất riêng cho từng loại”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc chia sẻ thêm, nước mắm Phú Quốc đã tốn bao công sức và mất nhiều thời gian mới được tổ chức thế giới cấp bằng chỉ dẫn địa lí, đây là tài sản quốc gia. Ngoài ra, nước mắm Phú Quốc còn được UBND tỉnh Kiên Giang công nhận làng nghề truyền thống.
“Do vậy, chúng ta cần bảo vệ, tạo điều kiện để ngành nước mắm truyền thống phát triển. Nếu ngành nghề này vì lí do gì đó bị xóa đi, không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế địa phương mà còn ảnh hưởng đến văn hóa, an ninh biển, lao động, việc làm…” - Ông Hưng nhấn mạnh.
Mặc dù các đại biểu trước đều chung quan điểm đối với dự thảo quy chuẩn nước mắm, tuy nhiên có mặt tại hội nghị, đại diện Masan Phú Quốc vẫn can đảm “lội ngược dòng” khi cho rằng, dự thảo bộ quy phạm thực hành sản xuất nước mắm này rất khả thi.
Tất nhiên, quan điểm này đã vấp phải sự phản ứng gay gắt từ các hội viên Hiệp hội nước mắm Phú Quốc.
Tổng kết hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phú Quốc, bà Hồ Thị Kim Liên cho biết, sau khi tổng hợp các ý kiến của các Hội viên, Hiệp hội sẽ có văn bản gửi Quốc hội, Thủ tướng và các bộ ngành liên quan xem xét và quyết định cho xây dựng hai bộ quy chuẩn kỹ thuật đối với nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp.
"Chúng tôi kiến nghị cho thực hiện đề tại khoa học cấp quốc gia đánh giá rủi ro histamine, kim loại nặng trong nước mắm; không tạo ra hàng rào kỹ thuật cho nước mắm Việt Nam trên trường quốc tế. Cuối cùng là đề nghị Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo các Bộ, ngành cho sớm thành lập Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam để tạo điều kiện, hỗ trợ cho ngành nghề nước mắm Việt Nam được bảo tồn phát triển ổn định", bà Liên nói thêm.